Theo cáo trạng của Viện kiểm sát quân sự Trung ương, từ tháng 11/2011, “trùm” buôn lậu xăng dầu Phan Thanh Hữu (SN 1957, ở TP HCM) quen biết ông Nguyễn Thế Anh (cựu đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng Kiên Giang).
Khoảng tháng 9/2019, Hữu cấu kết với một số đối tượng vận chuyển xăng lậu sang Campuchia bán kiếm lời. “Ông trùm” này đã đặt vấn đề buôn lậu xăng, nhờ ông Thế Anh giúp đỡ và đã nhận được cái gật đầu.
Thời điểm đó, ông Nguyễn Thế Anh đang là Phó Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, biệt phái sang giữ chức vụ Phó Chánh Văn Phòng, thuộc Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia.
Những lần “đi đêm”
Theo thỏa thuận, mỗi tháng Hữu sẽ chi cho ông Thế Anh 30.000 USD và 100 triệu đồng. Tổng số tiền từ tháng 10/2019 - 2/2020, Hữu đã chi cho ông Nguyễn Thế Anh là 150 ngàn USD và 500 triệu đồng.
Đến đầu năm 2020, Hữu và đồng phạm có ý định vận chuyển xăng nhập lậu vào tiêu thụ trong nội địa nên đã hẹn gặp ông Thế Anh tại Khách sạn REX, ở TP.HCM.
Tại đây, Hữu đặt vấn đề về việc vận chuyển xăng nhập lậu để tiêu thụ ở nước ngoài và nhờ ông Thế Anh giúp đỡ. Nhận lời đồng ý, ông Thế Anh yêu cầu Hữu chi tiền cho cấp trên và một số lực lượng khác nữa. Con số đưa ra là mỗi tháng 60.000 USD và 950 triệu đồng.
Phan Thanh Hữu chấp nhận chi hối lộ cho ông Thế Anh. Cáo trạng xác định, tổng số tiền Hữu đã chi để hối lộ ông Nguyễn Thế Anh từ tháng 2/2020 - 1/2021 là 560 ngàn USD và 6,2 tỷ đồng.
Trong toàn bộ các lần nhận tiền hối lộ, ông Thế Anh không trực tiếp nhận từ Hữu mà giao cho Nguyễn Văn An (em con chú ruột) nhận. Cứ vào khoảng ngày 15 hàng tháng, Hữu chủ động gọi điện cho An hẹn lấy tiền.
Trước khi giao tiền, Phan Thanh Hữu xếp thành các cọc, tiền USD loại mệnh giá 100 USD, tiền Việt Nam loại mệnh giá 500.000 đồng, để trong túi nilon màu đen, buộc gọn để bỏ vừa cốp xe máy của An. Cáo buộc cho rằng An đã 16 lần nhận tiền của Hữu mang về cho Thế Anh.
Sau khi Phan Thanh Hữu bị CQĐT Công an tỉnh Đồng Nai bắt. Đó là thời điểm trung tuần tháng 3/2021. Lúc này, ông Thế Anh gọi điện cho An bảo em đi trốn. Sau thời gian trốn ở Sóc Trăng, An được ông Thế Anh nhờ người đưa sang Lào. Đến ngày 19/5/2021, An bị Công an Lào bắt, bàn giao cho Công an Việt Nam.
Ngoài ông Thế Anh, Phan Thanh Hữu và ông Lê Văn Minh (cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh vùng Cảnh sát Biển 4) cũng có quan hệ quen biết từ năm 2017.
Hữu biết ông Lê Văn Minh là Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, quản lý vùng biển các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang nên “ông trùm” này đã liên hệ nhờ ông Minh giúp đỡ trong quá trình buôn lậu xăng và cũng nhận được sự đồng ý.
Khi tiếp nhận xăng nhập lậu từ Singapore đưa về vùng biển Việt Nam, Phan Thanh Hữu đều liên lạc, gọi điện, nhắn tin báo cho ông Minh biết để giúp đỡ, bảo kê, không bị kiểm tra, bắt giữ.
Đổi lại, hàng tháng Hữu chi tiền để hối lộ cho ông Lê Văn Minh. Hữu giao cho con trai chuyển tiền vào tài khoản và đưa trực tiếp cho vợ ông Minh. Bản thân ông Minh cũng nhiều lần trực tiếp nhận tiền từ Hữu.
Cáo buộc cho rằng cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh vùng Cảnh sát Biển 4 đã thông qua người thân nhận 6,9 tỷ đồng để tạo điều kiện, giúp đỡ, bảo kê cho hoạt động vận chuyển, buôn lậu xăng của Hữu không bị bắt giữ, xử lý.
Trong vụ án này, CQĐT xác định, hành vi của Hữu đã đủ yếu tố cấu thành tội Đưa hối lộ. Nhưng để khuyến khích, động viên những người phạm tội chủ động, tích cực khai báo, lập công chuộc tội; áp dụng chính sách khoan hồng của pháp luật..., CQĐT không xem xét xử lý hình sự đối với hành vi đưa hối lộ của Hữu.
Hành vi của các bị can bị VKS cho rằng vì động cơ vụ lợi cá nhân. Hành vi này đã xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự quản lý hành chính, sự đúng đắn trong hoạt động phòng chống buôn lậu của cơ quan nhà nước, gây mất trật tự, an toàn xã hội và ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của quân đội và lực lượng thi hành công vụ.
T.Nhung
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon