Công trạng và tội trạng

Thật đau xót khi nhiều người phải mang công trạng của mình ra tòa để mong giảm nhẹ tội. Tiếc rằng, với những công trạng đó, họ không giữ gìn và lập thêm thành tích ở những cương vị mới.

Chiều 13/7, trong phiên tòa, luật sư của bị cáo Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã mang ra 85 bằng khen của cá nhân bị cáo, người thân và gia đình. Việc làm này cùng tình trạng bệnh tật của ông Nguyễn Đức Chung đã được hội đồng xét xử xem xét, giảm án tù.

Thật đau xót khi chứng kiến những người như ông Nguyễn Đức Chung khi đối diện với tội trạng phải mang công trạng quá khứ ra để cân đong, giảm tội. 

Nhiều vụ việc đã và đang xét xử cho thấy nhiều người có công trạng trong quá trình phấn đấu rèn luyện, được giữ những chức vụ quan trọng cuối cùng không thoát được sự cám dỗ của đồng tiền, của quyền lực…

Nỗi đau của bản thân, gia đình, dòng họ là vô cùng to lớn nhưng sự mất mát của tổ chức, sự sụt giảm lòng tin của nhân dân cũng không hề kém.

Nhiều cán bộ thuộc dạng “tinh túy” của đất nước thời gian vừa qua vướng vào lao lý cho thấy công và tội gần nhau thế nào. Chỉ một chút sơ sẩy, không kìm nén được lợi ích cá nhân là công trạng lẽ ra được tôn vinh thì lại phải mang ra tòa với mong muốn giảm tội trạng. 

Bị cáo Nguyễn Đức Chung (Ảnh: T.Nhung)

Người có công được tôn vinh, được bố trí, sắp xếp vào những vị trí quan trọng hơn. Đất nước nào và thời đại nào cũng vậy. Nhưng khi có quyền cao, chức trọng nếu không có bản lĩnh, lóa mắt trước quyền lực, trước đồng tiền sẽ xảy ra lạm quyền, nói một cách văn hoa đó là “quyền lực bị tha hóa”.

Thật tiếc cho những người có công trạng thật sự đã không giữ gìn được trọn vẹn sự nghiệp. Trong số những người bị xử lý thời gian qua, có nhiều người là anh hùng một thời như tướng Phan Văn Vĩnh, tướng Nguyễn Đức Chung hay cựu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh…Họ đều là những cá nhân tiêu biểu, là điển hình xuất sắc một thời.

Ông Phan Văn Vĩnh là “người hùng” trị tội phạm lừng danh khi còn ở Nam Định. Thế nhưng khi đã lên đến chức trung tướng, cục trưởng lại thành tội phạm. Ông được xác định là người "bảo kê" cho đường dây đánh bạc nghìn tỷ gây rúng động dư luận.

Ông Nguyễn Văn Hiến, khi còn là Đô đốc Hải quân, Thứ trưởng Bộ quốc phòng cũng rất nhiều công trạng. Là người thứ hai được phong đô đốc, nhưng ông Hiến đã bị thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân. 

Hoặc, người kế nhiệm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh là ông Nguyễn Quang Tuấn cũng rơi vào vòng lao lý. Có thể nói, ông Tuấn là thầy thuốc có nhiều công trạng, từng là Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Tim mạch Hà Nội; Ủy viên Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ miền Bắc thuộc Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương.

Đó là những ví dụ tiêu biểu về những người có công trạng. Họ đã không giữ gìn, không phát huy được năng lực và sự cống hiến của mình khi sự nghiệp đang trên đà thăng tiến. 

Không phải ngẫu nhiên mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh “danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Còn với người dân, không ai mong muốn chứng kiến những người lẫy lừng một thời phải đem công trạng ra tòa để giảm bớt tội trạng như vừa qua. 

Adblock test (Why?)

Previous
Next Post »
Thanks for your comment