“Muốn hấp dẫn doanh nghiệp, nhà trường phải tự đổi mới chính mình”

“Muốn doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp, đầu tiên các nhà trường phải tự đổi mới chính mình, từ nhận thức cho đến tất cả các khâu trong nhà trường để cho thấy sức hấp dẫn với doanh nghiệp”.

LTS: Mời độc giả theo dõi tiếp Phần 2 Tọa đàm “Giáo dục nghề nghiệp: Đổi mới để hội nhập” với 3 vị khách mời:

1.     Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

2.     Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội

3.     Bà Nguyễn Lê Hoa, Giám đốc nhân sự Công ty Cổ phần Việt Chuẩn

>> Xem lại Phần 1: "Hội nhập giáo dục nghề nghiệp đã được chuẩn bị công phu"

“Muốn hấp dẫn doanh nghiệp, nhà trường phải tự đổi mới chính mình”
Từ trái qua phải: Ông Đồng Văn Ngọc, nhà báo Phạm Huyền, ông Vũ Xuân Hùng và bà Nguyễn Lê Hoa. Ảnh: Lê Anh Dũng

Có chính sách nhưng doanh nghiệp chưa thấy hấp dẫn 

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa bà Hoa, vậy đối với các doanh nghiệp như doanh nghiệp nơi bà làm việc thì tiêu chuẩn của một người lao động có thể đáp ứng đổi mới, hội nhập là gì? 

Bà Nguyễn Lê Hoa: Đòi hỏi của chúng tôi, mà như tôi hay thích dùng từ là “đề xuất, đề nghị” là các bạn cần thứ nhất là kỹ năng nghề, các bạn đã được đào tạo đúng chuyên môn, khả năng thực tế của các bạn rồi, nhưng các bạn còn cần phải đam mê.

Một kỹ năng nữa chúng tôi rất cần là sự linh hoạt kỹ năng số CMCN 4.0 như các khách mời đã đề cập. Tiếp theo là kỹ năng ngoại ngữ bây giờ là yếu tố then chốt. 

Yếu tố then chốt nữa là khả năng làm việc nhóm. Có làm việc nhóm rồi thì sẽ sự tự chủ. Chúng tôi luôn quan niệm một cải tiến nhỏ sẽ làm nên hiệu quả lớn, ngày nào chúng tôi cũng nghĩ từng việc, không có mô-típ cứng nhắc, do đó đòi hỏi người lao động phải có khả năng linh hoạt xử lý. 

Chúng tôi đào tạo liên tục. Các bạn có thể mắc lỗi nhưng cơ hội chỉ có 2 lần sai là một lần nhắc nhở rồi, phải cải tiến. Và sự cải tiến đó chính là sự cam kết của doanh nghiệp cũng như người lao động. 

Cái chúng tôi đòi hỏi là sự tuân thủ, sự tận tâm nhưng lại tự chủ. Một tư duy chúng tôi thiết lập được để làm nên thành công của doanh nghiệp mình chính là việc quy hoạch chuẩn bị và cuối cùng thực hiện. 

Khi làm việc có hệ thống cần quy hoạch tất cả các bước thực hiện, chuẩn bị điều kiện một cách tối ưu thì khi thực hiện sẽ thuận lợi. Một giờ để quy hoạch đáng giá bằng 5 giờ để chuẩn bị, 1 giờ chuẩn bị đáng giá hơn 5 giờ của sự thực hiện. Không có quy hoạch, chuẩn bị tốt thì khi thực hiện chúng ta sẽ suốt ngày phải chạy theo những điều vô ích. 

“Muốn hấp dẫn doanh nghiệp, nhà trường phải tự đổi mới chính mình”

Nhà báo Phạm Huyền: Vậy với những yêu cầu, mong muốn doanh nghiệp đưa ra thì trong thời gian vừa qua, sự gắn kết giữa công ty với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) như thế nào? 

Bà Nguyễn Lê Hoa: Thực sự doanh nghiệp chúng tôi rất cảm ơn các nhà trường đã đào tạo giúp các bạn ấy có một tinh thần làm việc, sự đổi mới, hòa nhập rất nhanh, tuân thủ rất tốt. Điều các bạn mong muốn là hết thời gian thử việc sẽ được đào tạo một năm nữa. Và chúng tôi rất mong muốn doanh nghiệp hỗ trợ các bạn ấy hết mức thì khi kết thúc chương trình đào tạo chúng tôi được dang rộng vòng tay đón các bạn tại doanh nghiệp luôn. 

Như với trường thầy Ngọc, hàng tuần nhà trường luôn gọi điện về bộ phận Ban Nhân sự công ty tôi để hỏi tình hình các bạn sinh viên thế nào. Và nhà trường quan tâm từng chút một, vừa rồi dịch Covid-19 bùng phát trở lại thì hỏi han doanh nghiệp có ai mắc không, việc phòng ngừa dịch như thế nào… Đó là sự quan tâm rất tuyệt vời từ phía nhà trường và chúng tôi mong mỏi sẽ còn nhiều trường như thế nữa. 

Nhà báo Phạm Huyền: Có thể nói những nhận xét mà chị Hoa chia sẻ rất tích cực. Tuy nhiên thưa ông Hùng, từ các câu chuyện thực tế cho thấy, mặc dù đã có nhiều chất xúc tác, nhiều sự quan tâm, nhưng mối quan hệ giữa ba nhà: Nhà nước – Nhà trường và doanh nghiệp vẫn còn lỏng lẻo, chưa gắn kết. Vậy nguyên nhân là gì và cần cải thiện thế nào để GDNN sớm bắt kịp yêu cầu hội nhập của đất nước?

Ông Vũ Xuân Hùng: Quả thật nếu doanh nghiệp nào mà cũng chủ động, tích cực như Việt Chuẩn thì tôi nghĩ rằng sự gắn kết không phải bàn nhiều nữa. Đó là những doanh nghiệp có tầm nhìn vì họ hiểu rõ chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo quyết định đến năng suất, năng lực cạnh tranh của chính họ. 

Nhưng câu chuyện thực tế hiện nay là chúng ta có gần 600 nghìn doanh nghiệp, không phải doanh nghiệp nào cũng vậy. Ở đây tôi chỉ liệt kê 2 nguyên nhân chính của sự lỏng lẻo. 

Trước tiên, thôi thì doanh nghiệp đổ lỗi cho chúng tôi nhiều rồi, bây giờ chúng tôi “đổ lỗi” cho doanh nghiệp một chút về vấn đề tham gia và đào tạo nguồn nhân lực cho chính mình. 

Mọi thứ hoạt động kinh doanh dịch vụ đầu vào nguyên liệu doanh nghiệp phải mua hết. Riêng một thứ rất quan trọng không phải mua là nguồn nhân lực. Nhưng đúng ra doanh nghiệp có tầm nhìn dài hơi, họ phải quan tâm bỏ tiền cho việc này, tức là họ phải đầu tư đào tạo nguồn nhân lực chứ. 

Và không phải là chuyện họ tự đào tạo, doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam rất đông không làm được điều đó. Do đó họ cần gắn kết với các trường, ví dụ như Việt Chuẩn với trường thầy Ngọc. 

Hình thức gắn kết với doanh nghiệp bây giờ rất phong phú, đa dạng, từ phối hợp để cử người xây dựng chương trình đào tạo rồi cử người tham gia giảng dạy, tiếp nhận người học đến thực tập, thực hành tại doanh nghiệp… Tuy nhiên đến nay phổ biến nhất vẫn là tiếp nhận người học đến thực tập, còn hình thức xây dựng chương trình đào tạo là không có. 

Điều này dẫn đến việc hình thức thực tập chỉ mang tính định danh vậy thôi, còn mình có xây dựng chương trình cùng nhà trường đâu mà biết họ làm được cái gì mà cho làm đúng việc đó. Như vậy khi vào doanh nghiệp người học thậm chí phải chấp nhận chỉ được quan sát, chứ không được trực tiếp làm. 

Cho nên câu chuyện đầu tiên chính là nhận thức của chính doanh nghiệp về trách nhiệm của mình trong việc tham gia đào tạo. Doanh nghiệp phải gắn kết với nhà trường bắt đầu từ khâu xây dựng chương trình, nói cho nhà trường biết tôi muốn làm ra sản phẩm như thế này thì chương trình đào tạo cũng phải phù hợp để làm ra sản phẩm này chứ. 

“Muốn hấp dẫn doanh nghiệp, nhà trường phải tự đổi mới chính mình”

Nguyên nhân quan trọng thứ 2 chúng tôi phải tự nhận là vấn đề cơ chế chính sách. Chính phủ rất quan tâm vấn đề này, và bản thân Tổng cục GDNN chúng tôi thời gian qua cũng tham mưu cho Bộ LĐ-TBXH, cho Chính phủ ban hành nhiều cơ chế chính sách. 

Nhưng qua khảo sát từ phía doanh nghiệp thì nhiều chính sách chưa tiếp cận được với họ hoặc thậm chí họ còn không có thông tin. Còn đối với doanh nghiệp biết thì họ cho rằng chính sách không đủ hấp dẫn họ. Ví dụ tổng giám đốc một công ty của Đài Loan có trao đổi với tôi, ví dụ Nhà nước cho chúng tôi trong tổng doanh thu của sản xuất kinh doanh mấy phần trăm miễn giảm thuế hoàn toàn thì ok, nhưng mức mà chính sách đưa ra hiện nay thấp quá, không đủ sức hấp dẫn. 

Bên cạnh đó, cơ chế chính sách của chúng ta đang hướng tới tạo ưu đãi cho doanh nghiệp nhưng lại không có chế tài theo hướng gần như bắt buộc phải tham gia GDNN. Ở Đan Mạch cũng có đến 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng họ vẫn làm được một điều là có một quỹ đào tạo nghề nghiệp, bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải đóng góp hàng năm cho quỹ đó. Doanh nghiệp nào tham gia đào tạo được cùng nhà trường thì không phải đóng góp hoặc được dùng số tiền từ quỹ đó cho doanh nghiệp. Nhưng chúng ta không làm được điều này vì chưa có chế tài. 

Nhà trường phải tự đổi mới chính mình 

Nhà báo Phạm Huyền: Ý kiến của thầy Ngọc về vấn đề này thế nào ạ? 

Ông Đồng Văn Ngọc: Lúc ban đầu để nói hợp tác được với doanh nghiệp thực sự cũng hơi khó. Tuy nhiên kinh nghiệm của chúng tôi đến thời điểm này là đầu tiên các nhà trường phải tự đổi mới chính mình, từ nhận thức cho đến tất cả các khâu trong nhà trường để cho thấy sức hấp dẫn của mình với doanh nghiệp. 

Sự hấp dẫn đó nằm ở chỗ anh phải có một đội ngũ giảng viên tốt, phải chứng minh cho doanh nghiệp thấy sản phẩm đào tạo của anh là sinh viên tốt nghiệp ra trường người ta sử dụng được ngay, nếu có đào tạo bổ sung thì càng ít càng tốt. 

Qua hết một thời gian quá độ, các năm gần đây chúng tôi hợp tác được với một loạt doanh nghiệp lớn, trong đó những doanh nghiệp tham gia sâu vào hoạt động chung của nhà trường từ thiết kế, chỉnh sửa chương trình rồi trong các khâu đào tạo, đánh giá đầu ra. 

Nhân đây tôi cũng xin mạn phép mượn diễn đàn này kêu gọi doanh nghiệp trong cả nước hãy đến với các trường trong hệ thống GDNN, là các trường cao đẳng, trung cấp, các trung tâm đào tạo, GDNN. Nguồn nhân lực được đào tạo đang dồi dào mà nguồn lực chúng tôi đang miễn phí do được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước, đang được đầu tư rất tốt, bài bản, chỉn chu và cầu thị. Tôi cam kết nếu doanh nghiệp không hài lòng, cá nhân tôi sẽ chịu trách nhiệm đối với trường chúng tôi. 

“Muốn hấp dẫn doanh nghiệp, nhà trường phải tự đổi mới chính mình”

Nhà báo Phạm Huyền: Vâng, thưa bà Hoa, bà có suy nghĩ thế nào về điều ông Hùng vừa nói tới là phải “đổ lỗi” một chút cho doanh nghiệp? 

Bà Nguyễn Lê Hoa: Bản thân doanh nghiệp cũng luôn luôn cam kết và mở rộng vòng tay đón những sinh viên, chuyên gia như thầy Ngọc vừa nói. Doanh nghiệp luôn là nơi sẵn sàng chi trả tốt nhất cho người lao động vì đó là tài sản của doanh nghiệp, là nguồn lực không thể đong đo nhìn thấy được bằng mắt thường. 

Nhưng để nói tham gia vào GDNN thì doanh nghiệp hoàn toàn chưa nhìn thấy nhiều cơ chế chính sách dành cho mình. Cá nhân tôi mong muốn thời gian tới doanh nghiệp hợp tác như lâu nay được tạo điều kiện từ phía trường cung ứng nguồn lao động chất lượng rất tốt, cũng mong muốn nhà nước giảm thuế như ông Hùng có đề cập nhưng là trên thực tế chứ không phải trên chính sách, trên giấy. 

Ví dụ, quan niệm cũ là người lao động khi được tuyển dụng vào là làm việc, làm việc. Nhưng ở Việt Chuẩn, chúng tôi sẵn sàng thấy mắc lỗi là lại đào tạo. Chi phí đào tạo này có ra sản phẩm ngay tại chỗ đâu và chiếm ngân sách của chúng tôi cũng là nhiều đấy ạ. 

Ông Vũ Xuân Hùng: Chúng ta đã có Luật Giáo dục 2014 cũng như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế 2014 và Nghị định 15 rồi các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính về vấn đề quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động GDNN. 

Đặc biệt trong Luật Giáo dục có tuyên bố rằng doanh nghiệp được miễn trừ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với tất cả các khoản chi cho hoạt động đào tạo của doanh nghiệp và khi doanh nghiệp tham gia hoạt động đào tạo nghề nghiệp với các cơ sở GDNN. Ví dụ chi phí cho nguyên nhiên vật liệu, cho việc doanh nghiệp tổ chức đào tạo cho người học, thực hành, thực tập tại doanh nghiệp, chi phí hỗ trợ, phụ cấp cho người học, chi phí trả lương cho người hướng dẫn, chi phí tài liệu, v.v…, toàn bộ được tính vào khấu trừ thu nhập trước thuế, tức là được miễn trừ thuế thu nhập doanh nghiệp. 

Ngoài ra khi doanh nghiệp nhập khẩu những máy móc thiết bị mà Việt Nam không có phục vụ cho quá trình đào tạo tại doanh nghiệp thì được miễn thuế xuất nhập khẩu thậm chí thuế giá trị gia tăng nếu trong quá trình học người học làm ra sản phẩm. 

Nghĩa là những chính sách là có, ở đây chúng tôi chỉ băn khoăn tìm hiểu từ các doanh nghiệp là thực sự họ thấy chúng hấp dẫn hay chưa thôi. Nhưng như chị Hoa và một số doanh nghiệp chia sẻ với tôi là không biết mình được chính sách hỗ trợ gì của nhà nước, mà thôi thì bây giờ cứ tham gia cùng các nhà trường mang tính tự giác, tự phát, tự có tầm nhìn và tự thấy có trách nhiệm cho việc đó. Qua những chia sẻ như vậy chúng tôi sẽ bổ sung vào giải pháp để tăng cường truyền thông, thông tin đến các doanh nghiệp về chính sách của nhà nước.

(Còn tiếp)

VietNamNetthực hiện

"Hội nhập giáo dục nghề nghiệp đã được chuẩn bị công phu"

"Hội nhập giáo dục nghề nghiệp đã được chuẩn bị công phu"

“Hội nhập giáo dục nghề nghiệp là một quá trình lâu dài, đã được chuẩn bị khá công phu và có lộ trình, chứ không phải đến ngày nay chúng ta mới bàn”, ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.  

Previous
Next Post »
Thanks for your comment