Chủ tịch Quốc hội: Ngành Y tế cần sự đồng hành để tháo gỡ những khó khăn

Toạ đàm tham vấn ý kiến chuyên gia về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) do Ủy ban Xã hội phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chiều nay (12/8).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ ba, sẽ được trình xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ tư tới. Dự luật có phạm vi tác động rất rộng tới các lĩnh vực kinh tế, xã hội, sức khoẻ, tính mạng của người dân.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là dự án Luật khó, nhất là trong điều kiện hiện nay, sau khi những tác động của dịch bệnh Covid-19, các vấn đề của ngành y tế, y tế cơ sở, y tế dự phòng, tài chính y tế... đang bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức và đặt ra những yêu cầu mới về khuôn khổ pháp lý. Dự án Luật nhận được sự quan tâm sâu sắc không chỉ trong ngành y tế mà còn của cử tri và nhân dân cả nước.

Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Doãn Tấn

"Khi Quốc hội sửa đổi xong Luật này thì có tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc hiện nay của ngành y tế hay không? Có giúp cho ngành y tế thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của mình theo tinh thần Nghị quyết số 20 của Trung ương về chăm sóc sức khoẻ của nhân dân hay không? Đó là câu hỏi hết sức quan trọng phải trả lời”, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

Đến nay, chất lượng dự thảo Luật đã được nâng lên so với phiên bản trình Quốc hội lần đầu, tuy nhiên, vẫn còn các nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện thêm.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, qua tổng hợp dư luận xã hội, ý kiến của nhân dân, cử tri, ngành y tế cho thấy tài chính y tế hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng cần đưa tài chính y tế vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Theo ông, nếu không đưa vào thì cũng rất khó khăn vì hiện nay chưa có luật về đơn vị sự nghiệp công lập mà mới chỉ có một số quy định tại các luật liên quan (trong nhiệm kỳ này, Quốc hội cũng đã có kế hoạch xây dựng luật về đơn vị sự nghiệp công lập).

Riêng với cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập thì hiện mới chỉ được quy định tại Nghị định 60 của Chính phủ. Nghị định này cũng quy định chung cho tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập chứ chưa có quy định riêng cho lĩnh vực hết sức đặc thù của ngành y tế.

Tới đây Quốc hội sẽ xem xét sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội. Bộ Y tế cũng đang dự kiến trình Chính phủ, Quốc hội ban hành các luật mới trong lĩnh vực y tế như: Luật về trang thiết bị y tế, Luật về y tế dự phòng...

Ngành y tế cần sự đồng hành, đóng góp chung của xã hội. Ảnh: Hoàng Hà

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cơ chế tài chính của cơ sở khám, chữa bệnh hiện đang là vấn đề bức xúc, có cần bổ sung các quy định về vấn đề này vào luật để sau khi sửa đổi thì cán bộ ngành y yên tâm làm công tác chuyên môn.

"Nếu đưa vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì cần thiết kế các quy định cụ thể như thế nào? Có nên quy định thành một chương riêng áp dụng cho cả cơ sở y tế công lập và cơ sở y tế tư nhân không?", ông phân tích.

Mặc dù thời gian từ nay cho đến kỳ họp thứ tư không còn nhiều, nhưng đây là cơ hội rất quan trọng để sửa đổi, khắc phục những vướng mắc về cơ chế tài chính trong lĩnh vực y tế, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nên chắt lọc để đưa các quy định hiện hành vào dự thảo luật, trên cơ sở đó sẽ nhân rộng cho các lĩnh vực sự nghiệp công lập khác. 

"Ngành y tế cần sự đồng hành, đóng góp chung của xã hội, của Quốc hội, của Chính phủ, các cấp, các ngành để tháo gỡ những khó khăn hiện nay", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ngăn chặn các hình thức "núp bóng" xã hội hoá

Tại tọa đàm, các chuyên gia đã tập trung làm rõ những vướng mắc trong thực hiện quy định hiện hành về tài chính y tế và cơ chế tự chủ tài chính của các cơ sở khám, chữa bệnh kể cả cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân.

Cơ chế tài chính y tế là vấn đề quan trọng, một số chuyên gia nhất trí cần có một chương riêng quy định về cơ chế tài chính khám, chữa bệnh trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Một số chuyên gia đánh giá việc dự thảo Luật hiện đã có quy định về xã hội hoá công tác khám, chữa bệnh, bổ sung chủ thể ngoài nhà nước được cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, phi vụ lợi là điểm mới, một dấu son.

Tuy nhiên, các ý kiến này cũng lưu ý, xã hội hoá trong lĩnh vực y tế là chính sách có tác động rộng lớn, bao quát, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, trách nhiệm của cơ sở y tế, thậm chí dễ nảy sinh xung đột giữa hệ thống y tế tư nhân và y tế công lập.

Ảnh: Phan Giang

Nhà nước đang chủ trương cắt giảm đầu tư công, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực y tế tư nhân. Nhưng vừa qua, ở một số địa phương, có tình trạng đầu tư “công không ra công, tư không ra tư” do chính quyền địa phương kêu gọi đầu tư xã hội hoá y tế, mời doanh nghiệp đầu tư trong khuôn viên bệnh viện công.

Cho rằng đây thực chất là hình thức “núp bóng” chủ trương xã hội hóa, dễ nảy sinh tiêu cực, sai phạm, đại diện Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam đề nghị không nên luật hoá chính sách xã hội hoá đối với khối y tế công lập trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Một số chuyên gia cũng nhất trí quan điểm trên và cho rằng, chính sách tài chính trong lĩnh vực y tế cần bảo đảm nguyên tắc "công ra công, tư ra tư".

Adblock test (Why?)

Previous
Next Post »
Thanks for your comment