Nữ đại biểu đau xót khi trẻ em ở xập xệ, dự án nghìn tỷ thì đắp chiếu

ĐBQH đau xót khi liên tưởng về những dự án nghìn tỷ đang 'đắp chăn', 'đắp chiếu' và hình ảnh trẻ em với manh áo mỏng manh không đủ che mưa che nắng.

QH chiều qua tiếp tục thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho hay, bên cạnh những mặt đã làm được mà báo cáo giám sát nêu, cách tiếp cận từ góc nhìn của trẻ đã đặt ra vấn đề, phải chăng hệ thống pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em nhìn vào thì nghĩ là đủ nhưng tính răn đe mạnh mẽ vẫn chưa đủ.

Không thể trông chờ vào ngân sách

Nữ ĐB so sánh hành lang pháp lý bảo vệ trẻ chỉ mới mang mô hình của một ngôi nhà chứ chưa hẳn là một ngôi nhà an toàn, kiên cố và vững chắc.

Cần xây dựng 3 trụ cột cơ bản, đó là nhóm chính sách pháp luật về chăm sóc, giáo dục trẻ, về hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và về xâm hại trẻ em. Phần mái nhà là những quy định của pháp luật về quyền và bổn phận của trẻ, là yêu cầu bảo vệ trẻ em ở 3 cấp độ: Ngăn ngừa, hỗ trợ và can thiệp.

Nữ đại biểu đau xót khi trẻ em ở xập xệ, dự án nghìn tỷ thì 'đắp chiếu'

Về nguồn lực, Phó giám đốc Sở LĐTB&XH Phú Yên cho rằng: "Ngân sách nhà nước và cơ chế tài chính dành cho công tác trẻ em hiện nay đã được đảm bảo đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra thì xin khẳng định luôn đó chỉ là một câu chuyện cổ tích''.

Chỉ nói riêng để phòng, chống xâm hại trẻ em muốn làm hiệu quả thì không thể trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước, bởi vì nguồn kinh phí cho công tác này không được bố trí riêng. Các chương trình, kế hoạch, đề án theo từng giai đoạn thì nhiều nhưng kinh phí không được bao nhiêu, với tỉnh khó khăn thì còn eo hẹp hơn.

"Dù không muốn so sánh khập khiễng nhưng nếu liên tưởng về hình ảnh giữa những dự án nghìn tỷ từ nguồn đầu tư công đang "đắp chăn", "đắp chiếu" và hình ảnh trẻ em với manh áo mỏng manh trong ngôi nhà xập xệ, không đủ che mưa che nắng có nguy cơ xâm hại rất cao, tôi lại thấy rất xót xa. Liệu rằng khi ghép hình ảnh ấy lại với nhau thì đó có phải là một bức tranh xã hội đầy bi kịch hay không?", bà Hiền chua xót nói.

ĐB Phú Yên tin rằng, việc ưu tiên các nhóm giải pháp về thể chế, chính sách mang tính nền tảng sẽ tạo nên nền móng cho ngôi nhà bảo vệ trẻ vững chắc và hiện hữu.

Thứ nhất, đó là đầu tư thích đáng về con người, chăm lo, giáo dục, nâng cao giá trị con người. Thứ hai là các hình thức xử lý nghiêm trách nhiệm đối với người đứng đầu đối với các cơ quan, tổ chức chính quyền địa phương để xảy ra quá nhiều tình trạng xâm hại trẻ em.

Thứ ba là tăng cường nguồn lực chính đáng cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng.

Vì sao Hà Nội, TP.HCM có số trẻ bị xâm hại cao?

Phân tích báo cáo giám sát thông tin Hà Nội và TP.HCM lại là 2 trong 10 địa phương có số trẻ bị xâm hại nhiều nhất, ĐB Hứa Thị Hà (Tuyên Quang) cho rằng có 3 yếu tố chính là nguyên nhân. Đó là, môi trường xã hội chưa an toàn, chưa lành mạnh cho trẻ em; cha mẹ, người chăm sóc chưa hiểu biết, quan tâm đúng mức và làm tròn trách nhiệm; trẻ em chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng để nhận biết tự bảo vệ trước các nguy cơ xâm hại.

"Rõ ràng cả 3 yếu tố này ở các TP lớn đều tốt hơn các khu vực nông thôn và miền núi, những nơi kém phát triển nhưng tại sao 2 TP này lại có số trẻ bị xâm hại nhiều?", bà Hà đặt vấn đề.

Nữ đại biểu đau xót khi trẻ em ở xập xệ, dự án nghìn tỷ thì 'đắp chiếu'
 ĐB Hứa Thị Hà

Khi tìm hiểu, ĐB nhận thấy nhận thức và hiểu biết về xâm hại trẻ em chưa đầy đủ, những hành vi xâm hại và tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhưng lại chưa được coi trọng và không bị lên án. 

Hầu hết các vụ xâm hại tình dục không có người lớn, không có người làm chứng trực tiếp do đối tượng lựa chọn không gian, thời gian, địa điểm vắng vẻ, kín đáo mới thực hiện hành vi phạm tội hoặc đối tượng bị đe dọa phải giữ kín.

Thứ ba, nhiều gia đình im lặng hoặc thương lượng với thủ phạm với tâm lý xấu hổ, sợ ảnh hưởng tương lai và nhiều vấn đề nhạy cảm khác, kể cả chưa tin tưởng cơ quan pháp luật, khiến cho nạn nhân và người thân mặc cảm, cam chịu.

"Tôi lấy ví dụ trong vụ án Nguyễn Hữu Linh, hành động đó có thể bị bỏ qua tại khu vực nông thôn và miền núi. Trong vụ án này nếu không có dữ liệu được trích xuất từ camera thì khó có thể kết tội", nữ ĐB dẫn chứng. 

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho biết bà đặc biệt quan tâm đến thực trạng trẻ em bị xâm hại từ chính người thân.

"Mối nguy cơ từ nơi tưởng như bình yên nhất, điều đó thể hiện sự tha hóa, biến chất, mất tính người của một bộ phận trong xã hội.

Cũng cho thấy sự thiếu hiểu biết pháp luật và sự thờ ơ, vô cảm của không ít cán bộ, nhân dân... Một bộ phận không nhỏ cán bộ cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự coi trọng công tác bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em, chưa quan tâm đầu tư, bố trí nguồn lực", ĐB nói.

Từ đó, bà đề nghị xây dựng cơ sở dữ liệu về phòng, chống xâm hại trẻ em có sự gắn kết với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về hộ tịch. Khi cần thiết, mọi người có thể truy cập để biết được những kẻ đã xâm hại trẻ em.

Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, cần quan tâm nghiên cứu, học tập kinh nghiệm pháp luật các nước đã và đang thực hiện, tức là biện pháp ứng dụng khoa học, công nghệ (''thiến hóa học" - PV), với biện pháp đó vừa nhẹ nhàng và hiệu quả để bổ sung vào hình phạt đối với kẻ biến thái, thích xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em.

Loại bỏ những phong tục lạc hậu còn tồn tại trong đồng bào dân tộc như tục cướp vợ hoặc tảo hôn. Phải coi những hành vi này là hành vi vi phạm pháp luật và phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Trần Thường

Đề nghị 'thiến hóa học' tội phạm xâm hại tình dục trẻ em

Đề nghị 'thiến hóa học' tội phạm xâm hại tình dục trẻ em

ĐBQH cho rằng nếu áp dụng hình phạt "thiến hóa học" có thể giảm ít nhất 50% các vụ xâm hại tình dục trẻ em.

Previous
Next Post »
Thanks for your comment