Alexander Lukashenko - Nhà lãnh đạo Belarus hơn hai thập kỷ

Hôm 16/8, gần 200.000 người đã biểu tình ở thủ đô Minsk của Belarus, yêu cầu Tổng thống Alexander Lukashenko phải từ chức.

Biểu tình tại Belarus diễn ra chưa đầy một tuần sau cuộc bầu cử tổng thống tại nước này. Theo kết quả bỏ phiếu, Tổng thống Alexander Lukashenko tái đắc cử, song phe đối lập phản đối và cáo buộc chính phủ gian lận.

“Người cha” của Belarus

Theo Fox News, Tổng thống Lukashenko sinh năm 1954 tại vùng Vitebsk, Belarus. Sau khi tốt nghiệp Học viện Giáo dục Mogilev năm 1975, ông phục vụ trong quân đội Liên Xô một thời gian, rồi học tiếp 5 năm tại Học viện Nông nghiệp Belorussia và tốt nghiệp tại đây vào năm 1980.

Alexander Lukashenko - Nhà lãnh đạo Belarus hơn hai thập kỷ
Tổng thống Belarus Alexander Grigoryevich Lukashenko. Ảnh: TASS

Sự nghiệp chính trị của ông Lukashenko bắt đầu vào năm 1990, khi ông được bầu làm đại biểu trong Hội đồng tối cao Cộng hòa Belarus.

Ông nổi tiếng là một chính khách chống tham nhũng quyết liệt, từng được bầu làm Chủ tịch Ủy ban chống tham nhũng của Quốc hội Belarus vào năm 1993. Ông từng cáo buộc 70 viên chức cấp cao trong chính quyền, gồm cả Chủ tịch Quốc hội Stanislav Shushkevich, phạm tội biển thủ công quỹ nhà nước. 

Năm 1994, Alexander Lukashenko đắc cử chức Tổng thống Belarus. Ông tiếp tục tái đắc cử chức vụ này vào các năm 2001, 2006, 2010, 2015, 2020, và nắm giữ quyền lãnh đạo tối cao tại quốc gia này tổng cộng 26 năm.

Nổi tiếng với biệt danh "Batka", có nghĩa là người cha, ông Lukashenko thường tự gọi mình là “người của nhân dân” trong quá trình xây dựng hình ảnh với người dân Belarus. Cuốn tiểu sử chính thức về Tổng thống Lukashenko mô tả ông là “một chính khách nổi tiếng nhờ công lao của cá nhân và sự ủng hộ từ nhân dân".

Đời tư của Tổng thống Lukashenko không được biết đến nhiều. Vợ ông, bà Galina Lukanshenko, được cho là đang sống trong một trang trại cách xa thủ đô Minsk, gần như tách biệt với công chúng và ít khi lọt vào ống kính của giới săn ảnh. 

Thân thiết với Nga

Theo các nhà phân tích, Tổng thống Lukashenko được cho là người luôn cố gắng duy trì các giá trị của Liên Xô tại Belarus. Lực lượng mật vụ của Belarus vẫn để tên KGB, nhiều di tích mang tính biểu tượng thời Liên Xô vẫn được lưu giữ tại Minsk, và nhiều thị trấn có những con phố mang tên Lenin.

Khoảng 40 doanh nghiệp lớn nhất Belarus ở thời điểm hiện tại, như nhà máy sản xuất máy kéo Minsk, nhà máy sản xuất xe tải Minsk, các nhà máy lọc hóa dầu Mozyr và Naftan, và công ty sản xuất phân bón Belaruskali, đều hoạt động từ thời Liên Xô và đều thuộc sở hữu của nhà nước, trong khi các doanh nghiệp tư nhân chỉ chiếm khoảng 20-30% GDP toàn quốc. 

Sau khi Liên Xô tan rã, khác với các nước Baltic tìm cách tăng cường quan hệ với phương Tây, ông Lukashenko đã dựa vào Nga. Ông được cho là có quan hệ thân thiết với Tổng thống Vladimir Putin. Hai nguyên thủ nói chuyện với nhau 2 lần vào mỗi cuối tuần, và có chung niềm đam mê với khúc côn cầu trên băng cùng một số môn thể thao khác.

Năm 1999, hai nước đã ký một thỏa thuận thiết lập một vùng đệm chiến lược nhằm hạn chế tầm ảnh hưởng của NATO và Liên minh châu Âu (EU) tại Belarus, nhưng không rõ phạm vi và hình thức viện trợ quân sự trong thỏa thuận này như thế nào.

"Căng thẳng" với phương Tây

Trong khi đó, quan hệ giữa ông Lukashenko với phương Tây từ lâu đã gây nhiều tranh cãi. Sau cuộc bầu cử tuần trước, Tổng thống Lukashenko nhiều lần cáo buộc có một âm mưu do nước ngoài hậu thuẫn để lật đổ ông, và khẳng định xe tăng và máy bay của NATO đang được triển khai gần biên giới Belarus để gây sức ép buộc nước này phải tổ chức một cuộc bầu cử mới.

NATO cho biết đang “theo dõi sát sao” tình hình tại Belarus, nhưng phủ nhận việc gia tăng các hoạt động quân sự ở biên giới phía tây nước này.

Năm 2006, Mỹ từng áp đặt lệnh trừng phạt lên một loạt tổ chức và cá nhân ở Belarus. Đầu năm nay, Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) đã liệt Belarus vào danh sách những nước gây đe dọa đối với an ninh công cộng. Tuy vậy, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có cuộc gặp với Tổng thống Lukashenko vào tháng 3 năm nay, nhằm nỗ lực "bình thường hóa" quan hệ giữa 2 nước.

Dù có quan hệ khá tốt đẹp với ông Putin, song Tổng thống Lukashenko trong những năm gần đây cũng đang tìm kiếm sự hậu thuẫn từ phương Tây. Ông đã tái thiết lập quan hệ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu để hỗ trợ giải quyết những vấn đề kinh tế tại Belarus.

Lựa chọn chính trị

Giới quan sát nhận định, dù đang phải đối mặt với sức ép từ phe đối lập và người biểu tình, song khó có khả năng ông Alexander Lukashenko từ bỏ cương vị lãnh đạo.

Theo bà Sofya Orlosky, quản lý cấp cao từ tổ chức phi chính phủ Freedom House, có 2 lựa chọn cho ông Lukashenko vào thời điểm này. Đó là nhờ sự trợ giúp từ Tổng thống Putin để tăng cường sức mạnh của lực lượng an ninh trong nước, hoặc thỏa hiệp với những yêu sách của phe đối lập để tổ chức lại cuộc bầu cử tổng thống.

Việt Anh

Ông Trump tả tình hình Belarus 'thật tồi tệ', một loạt nước hành động

Ông Trump tả tình hình Belarus 'thật tồi tệ', một loạt nước hành động

Khủng hoảng chính trị ở Belarus ngày càng phức tạp, các cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Alexander Lukashenko không có dấu hiệu hạ nhiệt. Một loạt nước đã lên tiếng và hành động.

Biển người biểu tình ở Belarus phản đối Tổng thống mới tái cử

Biển người biểu tình ở Belarus phản đối Tổng thống mới tái cử

Biểu tình chống chính phủ ở Belarus không có dấu hiệu lắng dịu mà còn bùng lên mạnh hơn khi hàng chục nghìn người tham gia cuộc biểu tình lớn nhất từ trước tới nay ở thủ đô Minsk.

Previous
Next Post »
Thanks for your comment