Căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên lại bùng lên sau một thời gian dài tương đối yên lặng, khi cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien lên tiếng về chương trình hạt nhân của chính quyền Kim Jong Un.
Theo báo Hàn Quốc Donga-Ilbo, sau tuyên bố mới nhất của Bình Nhưỡng về củng cố năng lực răn đe chiến tranh hạt nhân, Robert O'Brien đã 3 lần đề cập trong cuộc phỏng vấn của đài CBS hôm 24/5 rằng Triều Tiên nên từ bỏ chương trình hạt nhân và Mỹ đang theo sát nước này. Ông nhấn mạnh, không chỉ thông tin công khai mà cả những diễn biến ở Triều Tiên do các cơ quan tình báo cung cấp đều đang được theo dõi.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien và Tổng thống Donald Trump trò chuyện với các phóng viên tại sân bay LAX hồi tháng 9/2019. (Ảnh: ABC News) |
Theo Donga-Ilbo, tuyên bố trên của cố vấn O'Brien thẳng thừng hơn nhiều so với quan điểm trước kia của ông vốn luôn đề cao các nguyên tắc duy trì đối thoại giữa hai nước.
Một số người nhận định, Mỹ có thể đang xem xét các phản ứng bằng vũ lực trong trường hợp xảy ra viễn cảnh tồi tệ nhất dựa trên bình luận của vị cố vấn, rằng "chúng tôi luôn chú ý tới điều này và chúng tôi sẽ hiệu chỉnh phản ứng cho phù hợp".
Điều đó trùng khớp với hai bình luận của Charles Richard, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ, về việc thực hiện những hành động quyết định trong trường hợp thất bại răn đe chiến lược tại một cuộc họp về các kế hoạch và mục tiêu của ông cho năm 2020.
Tuy nhiên, không ít chuyên gia lại cho rằng không cần phải đưa ra giải thích quá mức.
"Vì Triều Tiên bắt đầu sử dụng các thuật ngữ kiểu như bổ sung năng lực vũ khí chiến lược và tăng cường sức mạnh răn đe hạt nhân, nên Mỹ buộc phải phản ứng", tờ Dong-A Ilbo dẫn lời Choi Kang, Phó chủ tịch Viện Các nghiên cứu Chính sách Asan đánh giá. "Tuy nhiên, dường như không có vẻ Mỹ có các kế hoạch phải-làm cụ thể hoặc sẵn sàng thực hiện các tùy chọn cực đoan".
Trong khi đó, Mỹ vẫn giữ cánh cửa mở cho các cuộc đối thoại với Triều Tiên.
"Chúng tôi đã tránh được xung đột với Triều Tiên trong ba năm rưỡi vừa qua", vị cố vấn an ninh quốc gia Mỹ nói, nhắc đến "chính sách ngoại giao cá nhân xuất sắc" của Tổng thống Donald Trump đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ông cũng liệt kê những ích lợi mà sẽ có sẵn cho Triều Tiên một khi nước này từ bỏ chương trình hạt nhân để tái gia nhập cộng đồng quốc tế và xây dựng một nền kinh tế vững mạnh.
Theo Donga-Ilbo, Triều Tiên được dự đoán sẽ có một số biện pháp khuấy đảo để có được những nhượng bộ từ chính quyền Trump trước khi Mỹ bước vào cuộc bầu cử tổng thống cuối năm nay.
Thanh Nga
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon