Thâu tóm đất vàng, ‘sân chơi mạo hiểm’ của các đại gia

Hôm nay (22/8), phiên tòa xét xử vụ thâu tóm đất vàng tại Bình Dương tiếp tục với phần tranh luận.

Theo cáo trạng, Tổng Công ty SX - XNK Bình Dương tiền thân là Xí nghiệp sản xuất hàng cao su 3/2 Sông Bé, chịu sự chỉ đạo và quản lý mọi mặt của UBND tỉnh Bình Dương.

Ngày 21/01/2003, UBND tỉnh Bình Dương xin phê duyệt Đề án phát triển Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương với diện tích khoảng 4.300ha nhằm tạo quỹ đất phát triển các dự án khu công nghiệp, khu dịch vụ, khu đô thị cao cấp để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương (Khu liên hợp). Đề án sau đó được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Ngày 12/8/2010, Tỉnh uỷ Bình Dương ban hành nghị quyết về việc bổ nhiệm cán bộ. Theo đó, ông Nguyễn Văn Minh giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) kiêm Tổng giám đốc. Tám năm sau, Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương chính thức chuyển thành Công ty cổ phần, Nhà nước nắm giữ hơn 60% vốn điều lệ.

Bị cáo Trần Văn Minh tại tòa. Ảnh: CTV

Tháng 1/2012, ông Trần Văn Nam, khi đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã ký công văn chấp thuận cho Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương được lập thủ tục giao đất Khu dịch vụ trong Khu liên hợp. 

Tiếp đó, ông Trần Văn Nam ký quyết định về việc giao đất có thu tiền sử dụng đất khu đất có diện tích 43 ha cho Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương.

Theo tài liệu điều tra, với động cơ cá nhân nhằm chiếm đoạt, hưởng lợi từ các khu đất xin giao làm dự án, ông Nguyễn Văn Minh đã thoả thuận, thống nhất với con rể Nguyễn Đại Dương và cùng các đồng phạm thực hiện các hành vi trái pháp luật, chuyển nhượng trái phép tài sản của Nhà nước là khu đất 43ha sang cho tư nhân.

Việc chuyển nhượng trái phép khu đất 43ha sang cho tư nhân được thực hiện thông qua hình thức liên doanh với Công ty cổ phần bất động sản Âu Lạc để thành lập Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Tân Phú.

Tiếp đó, ông Minh đại diện cho Công ty SX-XNK Bình Dương chuyển nhượng khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú và chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho cho Công ty Âu Lạc của con rể.

Kết quả điều tra cho thấy, Công ty Âu Lạc có các cổ đông gồm ông Nguyễn Quốc Hùng (cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Âu Lạc), đại gia Huỳnh Trung Nam. Riêng ông Nguyễn Đại Dương nhờ người có tên Dương Đình Tâm đứng tên hộ 45% cổ phần tại công ty và là người trực tiếp điều hành công ty này.

Tuy nhiên, sau đó việc hợp tác không suôn sẻ, đại gia Nguyễn Quốc Hùng và Huỳnh Trung Nam không muốn tiếp tục theo đuổi dự án. 

Nữ đại gia nhập cuộc

Cáo buộc cho rằng, lúc này, ông Nguyễn Đại Dương liên hệ với nữ đại gia Đặng Thị Kim Oanh (ở TP.HCM) để thỏa thuận về việc chuyển nhượng toàn bộ 100% vốn góp tại Công ty Tân Phú bao gồm khu đất 43 ha và tỷ lệ % vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty của bà Đặng Thị Kim Oanh. 

Sau khi thống nhất thỏa thuận, theo yêu cầu của ông Dương, ngày 19/8/2016, bị cáo Nguyễn Quốc Hùng đại diện Công ty Âu Lạc ký hợp đồng hứa mua hứa bán vốn góp với Công ty Thuận Lợi (do ông Nguyễn Thuận là chồng bà Đặng Thị Kim Oanh làm đại diện).

Bị cáo Nguyễn Đại Dương. Ảnh: CTV

Tại thời điểm các bên ký kết hợp đồng hứa mua, hứa bán, khu đất 43ha không thuộc quyền quản lý của Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương mà thuộc quyền quản lý của Nhà nước và Công ty Âu Lạc cũng chưa nắm giữ 100% vốn điều lệ tại Công ty Tân Phú (Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương vẫn đang nắm giữ 30% vốn điều lệ).

Nhưng thực hiện hợp đồng hứa mua, hứa bán nêu trên, bà Đặng Thị Kim Oanh đã chuyển 200 tỷ đồng gồm 20 tỷ đồng tiền đặt cọc chuyển cho ông Dương và 180 tỷ đồng chuyển vào tài khoản của Công ty Âu Lạc.

Theo cáo trạng, ông Trần Văn Nam cùng các bị cáo là lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bình Dương và một số cơ quan tham mưu của tỉnh Bình Dương đều biết việc ông Nguyễn Văn Minh và đồng phạm chuyển nhượng 43ha đất và 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho tư nhân là trái quy định, gây thất thoát tài sản Nhà nước.

Nhưng ông Nam và đồng phạm đã không ngăn chặn, yêu cầu khắc phục thu hồi tài sản cho Nhà nước mà còn hợp thức hoá thủ tục để ông Minh hoàn tất việc chuyển nhượng tài sản Nhà nước sang công ty của con rể Nguyễn Đại Dương thành lập và bán cho công ty tư nhân, gây thất thoát hơn 984 tỷ đồng.

Được quyền tự bào chữa tại tòa, cựu Bí thư Bình Dương Trần Văn Nam khẳng định: “Không bao giờ có chuyện dung túng cho sai phạm. Trong lịch sử Bình Dương không bao giờ có chuyện này, giờ kết luận có chuyện che giấu, bao che, đau lòng lắm”.

Về phần mình, bị cáo Nguyễn Đại Dương luôn kêu oan, cho rằng mình không nhờ ông Tâm đứng tên hộ cổ phần.

Thực hiện quyền công tố tại phiên tòa xét xử vụ thâu tóm đất vàng ở Bình Dương, đại diện VKS cho rằng, vụ án một lần nữa chứng minh hậu quả nặng nề của nhóm trục lợi dựa trên quan hệ thân hữu trong quản lý tài sản công, đã để lại hậu quả trên các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, làm giảm sút, sói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên theo hướng trả lại cho chủ sở hữu là Tỉnh uỷ Bình Dương diện tích 43ha thuộc phường Hoà Phú, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương để xử lý theo quy định của pháp luật. 

Theo đại diện VKS, quyền lợi của của các bên liên quan tại khu đất 43ha sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Adblock test (Why?)

Previous
Next Post »
Thanks for your comment