Xuất hiện tại triển lãm sinh vật cảnh đang diễn ra tại trung tâm thành phố Bắc Ninh, tác phẩm cây cảnh “Ngai vàng đất Việt” của anh Lê Đức Nam (phường Đồng Mai, quận Hà Đông, Hà Nội) trở thành tâm điểm thu hút người yêu cây.
Triển lãm SVC quy mô lớn được tổ chức tại TP Bắc Ninh sau 3 năm dịch bệnh (từ năm 2020 cho đến nay) đã thu hút sự quan tâm của hàng vạn người yêu sinh vật cảnh trên khắp cả nước. Nó cũng hội tụ, thu hút sự có mặt của những tác phẩm cây cảnh đình đám, có tiếng trong làng chơi cây tề tựu như “Ngai vàng đất Việt”, “Huyền phượng vũ” – những siêu cây có "số má" trong làng cây cảnh Việt Nam.
“Ngai vàng đất Việt” là tác phẩm sanh cổ thụ do anh Lê Đức Nam (SN 1975, trú tại phường Đồng Mai, quận Hà Đông, Hà Nội) là người sở hữu và tạo tác. Được hình thành từ một cây phôi vào năm 2005, trải qua 17 năm "Ngai vàng đất Việt" được Lê Đức Nam thổi hồn, trở thành một siêu cây nổi tiếng.
Năm 2019, lần đầu tiên "Ngai vàng đất Việt" được đưa đi triển lãm sinh vật cảnh tại Thanh Hoá đã gây bất ngờ cho giới chơi cây. Nó nhanh chóng được làng cây cảnh đánh giá là một trong những “tác phẩm tiền tỷ”, “triệu USD”.
Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các cuộc triển lãm sinh vật cảnh trên cả nước không được tổ chức do quy định phòng chống dịch bệnh...
Chính vì thế, sự có mặt của tác phẩm “Ngai vàng đất Việt” tại triển lãm SVC Bắc Ninh được nhiều người chờ đón.
Theo đánh giá của giới chơi cây "Ngai vàng đất Việt" ngày càng đạt tới sự hoàn mỹ, có chiều sâu.
Ngoài các tiêu chí “cổ - kỳ - mỹ - văn”, “Ngai vàng đất Việt” được chủ nhân chăm chút tới từng chi tiết nhỏ, có những sáng tạo mang dấu ấn riêng, vượt xa những “khuôn phép truyền thống” mang tính lối mòn.
Để chuẩn bị đưa tác phẩm đi tham dự triển lãm, trước đó 2 ngày, anh Lê Đức Nam đã kỳ công cắt tỉa lại bộ dăm cành của cây. Toàn bộ lớp lá, lớp dăm non của cây được cắt tỉa, loại bỏ, chỉ giữ lại bộ dăm cành rụt rịt…
Giới chơi cây gọi đây là lối chơi dăm, chơi xương cây – một trong những cách để “khoe” bộ khung của cây. Khi cây không còn “lớp áo” bên ngoài, toàn bộ kết cấu của cây, các đường chạy của tay, cành, chi, dăm… sẽ lộ rõ để người hiểu về cây bình phẩm, nhận định.
“Ngai vàng đất Việt” được giới chuyên môn đánh giá là một trong số ít những tác phẩm đã đạt tới sự hoàn thiện, chuẩn mực trong làng cây cảnh nghệ thuật Việt Nam.
Mấy ngày qua, khi triển lãm SVC tại TP Bắc Ninh được khai mạc, hàng ngàn lượt người yêu cây trên cả nước có mặt để chiêm ngưỡng các tác phẩm quý...
Rất nhiều người xin được chụp ảnh để lưu giữ kỷ niệm bên siêu phẩm "Ngai vàng đất Việt" và chủ nhân cây quý – nghệ nhân Lê Đức Nam.
Anh Nam cho biết, anh rất bất ngờ khi tác phẩm của mình được nhiều người quan tâm, hâm mộ.
“Nhiều cụ cao niên đến ngắm cây, trò chuyện, chia sẻ thêm kinh nghiệm, bình phẩm, góp ý… về tác phẩm, tôi rất xúc động và tự hào. Một số người hỏi, vì sao cây có tên “Ngai vàng đất Việt”, chính tôi cũng không trực tiếp đặt tên cho cây. Tên gọi này được chính những người yêu cây dành tặng cho nó” - anh Nam nói.
Sau 3 năm được khổ luyện, “Ngai vàng đất Việt” ngày càng được hoàn thiện hơn: bộ rễ ăn sát vào bệ đá tạo thành một khối khăng khít như một; độ lắc lượn của tay cành không có các “góc chết”, càng nhìn càng có chiều sâu; kích thước thân chủ và các tay cảnh chủ lực được duy trì ở mức độ phù hợp, giữ tỷ lệ thích hợp so với tổng thể - chiều cao, kích thước của cây…
Đặc biệt, nước da của cây ngày càng đạt đến độ già, khoẻ của một cây cảnh đủ ánh sáng, độ ẩm. Khi được tưới nước, toàn bộ da cây chuyển sang màu đỏ đồng, các điểm chun, sụn… đùn da ở cổ cây cũng chuyển sang màu thời gian…
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon