Nghệ sĩ tranh cãi về xu hướng nhà hát online

Đạo diễn Việt Tú, NSND Hồng Vân, NSND Tống Toàn Thắng và NSƯT Mỹ Uyên đưa ra những quan điểm khác nhau về nhà hát online.

Đạo diễn Việt Tú: Chẳng có gì thay thế được cảm xúc thật

Các ý kiến trái chiều của nghệ sĩ về 'Nhà hát online'
Đạo diễn Việt Tú (trái). 

Nghệ thuật online là xu hướng tất yếu, kể cả có dịch bệnh hay không. Với một người đã có nhiều trải nghiệm thật tôi vẫn chưa quen lắm với hình thức đó. Việc đưa lên online cũng phải hiểu là đó là những version cũ, rất ít bản hiện tại vì họ còn dùng để kinh doanh. Vừa rồi các vở nhạc kịch được đưa lên mạng chỉ là những phiên bản kỷ niệm các năm chẵn chứ không phải những thứ mình trả tiền ngoài nhà hát để có thể xem được bởi họ còn chưa khai thác hết vòng đời sản phẩm.

Để khai thác được online phải đạt được nhiều yếu tố. Thứ nhất là tác phẩm đó phải có một đời sống hoặc khán giả có nhu cầu thật muốn thưởng thức. Thứ hai nhà hát đó phải có đủ hạ tầng phương tiện để hỗ trợ cho việc online bởi không đơn giản chỉ đặt một cái máy quay là xong mà còn phải đặt các góc máy để mô tả tâm trạng nhân vật hay diễn biến trên sân khấu. Đa phần nhà hát ở Việt Nam hiện nay không đáp ứng được yêu cầu về máy móc.

Xem online bạn có thể nhìn sâu vào ngóc ngách các chi tiết nhưng có một thứ vô giá của việc xem live chính là cảm xúc, không khí nhà hát ấy, cảm xúc của người nghệ sĩ khi họ cất lên tiếng hát hay điệu múa ấy, đó là điều không gì thay thế được. Hàng ngày tôi nhận được rất nhiều chào hàng của các đại nhạc hội trước rất nổi tiếng trong trải nghiệm trực tiếp như Tomorrowland giờ cũng đang có phiên bản online nhưng tôi cho rằng chẳng có gì đổi được bầu không khí thực tế, chẳng có gì thay thế được cảm xúc thật.

Online là xu hướng tất yếu của vòng quay cuộc sống, mình phải chấp nhận, còn hỏi có tuyệt vời hay không tôi cho là không. Tôi có thể nhịn ăn nhịn mặc nhịn tiêu, hy sinh nhiều thú vui trong cuộc sống để đi và xem. Một chuyến đi không đơn giản nhưng không có hình thức online nào thay thế được bởi không chỉ bạn đi xem mà còn cảm nhận vùng đất đó, con người đó, văn hóa ở đó. Đó là trải nghiệm rất đa tầng.

Tôi cho rằng nghệ thuật online tại Việt Nam là thách thức ở thời điểm này. Bởi nếu ở nước ngoài ít nhất họ trông chờ được việc kiếm được lại được ít tiền để trang trải cho nghệ sĩ, hệ thống hạ tầng cho qua mùa dịch Việt Nam chưa mạnh về vấn đề bản quyền, về chính sách và những khai thác đó lại mới, người ta chưa biết phải làm như thế nào, thu bao nhiêu phí. Và quan trọng là thị trường, người xem liệu có trang trải được chí phí để duy trì cho nghệ sĩ hay không? Việc khai thác nghệ thuật online theo tôi chỉ là cực chẳng đã, thực tế nhất vẫn là bán vé ra rạp, thưởng thức trực tiếp mặt đối mặt.

Nếu tôi là nghệ sĩ và nhà hát đứng trước lựa chọn biểu diễn trực tiếp hay online nói thật sẽ rất đau đớn. Thay vì hàng ngày khán giả đến xem với bao nhiêu suất diễn giờ phải đưa lên mạng xem một lần đó không phải là sự dễ chịu với một người chủ doanh nghiệp nghệ thuật hay các nghệ sĩ biểu diễn vì đó đi ngược với xu hướng truyền thống. Do vậy tôi cho lúc này cũng là thời điểm thách thức.

Tôi lấy ví dụ giờ thay vì người ta ra rạp phim ảnh phát hành qua Netflix và các hệ thống tương tự mà các nhà làm phim truyền thống hay phân phối phim còn chống lại. Họ nói phim phải ra rạp đầu tiên. Nhưng xem qua Netflix có thể không to bằng màn hình ngoài rạp nhưng bản chất vẫn như vậy mà còn họ chống có thể hiểu sự lựa chọn liên quan đến trải nghiệm cảm xúc khó khăn đến mức nào bởi vì người ta vẫn thích khán giả đến rạp hơn. Nó cũng giống như bạn đọc một cuốn sách qua định đạng PDF khác với việc bạn chạm tay vào những trang sách bằng giấy.

Tôi mong nếu hình thức online áp dụng ở Việt Nam khán giả chịu khó trả tiền để xem online thay vì tìm các kênh xem miễn phí. Mục đich online là kiếm một khoản thu nhập nào đó để duy trì cuộc sống cho nghệ sĩ. Khi khán giả hiểu đồng tiền đó họ trả cho nghệ sĩ để giúp nhau vượt qua khó khăn vừa nhân văn lại vừa đạt được tính mục đích. Còn giờ ai cũng nghĩ xem online là miễn phí khó cho các nhà sản xuất.

NSND Hồng Vân: Kịch đang thoi thóp, cần cân nhắc 'nhà hát online'

Các ý kiến trái chiều của nghệ sĩ về 'Nhà hát online'
NSND Hồng Vân.

Kịch online thực tế giống kịch truyền hình mà còn không hấp dẫn bằng. Bởi lẽ kịch truyền hình còn được quay nhiều góc máy chứ kịch online càng hạn chế góc máy hơn so với nhà đài thực hiện. 

Tôi nghĩ mô hình sân khấu online không khả thi. Bản chất của bộ môn sân khấu là nghệ sĩ tương tác trực tiếp, tạo sự cộng hưởng với khán giả chứ không thể thông qua hình thức khác như màn hình điện thoại, máy tính. Cá nhân tôi cũng không thích diễn online kiểu này.

Với thực trạng sân khấu đang thoi thóp như hiện nay tại TP.HCM, tôi nghĩ cần hết sức cân nhắc việc phát triển mô hình nhà hát, sân khấu online. Nếu mô hình này không khả thi, việc cố triển khai có thể tạo rủi ro, gây nguy hiểm đến sân khấu. 

Các ý kiến trái chiều của nghệ sĩ về 'Nhà hát online'
Nghệ sĩ xiếc Tống Toàn Thắng. 

NSND Tống Toàn Thắng (Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc VN): Ủng hộ Nhà hát online

Chủ trương Nhà hát online của Bộ VHTT&DL là rất tốt, chúng tôi rất ủng hộ. Đây là thời điểm phải nghĩ tới việc đó. Biểu diễn online có mặt lợi là nghệ thuật được lan toả tới cả vùng miền, cả bạn bè quốc tế nữa. Thêm vào đó, Nhà hát online sẽ không chỉ có xiếc, mà còn rất nhiều loại hình nghệ thuật khác như: Kịch nói, Chèo, Cải Lương,... Khán giả tha hồ chọn lựa dù vẫn ngồi phòng khách, nằm phòng ngủ để thưởng thức nghệ thuật.

Tất nhiên, một khi đã xác định diễn không khán giả quay hình phát online chúng ta phải đầu tư. Bản thân các nhà hát đầu tư chất lượng vở diễn và Nhà nước cũng đầu tư kinh phí quay hình để làm sao cho chất lượng như truyền hình. Bởi lâu nay, trừ Nhà hát Lớn ra hầu như sân khấu của các Nhà hát cũng chỉ như hội trường. Các nhà hát có quay video vở diễn của mình nhưng chỉ dừng ở mức độ là lưu giữ, chỉ có một góc máy duy nhất. Còn một khi đã đưa vở diễn lên trực tuyến, khán giả ở nhà thưởng thức nghệ thuật chúng ta phải làm thu hút hơn, đẹp hơn, âm thanh ánh sáng phải chuẩn chỉ hơn nhiều. Nếu được đầu tư đúng mức, nghệ sĩ chúng tôi sẵn sàng! 

NSƯT Mỹ Uyên (Giám đốc Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B): Hãy đặt hàng chúng tôi

Những năm gần đây, sự phát triển của công nghệ khiến loại hình giải trí số gây áp lực lên sân khấu truyền thống. Chúng tôi không kể sân khấu Nhà nước hay sân khấu xã hội hóa ở TP.HCM, đều nỗ lực hết mình để giữ sân khấu truyền thống sáng đèn. Dù vậy tôi có thể khẳng định sân khấu truyền thống có thể ít khán giả hơn nhưng không bị mai một.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng nghệ sĩ không thể diễn online! Đợt cách ly xã hội trước, nhiều nghệ sĩ hiện phải đi bán đồ ăn, mỹ phẩm… online để kiếm thêm thu nhập nhưng khi quay lại sân khấu, ai cũng hừng hực lửa nghề dù vẫn khó khăn, chông chênh. Nói để thấy cảm xúc của nghệ sĩ không bao giờ bị mất đi.

Nghệ sĩ có thể livestream diễn 1 - 2 cảnh cho vui hoặc để tương tác với khán giả đã không thấy hứng thú càng không có cảm xúc diễn trọn vẹn 1 tác phẩm. Cũng đợt dịch bệnh trước, tôi có xem chị Ái Như livestream diễn 1 trích đoạn hay em Hồng Trang cùng nhóm kịch Đời diễn vài cảnh nhưng thấy không tạo được hiệu ứng nghệ thuật gì để chuyển tải cảm xúc. Sân khấu phải là sân khấu truyền thống, không thể thay thế bằng 1 hình thức chuyển tải nào khác nào dù nó phù hợp thời đại đi nữa.

Các ý kiến trái chiều của nghệ sĩ về 'Nhà hát online'
NSƯT Mỹ Uyên.

Nếu Nhà nước có chủ trương đầu tư kinh phí các sân khấu nghệ thuật chính thống nói chung gồm xiếc, ảo thuật, ballet, kịch nói, hát Bội, cải lương... triển khai mô hình Nhà hát online trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn, tôi đồng ý làm bởi khán giả có nhu cầu xem rất lớn.

Nhiều khán giả ở tỉnh nói rằng họ rất muốn xem kịch nhưng không có điều kiện vào TP.HCM. Hoặc có khán giả chỉ muốn xem tất cả tác phẩm của 1 nghệ sĩ từng đóng nhưng không thể xem trên TV và Youtube, làm sao đáp ứng nhu cầu của họ?...

Tôi không thiếu ý tưởng và đã từng bàn với Đài Truyền hình TP.HCM. Chúng tôi chỉ lấy đủ chi phí cho 1 đêm diễn chứ không cần nhiều. Sau đêm diễn, cơ quan quản lý có thể đóng cửa Nhà hát online ấy hoặc tiếp tục phát chương trình miễn phí. Điều này hoàn toàn sòng phẳng nếu Nhà nước đầu tư kinh phí để chúng tôi làm tác phẩm chứ chúng tôi không thể mang vở đang diễn đi thu hình! 

Gia Bảo - Tình Lê - Mỹ Anh

Có giáo dục trực tuyến, sao lại không thể có Nhà hát online?

Có giáo dục trực tuyến, sao lại không thể có Nhà hát online?

Thời đại 4.0, chúng ta có giáo dục trực tuyến, các cuộc họp hội thảo trực tuyến vậy nghệ thuật trực tuyến - Nhà hát online liệu có làm được?

Previous
Next Post »
Thanks for your comment