Từ hình ảnh camera trích xuất nơi xảy ra tai nạn chết người, lực lượng chức năng TP.HCM đã xác định xe khách cùng tài xế lái phương tiện có liên quan.
Ngày 7/2, lực lượng chức năng TP.HCM vẫn đang củng cố hồ sơ, điều tra vụ tai nạn giao thông liên hoàn giữa hai xe máy và xe khách trên QL 1, đoạn qua địa bàn quận Bình Tân làm một phụ nữ tử vong.
Ba hôm trước (ngày 4/2), xe máy BKS 74B1-210.55 do bà Phan Thị Tuyết (50 tuổi, ngụ quận Bình Tân) điều khiển lưu thông trên đường QL1 theo hướng về cầu Tân Tạo. Khi đến khu phố 9, phường Tân Tạo thì xảy ra va chạm với xe máy BKS 64D1-567.76 do bà Nguyễn Thị Yến (45 tuổi, ngụ Long An) điều khiển chạy cùng chiều.
Cùng lúc hai xe máy ngã xuống đường, ô tô khách (chưa rõ biển số) từ phía sau chạy lên đã va chạm tiếp vào hai xe máy. Vụ tai nạn khiến Tuyết bị thương nặng. Nạn nhân được chuyển đi bệnh viện cấp cứu nhưng sau đó đã tử vong.
Đáng nói, sau va chạm, thay vì dừng lại để đưa nạn nhân đi cấp cứu, tài xế ôtô khách đã lái xe rời khỏi hiện trường.
Nhận tin báo, Tổ điều tra TNGT của Đội CSGT An Lạc phối hợp với Công an phường Tân Tạo (quận Bình Tân) tiến hành xác minh, khám nghiệm hiện trường.
Từ lời khai nhân chứng và trích xuất camera khu vực tai nạn, lực lượng chức năng xác định xe khách BKS 51B-179.01 có di chuyển qua nơi xảy ra TNGT.
Từ hình ảnh này, Tổ công tác tiến hành xác minh, nhanh thông tin chủ phương tiện và được biết xe ôtô khách trên do Đỗ Trọng (36 tuổi, ngụ tỉnh Long An) điều khiển.
Phối hợp Công an địa phương ở Long An, Tổ công tác đã mời chủ xe và lái xe khách BKS 51B-179.01 về cơ quan để tiếp tục điều tra, xác minh.
Qua kiểm tra, khám dấu vết trên xe cũng như ghi lời khai, lái xe khách thừa nhận có liên quan đến vụ tai nạn giao thông trên. Tài xế Trọng cho biết lúc đó nghĩ là va chạm nhẹ không có gì nên bỏ đi khỏi hiện trường.
Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn phải ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp sẽ cho phép những người này được rời khỏi hiện trường nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất. Các trường hợp bao gồm như người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu; Phải đưa người bị nạn đi cấp cứu nên phải rời hiện trường; Vì lý do bị đe dọa đến tính mạng...
Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định tại điểm c khoản 8 điều 5, phạt từ 16 - 18 triệu đồng, tước GPLX từ 5 - 7 tháng đối với người điều khiển ô tô và điểm d khoản 8 điều 6, phạt từ 6 - 8 triệu đồng, tước GPLX từ 3 - 5 tháng đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy có hành vi “ Gây TNGT không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn”.
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon