- Cháu bé 1 tháng tuổi xuất hiện vết loét ở mông và chân. Bác sĩ xác định bé đã bị nhiễm bệnh giang mai.
BV đa khoa khu vực Nghĩa Lộ, Yên Bái vừa tiếp nhận bé trai 1 tháng tuổi được chuyển từ tuyến dưới lên với nhiều triệu chứng nghi ngờ mắc giang mai như bú kém, khó thở, bụng chướng, da xanh, gan, lá lách to, đặc biệt có vết trợt loét ở mông và lòng bàn chân.
Khi làm xét nghiệm, kết quả cả bệnh nhi và mẹ đều dương tính với xoắn khuẩn giang mai.
Sau 1 tuần điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu và truyền máu, trẻ tiến triển tốt, bú được, da hồng hào, hết khó thở, bụng hết tuần hoàn bàng hệ, gan lách đã nhỏ lại. Bệnh nhi sẽ được xuất viện trong những ngày tới.
BS Mai Hồng Tình, khoa Nhi cho biết, giang mai bẩm sinh là bệnh xảy ra khi người mẹ mắc giang mai truyền bệnh cho con trong thai kỳ, thường tháng 4-5 của thai kỳ.
Vết loét dưới lòng bàn chân của bệnh nhi 1 tháng tuổi khiến các bác sĩ nghi ngờ trẻ mắc giang mai
Xoắn khuẩn giang mai Treponema pallidum lây truyền qua 3 đường: Tình dục, truyền máu và mẹ sang con, trong đó chủ yếu là lây qua đường tình dục nên trước đây gọi giang mai là bệnh xã hội.
Với phụ nữ mang thai, các tổn thương của giang mai đôi khi không rõ ràng nên các thai phụ không phát hiện ra để chữa trị, từ đó lây truyền sang con.
Tùy mức độ nhiễm xoắn khuẩn giang mai từ người mẹ, thai nhi có thể chết lưu, sảy thai, thậm chí trẻ sinh ra tử vong.
Trường hợp trẻ chào đời, được xác định mắc giang mai bẩm sinh, sẽ tùy theo mức độ nhiễm bệnh có biểu hiện giang mai bẩm sinh sớm hoặc muộn.
Giai đoạn sớm, bệnh biểu hiện trong 2 năm đầu đời, thường sau sinh vài ngày hoặc sau 6 - 8 tuần, sau đó có thể xuất hiện những tổn thương như trợt loét, bọng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, nứt mép, khó thở…
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu sau khi sinh, trẻ bị nhiễm bệnh giang mai bẩm sinh có thể gặp chứng viêm xương và sụn ở các xương dài, có thể dẫn tới liệt.
Khi trẻ được 2 tuổi có thể xuất hiện chứng viêm xương và màng xương ở các đốt ngón tay, ngón chân.
Ở giai đoạn muộn, biểu hiện bệnh xuất hiện khi trẻ từ 3 - 6 tuổi, thậm chí tới tuổi trưởng thành. Có những trường hợp không rõ triệu chứng lâm sàng nên còn gọi là thời kỳ giang mai kín.
Tuy nhiên ở giai đoạn muộn, trẻ mắc giang mai bẩm sinh bị tổn thương khá nặng nề như tổn thương mắt, sợ ánh sáng, có thể dẫn tới mù mắt, viêm khớp, bị điếc, tổn thương xương, thủng vòm miệng, mũi tẹt, trán dô…
Để tránh giang mai, BS Tình khuyến cáo cần chung thủy một vợ, một chồng; sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục không an toàn.
Để tránh lây bệnh cho con, phụ nữ mang thai nên xét nghiệm kiểm tra bệnh giang mai ở lần khám tiền sản đầu tiên tại các cơ sở y tế. Nếu thai phụ xét nghiệm dương tính với bệnh giang mai trong thai kỳ, được bác sỹ tư vấn và điều trị ngay.
Trong quá trình điều trị, thai phụ được bác sĩ theo dõi chặt chẽ để điều trị hiệu quả, được hướng dẫn chăm sóc trước khi sinh, trong khi sinh, sau khi sinh để đảm bảo sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Bệnh giang mai nhiều biến chứng nguy hiểm nhưng nếu được chữa trị ngay từ giai đoạn đầu, bệnh có thể khỏi hoàn toàn bằng các thuốc kháng sinh. Với trẻ em, nếu phát hiện sớm sẽ được điều trị ngay trong 10 ngày đầu sau sinh.
Thúy Hạnh
Bệnh giang mai tăng nhanh, có thể tổn thương tim, gan và tử vong
- Giang mai là bệnh da liễu cổ xưa nhưng đang bùng phát trở lại. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể xâm nhập vào tất cả các phủ tạng, đặc biệt là tim, não, có thể gây tử vong.
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon