Gắn biển giả lưu hành giao thông và chuyện ‘quýt làm cam chịu’

Câu chuyện một người có chiếc xế hộp chỉ để trong hầm xe, không hề lưu thông trên đường, nhưng một ngày đẹp trời, chủ xe bỗng nhận được thông báo phạt nguội không còn là chuyện hiếm.

Rồi chuyện chiếc xế hộp không hề lưu thông qua trạm thu phí, nhưng chủ xe bất ngờ nhận được tin nhắn trừ tiền cũng không còn là chuyện lạ.

VietNamNet đã từng đề cập đến tình trạng xe ô tô, xe gắn máy sử dụng nhiều chiêu trò để che biển kiểm soát xe nhằm né camera phạt nguội, hay sử dụng biển số giả lưu thông trên đường.

Trao đổi với P.V VietNamNet về việc này, luật sư Hoàng Minh Hiển (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đưa ra ý kiến, hành vi dán băng dính trên biển kiểm soát của xe ô tô khi tham gia giao thông, không chỉ bị cộng đồng xã hội lên án mạnh mẽ về mặt đạo đức, mà còn là hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Luật sư Hoàng Minh Hiển 

Theo luật sư Hiển, những người thực hiện hành vi này bị pháp luật xử rất nặng theo quy định tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP.

Cụ thể, phạt tiền từ 4- 6 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: “Điều khiển xe không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).”

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là tước Giấy phép lái xe từ 1- 3 tháng.

Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, việc làm giả biển số xe, trong mọi trường hợp đều là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào mục đích, hoàn cảnh, hậu quả xảy ra mà người làm biển số xe giả cũng như người sử dụng biển số xe giả sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Nếu trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc giả mạo xe khác thì có thể xử lý hình sự theo Điều 341 của BLHS về tội Làm giả con dấu của cơ quan tổ chức hoặc sử dụng con dấu giả. 

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường

“Chế tài hiện nay xử phạt hành vi trên cao nhất đến 7 năm tù là rất nghiêm khắc”, luật sư Đặng Văn Cường cho hay.

Còn theo luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), người điều khiển xe có hành vi sử dụng biển số giả có thể bị phạt cao nhất đến 6 triệu đồng đối với xe ô tô và các loại xe tương tự, cao nhất 1 triệu đồng đồng đối với xe mô tô, xe gắn máy.

Hiện nay, nhiều trường hợp các đối tượng sử dụng xe ô tô, hay xe máy gắn biển số giả tham gia giao thông hoặc điều khiển phương tiện lưu thông trên đường để đi gây án. Nhiều người có xe ô tô biển số thật bị kẻ xấu đeo biển số xe giả, giống biển số xe thật, bị xử phạt oan.

Luật sư Bùi Quang Thu

“Đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, mức xử phạt như trên chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa các đối tượng sản xuất và lưu hành biển số xe giả.

Tôi cho rằng, cần phải xem xét việc sản xuất và lưu hành biển số xe giả của các cá nhân, tổ chức là hành vi nguy hiểm, phải chịu trách nhiệm hình sự, mới đủ sức răn đe”, ý kiến của luật sư Bùi Quang Thu. 

Giải pháp

Nhắc đến giải pháp để giảm thiểu tình trạng nêu trên, luật sư Hoàng Minh Hiển cho rằng, quy định về mức xử phạt như vậy là rất cao nhưng hiện tượng dán thêm làm thay đổi chữ, số của biển số xe không giảm đi mà thậm chí còn gia tăng. 

Các chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện cố thực hiện hành vi nhằm mục đích trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng để vi phạm pháp luật. 

Do đó, cần phải tăng mức xử phạt cao hơn nữa, và tước giấy phép lái xe từ 6- 12 tháng, tiến tới ngăn chặn bằng biện pháp hình sự hoá hành vi này. 

“Mặt khác, cần có các cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của nhân dân vào việc phát hiện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ”, ý kiến của luật sư Hoàng Minh Hiển.

Theo ý kiến của Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, biển số xe rất quan trọng vì nó có các thông tin của chiếc xe, cũng như thông tin của chủ sở hữu chiếc xe, để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, là cơ sở để xác định trách nhiệm pháp lý nếu như có sự việc xảy ra liên quan tới chiếc xe. 

Chế tài hiện nay xử phạt đến 7 năm tù đối với việc làm giả biển số xe là rất nghiêm khắc. 

Để giảm thiểu việc làm giả biển số xe, theo luật sư Đặng Văn Cường, cần tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân. 

Giải pháp thứ hai là phải hoàn thiện thủ tục hành chính pháp lý để việc cấp biển số xe dễ dàng. 

Ngoài ra, cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi che giấu tội phạm, không tố giác tội phạm, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có để xử lý đối với các trường hợp đó. 

Giải pháp nữa mà ông Đặng Văn Cường nhắc đến là cần phải liên thông các thông tin, hệ thống về dữ liệu quốc gia liên quan đến biển số xe, để việc tra xuất, tìm kiếm, xử lý sẽ hiệu quả, đồng thời ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật để tăng cường giám sát, phát hiện.

Còn theo luật sư Bùi Quang Thu, cần xử lý các đối tượng sản xuất và lưu hành phương tiện gắn biển số xe giả tương tự như hành vi của Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 BLHS. 

Làm được điều này mới đủ "sức nặng" để phòng chống, ngăn chặn hành vi làm giả , lưu hành phương tiện tham gia giao thông gắn biển số xe giả.

Adblock test (Why?)

Previous
Next Post »
Thanks for your comment