Bộ Công an sẽ bổ sung nơi sinh vào hộ chiếu mẫu mới

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm vừa có báo cáo gửi các ĐBQH về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 10/8. Trong các nội dung Bộ trưởng Tô Lâm trả lời chất vấn có liên quan đến việc cấp hộ chiếu mẫu mới.

Hộ chiếu mẫu mới được sản xuất, in ấn bằng công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo an cao hơn và chống nguy cơ làm giả, đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).

Hộ chiếu mẫu mới. Ảnh: Hoàng Hà

Hình ảnh tại các trang trong hộ chiếu phổ thông mẫu mới là những hình ảnh tiêu biểu về cảnh đẹp đất nước, di sản văn hóa Việt Nam, giúp quảng bá hình ảnh đặc trưng của đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, là điểm đến ấn tượng, thú vị.

Tính đến nay, Bộ Công an đã cấp 272.000 hộ chiếu theo mẫu mới cho công dân trên toàn quốc. 

Theo quy định của ICAO, tiêu chuẩn hộ chiếu, các thông tin bắt buộc phải có trên hộ chiếu bao gồm: Loại hộ chiếu, họ và tên, số hộ chiếu, quốc tịch, ngày tháng năm sinh, giới tính và ngày hết hạn hộ chiếu. Các thông tin khác như nơi sinh tùy thuộc vào từng quốc gia, không bắt buộc phải có. Trong khi đó, theo quy định tại Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, các thông tin trên hộ chiếu không có nơi sinh.

Bộ Công an lý giải, mẫu hộ chiếu mới ban hành không có thông tin nơi sinh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong quá trình nhập cảnh. Còn việc một số nước châu Âu thông báo từ chối cấp thị thực vào hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam là vấn đề mang tính kỹ thuật, hộ chiếu thiếu nơi sinh sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý của các nước sở tại.

Để giải quyết vấn đề này, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi làm thủ tục xin thị thực vào các nước trong khu vực Schengen (26 quốc gia châu Âu), Bộ Công an đã thống nhất với Bộ Ngoại giao trước mắt tiến hành bị chú “nơi sinh” vào hộ chiếu mẫu mới cho công dân khi công dân có đề nghị.

Về lâu dài, Bộ Công an sẽ sửa đổi mẫu hộ chiếu, trong đó bổ sung mục “nơi sinh” trang nhân thân hộ chiếu. Bộ đang lấy ý kiến của Ủy ban Quốc phòng - an ninh, Ủy ban Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao về vấn đề này.

Tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân đang diễn ra phổ biến

Liên quan đến vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, báo cáo cho biết, dữ liệu cá nhân của hơn 2/3 dân số nước ta đang được lưu trữ, đăng tải, chia sẻ và thu thập trên không gian mạng với nhiều hình thức và mức độ chi tiết khác nhau. Tình trạng lộ dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng trong khi người sử dụng chưa có ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân, đăng tải công khai hoặc lộ trong quá trình chuyển giao, lưu trữ, trao đổi phục vụ hoạt động kinh doanh hoặc do biện pháp bảo vệ không tương xứng dẫn tới bị chiếm đoạt và đăng tải công khai.

Ngoài ra, tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân hiện đang diễn ra phổ biến, công khai, với các dữ liệu thô và dữ liệu cá nhân đã qua xử lý. Nhiều hành vi chưa được xử lý vì thiếu quy định của pháp luật.

Các doanh nghiệp, công ty kinh doanh dịch vụ có thu thập dữ liệu cá nhân của khách hàng, cho phép các đối tác thứ ba tiếp cận thông tin dữ liệu cá nhân nhưng không có yêu cầu, quy định chặt chẽ, để đối tác thứ ba chuyển giao, buôn bán cho các đối tác khác.

Các doanh nghiệp chủ động thu thập thông tin cá nhân của khách hàng, hình thành kho dữ liệu cá nhân, phân tích, xử lý các loại dữ liệu đó để tiến hành kinh doanh, buôn bán. Nhiều dữ liệu bị rao bán công khai, trong thời gian dài, với số lượng lớn trên không gian mạng thông qua các website, tài khoản, trang, nhóm trên mạng xã hội, diễn đàn tin tặc.

Ngoài ra còn xuất hiện một số công ty được thành lập mới, đầu tư xây dựng, vận hành các hệ thống kỹ thuật chuyên thu thập trái phép dữ liệu cá nhân để kinh doanh thu lợi nhuận; xây dựng các phần mềm chuyên thu thập thông tin cá nhân.

Chỉ trong 2 năm từ 2019, 2020, Bộ Công an phát hiện hàng trăm cá nhân, tổ chức liên quan bán dữ liệu cá nhân. Một số đường dây chiếm đoạt, mua bán dữ liệu quy mô lớn tại Việt Nam đã bị phát hiện, đấu tranh, xử lý. Số lượng dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép phát hiện được lên tới gần 1.300 GB, trong đó có nhiều dữ liệu cá nhân nội bộ, nhạy cảm.

Về công tác đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu thông tin cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: Các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành kiểm tra an ninh, an toàn thông tin hệ thống công nghệ thông tin của 20 bộ, ngành và 61/63 địa phương (chưa kiểm tra Kon Tum, Hậu Giang).

Kết quả đã chỉ ra nhiều lỗ hổng bảo mật cần khắc phục để bảo đảm an ninh, an toàn khi triển khai kết nối dữ liệu. Các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương khắc phục, đến nay 11/20 bộ, ngành và 28/61 địa phương có hệ thống đáp ứng được các yêu cầu về an ninh an toàn khi kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và điều kiện để thực hiện dịch vụ công cấp độ 4.

Đối với 33 địa phương chưa đảm bảo điều kiện kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Bộ Công an đang chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để khắc phục, kiểm tra lại, đảm bảo đạt yêu cầu mới kết nối.

Báo cáo của Bộ Công an cũng cho biết, tính đến ngày 5/8, Bộ đã cấp được 67.910.130 thẻ căn cước công dân gắn chip. Bộ đang tích cực triển khai các giải pháp để cố gắng hoàn thành việc cấp căn cước công dân gắn chip cho toàn bộ người dân có đủ điều kiện trước ngày 30/9. Riêng công dân tại 5 thành phố trực thuộc trung ương dự kiến hoàn thành trong tháng 8.

Adblock test (Why?)

Previous
Next Post »
Thanks for your comment