Cảnh báo về ứng dụng hoàn tiền kiểu My Aladdinz

Theo Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, một số website, ứng dụng hoàn tiền có dấu hiệu biến tướng theo kiểu bán hàng đa cấp, không rõ ràng và minh bạch về mô hình hoạt động.

Website, ứng dụng mua sắm hoàn tiền kinh doanh đa cấp?

Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) mới đây đã lên tiếng cảnh báo về dấu hiệu kinh doanh đa cấp trái phép của một số website, ứng dụng hoàn tiền.

Hoàn tiền khi mua sắm (cashback) là việc người tiêu dùng được hoàn lại một phần tiền khi mua sắm thông qua thẻ ngân hàng, ví điện tử, hoặc qua ứng dụng mua hàng. Đây là một hình thức khuyến mãi, kích cầu chi tiêu khá phổ biến tại Việt Nam và trên thế giới. 

Tuy nhiên, qua quá trình theo dõi và thu thập thông tin, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhận thấy nhiều trang thương mại điện tử, ứng dụng được quảng cáo theo mô hình cashback có những biểu hiện thiếu minh bạch. 

Bộ Công thương cảnh báo về ứng dụng hoàn tiền kiểu đa cấp
Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) vừa đưa ra cảnh báo về một số ứng dụng, website cung cấp dịch vụ hoàn tiền có dấu hiệu thiếu minh bạch trong mô hình kinh doanh. 

Điểm chung của các website, ứng dụng này là chúng thường đưa ra quảng cáo với mức chiết khấu, hoàn tiền lên tới 80-100% mỗi giao dịch mua hàng. Đơn vị phát triển sản phẩm liên tục nói về việc hoàn tiền dù thực tế không hẳn là như vậy. 

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, việc hoàn tiền với giá trị % cao chỉ thể hiện ở hành động tích điểm trên hệ thống nội bộ theo tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 0,05% - 0,1% mỗi ngày. Do vậy, các dịch vụ này không có ý nghĩa về việc “hoàn tiền” như đã quảng cáo.

Việc tích điểm trên hệ thống nội bộ của những website và ứng dụng này thường có liên quan tới một hoặc một số loại tiền ảo, ví điện tử (ví dụ như Gem, CBP, Silling, USDT, ETH, ONE, VNDC…). 

Bộ Công thương cảnh báo về ứng dụng hoàn tiền kiểu đa cấp
Việc sử dụng Gem làm công cụ thanh toán mang tới nhiều rủi ro cho người dùng nếu mất khả năng thanh khoản. Ảnh: Trọng Đạt 

Ngoài việc giao dịch mua sắm tiêu dùng, hệ thống còn cho phép các tài khoản của người tham gia có thể đầu tư, mua bán và trao đổi các điểm số nội bộ trên hệ thống tương ứng với các loại tiền ảo tự lưu hành.

Các loại tiền ảo, ví điện tử này chỉ có giá trị nội bộ trong hệ thống, không được pháp luật Việt Nam công nhận là trung gian để thanh toán. Người tham gia có tranh chấp liên quan đến những giao dịch này đều không được pháp luật bảo vệ.

Đơn vị vận hành còn huy động vốn bằng cách kêu gọi người dùng nộp tiền để nâng cấp tài khoản lên mức cao hơn nhằm được hưởng hoa hồng. Những ai tích cực lôi kéo người khác sẽ nhận được quyền lợi hấp dẫn dựa trên tỷ lệ % số tiền của những người tham gia tuyến dưới.

Rủi ro trong mô hình kinh doanh của My Aladdinz

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, các website, ứng dụng như đã kể trên đều không rõ ràng, không minh bạch trong mô hình hoạt động, có nhiều dấu hiệu biến tướng, sử dụng mô hình kinh doanh đa cấp trái phép.

Để hạn chế rủi ro về tài chính và pháp lý, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cảnh báo người dân không nên tham gia đầu tư và phát triển hệ thống cho những website, ứng dụng thương mại điện tử có dấu hiệu nêu trên.

Trước đó, VietNamNet cũng đã có bài viết phản ánh về chiêu “hút máu” nhà đầu tư của My Aladdinz - ứng dụng mua sắm hoàn tiền với những dấu hiệu tương tự như những gì Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng vừa cảnh báo. 

Bộ Công thương cảnh báo về ứng dụng hoàn tiền kiểu đa cấp
Ứng dụng hoàn tiền kiểu My Aladdinz tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tham gia do ứng dụng này không có văn phòng đại diện cũng như tư cách pháp nhân tại Việt Nam. 

Thực tế cho thấy, việc sử dụng mô hình mua sắm hoàn tiền hay cashback là một hành động khá phổ biến trong kinh doanh. Việc áp dụng hình thức cashback sẽ kích thích người dùng mua sắm, nhờ đó giúp các doanh nghiệp mở rộng hệ thống khách hàng. Do vậy. trong những năm gần đây, cashback đang nổi lên như một xu hướng mua sắm mới.

Vấn đề chỉ xảy ra khi có một số ứng dụng lợi dụng mô hình cashback để huy động vốn như kiểu My Aladdinz.

Thực tế cho thấy, ngoài tính năng tương tự như một ví điện tử, My Aladdinz không phát triển bất kỳ một tính năng nào khác. Thay vào đó, đây chỉ là vỏ bọc để My Aladdinz cho người đi huy động vốn. 

Do không thực sự phát triển nền tảng hay mô hình kinh doanh, My Aladdinz không tạo ra giá trị nào để có thể mang tới mức lãi suất khủng như những gì đã quảng cáo. 

Bộ Công thương cảnh báo về ứng dụng hoàn tiền kiểu đa cấp
Trên thị trường hiện có không ít doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tích điểm hoàn tiền. Người dùng cần nghiên cứu kỹ và chỉ nên đầu tư, sử dụng những ứng dụng có mô hình kinh doanh rõ ràng cũng như minh bạch về vấn đề pháp lý. Ảnh: Trọng Đạt

Điều này càng nguy hiểm hơn khi ứng dụng tới từ Singapore này không có văn phòng đại diện hay đăng ký tư cách pháp nhân tại Việt Nam. 

Chính vì vậy, những người tham gia vào đầu tư vào My Aladdinz sẽ nhận về rủi ro rất lớn vì không biết kêu ai trong trường hợp đồng “gem” của ứng dụng này mất khả năng thanh khoản. 

Không phải ứng dụng mua sắm hoàn tiền nào cũng xấu. Đây vẫn sẽ trở thành một xu hướng mua sắm phổ biến tại Việt Nam. Tuy vậy, người dùng nên cân nhắc và tìm hiểu thật kỹ khi sử dụng hay đầu tư vào các đơn vị cung cấp loại hình kinh doanh này. 

Để tránh bị mất tiền oan, người dùng và các nhà đầu tư cần tránh xa những website, ứng dụng hoàn tiền có pháp lý không rõ ràng. Người dùng, chủ cửa hàng, doanh nghiệp và cả các nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ thông tin, đồng thời nói không với những sản phẩm, dịch vụ có mô hình kinh doanh thiếu minh bạch.

Trọng Đạt

Chiêu “hút máu" bằng lãi khủng của ứng dụng thanh toán đa cấp My Aladdinz

Chiêu “hút máu" bằng lãi khủng của ứng dụng thanh toán đa cấp My Aladdinz

Chỉ bằng những lời hô hào lãi khủng, ứng dụng huy động vốn đa cấp My Aladdinz đang làm mưa làm gió tại Việt Nam dù chẳng hề tạo ra giá trị hay có tư cách pháp nhân chính thức.   

Previous
Next Post »
Thanks for your comment