Đôi chân so le cách nhau tới 11cm khiến ông Vượng di chuyển vô cùng khó nhọc, người nghiêng lệch một bên suốt 4 thập kỷ.
Với mọi người, bước đi thật dễ dàng nhưng với ông Vượng là niềm ao ước suốt 38 năm qua. Nhưng sau cuộc đại phẫu thuật, trở thành bệnh nhân thứ 4 trên thế giới được thay toàn bộ xương đùi, khớp háng, khớp gối, giờ đây ông đã có thể đi lại như bình thường.
Ông Nguyễn Đức Vượng, 63 tuổi ở Phúc Thọ, Hà Nội chia sẻ, năm 35 tuổi, sau những cơn đau hành hạ thấu xương, ông được chẩn đoán viêm tủy xương đùi trái, lan vào khớp háng.
Thời điểm ấy, giải pháp duy nhất là lấy bỏ sụn để máu chảy vào ổ viêm, sau đó bác sĩ dùng kháng sinh để điều trị viêm.
Ông Vượng tìm lại được cảm giác đôi chân sau 38 năm đau đớn triền miên. Ảnh: T.Hạnh
Trải qua nhiều cuộc phẫu thuật tại các bệnh viện lớn khắp trong Nam, ngoài Bắc và điều trị nội khoa, tình trạng viêm vẫn tái đi tái lại nhiều lần. Khớp gối bệnh nhân sau đó cũng hỏng hoàn toàn, khối cơ mông, cơ đùi teo nhỏ mất chức năng, viêm lan xuống xương đùi gây đau nhức suốt ngày đêm.
Qua từng năm, chân trái của ông ngày càng co ngắn dần, so le với chân phải đến 11 cm khiến ông đi lại khó nhọc, dáng người xiêu xẹo, ngả nghiêng.
Hàng ngày, ông phải phụ thuộc thuốc giảm đau, dẫn tới suy tuyến thượng thận do sử dụng corticoid quá nhiều.
Để mong thoát khỏi cơn đau hành hạ, không ít lần ông đã van xin bác sĩ cắt cụt chân trái của mình. May mắn, trong lần khám tại khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện E, ông đã được bác sĩ tư vấn kĩ thuật mới, thay thế toàn bộ đoạn xương bị viêm bằng kim loại.
PGS.TS Trần Trung Dũng, Trưởng phân môn Chấn thương chỉnh hình, Đại học Y Hà Nội cùng các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện E đã có nhiều cuộc hội chẩn, cân nhắc rất kĩ các phương án trước khi phẫu thuật.
PGS Dũng cho biết, trước trường hợp bệnh nhân Vượng, trên thế giới mới thực hiện 3 ca thay xương đùi toàn phần.
“Đây là kĩ thuật rất mới, gần như đầu tiên tại Việt Nam. Trong cuộc đời mỗi bác sĩ cũng không có cơ hội thực hiện những phẫu thuật này nhiều”, PGS Dũng chia sẻ.
PGS Dũng cùng ekip thực hiện ca phẫu thuật đặc biệt cho bệnh nhân Vượng
Ngày 25/5, ông Vượng được phẫu thuật tháo lọc toàn bộ xương đùi và đặt đoạn xi-măng kháng sinh để diệt khuẩn và giữ khoảng chiều dài xương đùi trái tương đương chân còn lại.
Sau 7 tuần, bệnh nhân tiếp tục mổ tháo xi-măng kháng sinh, thay toàn bộ xương đùi nhân tạo gồm cả khớp háng, khớp gối.
Đây là giai đoạn được bác sĩ ví như trận đánh lớn trên một ca bệnh vô cùng phức tạp, mọi thông số cần chính xác từng mm.
Để ổ khớp mới vừa khít hoàn toàn với vị trí cũ, bác sĩ phải đo đạc, dựng hình 3D, sau đó in khớp 3D bằng đúng kích cỡ khớp thật của bệnh nhân.
Riêng ổ cối của khớp háng, bác sĩ thiết kiết thêm phần tai để bắt vít vào xương chậu, giúp khớp vững chắc, chống trật. Ca mổ thành công ngoài mong đợi sau 3,5 giờ.
Sau phẫu thuật ngày thứ 3, bệnh nhân đã tự đứng và bước đi, các triệu chứng đau âm ỉ do viêm xương gần như không còn. Phần chênh lệch giữa 2 chân chỉ còn 3cm, để đi lại thuận tiện, ông dán thêm miếng cao su mỏng vào đế dép.
“Trước khi phẫu thuật bản thân tôi cũng rất lo lắng, sợ không đi lại được nhưng giờ thì thực sự vỡ oà vì tìm lại được cảm giác đôi chân”, ông Vượng hạnh phúc chia sẻ.
Thúy Hạnh
Thoái hóa đĩa đệm: Mổ có là ác mộng?
Mổ có thể giải quyết được đau. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp và các biến chứng nên ít bác sĩ đủ dũng khí mổ.
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon