Sự tham gia của Việt Nam trong lực lượng GGHB thể hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. LHQ ghi nhận cam kết cũng như kết quả mà Việt Nam đạt được trong lĩnh vực này.
Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, bà Grete Lochen chia sẻ nhân ngày quốc tế lực lượng GGHB LHQ (29/5).
Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, bà Grete Lochen |
Thưa Đại sứ, nói về bình đẳng giới, Na Uy là nước đi đầu. Na Uy đã làm gì để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng vũ trang nói chung và GGHB nói riêng?
Na Uy có một lịch sử đáng tự hào vì luôn tiên phong trong việc thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ. Năm 1992, chúng tôi có nữ chỉ huy tàu ngầm đầu tiên trên thế giới, chúng tôi cũng có nữ chỉ huy trưởng đầu tiên của lực lượng không quân và nữ chỉ huy lực lượng đầu tiên của LHQ – Tướng Kristin Lund. Năm 1999, lần đầu tiên Na Uy có nữ Bộ trưởng Quốc phòng và kể từ đó tới nay đã có thêm một số nữ Bộ trưởng Quốc phòng khác.
Năm 2015, Na Uy đã đưa vào áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc cho cả nam và nữ. Lý do là quân đội cũng cần phải có cơ hội tuyển dụng được những ứng viên có khả năng nhất. Chúng tôi không thể loại trừ một nửa xã hội khỏi quy trình tuyển dụng này.
Thực tế rất đáng khích lệ, nhưng con đường dẫn tới những thành tựu này không dễ dàng và nhanh chóng. Chẳng hạn, việc sửa đổi hiến pháp để trao quyền bầu cử cho phụ nữ được đặt ra lần đầu năm 1886, nhưng mãi 27 năm sau, phụ nữ Na Uy mới có quyền bỏ phiếu. Ngoài ra, chúng tôi vẫn còn nhiều việc phải làm để đảm bảo hơn nữa cân bằng giới trong nhiều vị trí việc làm, kể cả trong quân đội và cảnh sát, trong đội ngũ quản lý doanh nghiệp và các vị trí lãnh đạo cấp cao.
Na Uy cũng đã và đang tham gia tích cực vào hoạt động GGHB của LHQ. Nữ chỉ huy lực lượng GGHB đầu tiên của LHQ, Tướng Kristin Lund, là người Na Uy. Trong khi đó, Việt Nam cũng chú trọng thúc đẩy phụ nữ tham gia hoạt động này, Đại sứ có chia sẻ gì?
Trước tiên, tôi xin chúc mừng Việt Nam vì những đóng góp của các bạn vào hoạt động GGHB của LHQ tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi. Điều này khẳng định một lần nữa cam kết và trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.
Na Uy là một trong những thành viên sáng lập của LHQ. Hơn 70 năm qua, Na Uy luôn ủng hộ mạnh mẽ một LHQ hùng mạnh, hiệu quả và một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ mà LHQ là nòng cốt. Là một đối tác nhất quán, Na Uy là quốc gia đóng góp lớn thứ bảy trong hệ thống của LHQ - và là một trong số rất ít các nước dành 1% Tổng thu nhập quốc dân của mình cho mục tiêu phát triển. Với số dân khiêm tốn (trên 5,3 triệu người), nhưng đã có hơn 40.000 người Na Uy phục vụ trong các lực lượng GGHB của LHQ kể từ năm 1949 tới nay, kể cả ở các phái bộ Nam Sudan, Trung Đông và Mali hiện nay.
Giống như Việt Nam, Na Uy nhận thấy nhiều lợi ích của việc phụ nữ tham gia hoạt động GGHB. Từ những hoạt động giám sát quân sự ban đầu, GGHB đã phát triển thành những hoạt động phức tạp hơn với các thành tố xây dựng hòa bình rất có ý nghĩa. Thường dân luôn là mục tiêu của các cuộc xung đột hiện đại, trong đó bạo lực tình dục và bạo lực giới được sử dụng như một chiến lược chiến tranh hoặc khủng bố.
Sự tham gia của phụ nữ góp phần hiện thực hóa góc độ giới trong hoạt động GGHB. Trong một số tình huống, phụ nữ sẽ dễ tiếp cận và giao tiếp tốt hơn với người dân địa phương, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, nhờ đó có thể thu thập được những thông tin có giá trị, giúp nắm rõ hơn về tình hình, đưa ra các quyết định tốt hơn, lập kế hoạch, và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Trong mọi lĩnh vực hoạt động GGHB, phụ nữ đã chứng tỏ mình có thể đảm nhận tốt, đạt tiêu chuẩn các vai trò như nam giới và trong cùng điều kiện khó khăn như nhau. Càng nhiều phụ nữ tham gia hoạt động GGHB, thì nền hòa bình đó sẽ càng bao trùm và bền vững hơn.
Càng nhiều phụ nữ tham gia hoạt động GGHB, thì nền hòa bình đó sẽ càng bao trùm và bền vững hơn |
Cách đây đúng 20 năm, HĐBA LHQ ban hành nghị quyết 1325 về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh. Đây được coi là sự thay đổi trong chính sách của LHQ nhằm thu hút nhiều hơn sự tham gia của phụ nữ vào các phái bộ GGHB trên toàn thế giới. Nghị quyết đã khẳng định vai trò của phụ nữ trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột, trong đàm phán, gìn giữ hòa bình, phản ứng nhân đạo và tái thiết sau xung đột; và qua đó nhấn mạnh sự cần thiết phải lồng ghép giới vào các nội dung này, kể cả trong hoạt động GGHB.
Ngày 12/5/2014 là thời điểm có tính bước ngoặt trong nhiều thập kỷ hình thành và phát triển của hoạt động GGHB khi Thiếu tướng Na Uy - Kristin Lund - được bổ nhiệm là Nữ tổng tư lệnh đầu tiên của Phái bộ GGHB ở Cộng hòa Síp.
Bà Kristin Lund năm 2009 được thăng cấp Thiếu tướng và trở thành chỉ huy lực lượng phản ứng nhanh trong quân đội Na Uy - là nữ sĩ quan đầu tiên giữ vị trí này. Năm 2014, bà được Tổng thư ký LHQ cử làm nữ Tổng tư lệnh đầu tiên của lực lượng GGHB gồm 1.000 người ở Cộng hòa Síp, sau đó trở thành nữ Tổng tư lệnh đầu tiên của Tổ chức giám sát thỏa thuận ngừng bắn của LHQ (UNTSO).
Thật vui mừng khi nhận thấy tỷ lệ nữ giới tham gia lực lượng GGHB ngày càng tăng. Năm 1993 – chỉ có 1% sĩ quan là nữ. Năm 2012, số nữ quân nhân chiếm 3% và nữ cảnh sát chiếm 10% lực lượng GGHB. Hiện tại, số phụ nữ làm việc tại các phái bộ GGHB và lượng lượng bảo vệ đặc biệt của LHQ đã chiếm gần 30%. Trong kế hoạch sắp tới, Ban thư ký LHQ và các quốc gia thành viên cùng cam kết tăng thêm số lượng phụ nữ tham gia các lực lượng GGHB ở mọi cấp độ và mọi vị trí.
Đại sứ có đánh giá thế nào về hiệu quả trong công tác triển khai lực lượng GGHB Việt Nam tham gia phái bộ, cũng như nỗ lực của VN nhằm tăng cường sự hiện diện của phụ nữ trong hoạt động GGHB LHQ?
Việt Nam mới tham gia lực lượng GGHB (từ năm 2014) và ngày càng tham gia tích cực. Trên góc độ quốc tế, Việt Nam trao đổi các đoàn đại biểu quân sự cấp cao tới trụ sở LHQ và các phái bộ. Trong khu vực, Việt Nam tham gia các nhóm chuyên gia GGHB của khu vực và hợp tác trong lĩnh vực GGHB kết hợp với hoạt động nhân đạo cùng với các nước trong khu vực. Việt Nam cũng đã triển khai hai bệnh viện cấp 2 tới Nam Sudan.
Sự tham gia của Việt Nam trong lực lượng GGHB đã thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Tháng 6/2018, LHQ đã công nhận trung tâm huấn luyện GGHB của Việt Nam là một trong bốn địa điểm huấn luyện thuộc Chương trình Đối tác ba bên về GGHB của LHQ tại châu Á (gồm Việt Nam, LHQ và một nước đối tác). Điều này chứng tỏ sự ghi nhận của LHQ về cam kết cũng như các kết quả mà Việt Nam đã đạt được trong hoạt động GGHB.
Tôi cũng rất vui mừng nhận thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam đối với các nghị quyết của HĐBA về vai trò của phụ nữ trong mọi giai đoạn của tiến trình hòa bình và trong các hoạt động GGHB.
Nữ quân nhân Việt Nam lên đường sang Nam Sudan |
Tới đây Việt Nam sẽ triển khai lực lượng công binh, cảnh sát tham gia GGHB, Đại sứ có thể chia sẻ những kinh nghiệm nào của Na Uy? Bà nghĩ sao về cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Na Uy trong lĩnh vực này, thưa Đại sứ?
Cảnh sát đóng một vai trò rất quan trọng trong GGHB. Xu hướng gần đây cho thấy tội phạm và xung đột vũ trang có mối liên hệ với nhau. Điều này khiến cho khủng hoảng và xung đột trở nên khó lường hơn. Quân đội và cảnh sát cần hợp tác chặt chẽ để tìm ra các giải pháp xử lý tình huống phù hợp.
Bạo lực tình dục trong xung đột vũ trang bị coi là tội phạm ở cấp độ nghiêm trọng. Nghiên cứu cho thấy hình thức bạo lực này chưa hẳn đã giảm sau khi xung đột kết thúc. Vì thế, cần phải xây dựng các biện pháp phòng ngừa dài hạn. Phải tính tới điều này ở các giai đoạn trước, trong và sau xung đột. Đối với cảnh sát Na Uy, phòng ngừa và xử lý bạo lực tình dục là một phần không thể thiếu trong cách tiếp cận quốc gia. Đây là một phần trong nội dung các chương trình đào tạo cảnh sát của chúng tôi.
Chúng tôi có nhiều kinh nghiệm để chia sẻ với Việt Nam và các nước. Cảnh sát là hợp phần cốt lõi trong các hoạt động này, cho dù là trong hoạt động bảo vệ dân thường hay thông qua nâng cao năng lực cho cảnh sát địa phương qua đó góp phần bảo đảm ngăn chặn, điều tra và truy tố các hành vi lạm dụng và các tội phạm hình sự khác.
Theo tôi, các cơ chế đa phương như lực lượng GGHB của LHQ hay bất cứ sáng kiến nào do LHQ đi đầu cũng đều đem lại cơ hội để các nước thành viên học hỏi lẫn nhau. Na Uy hiện cũng đang ứng cử vào vị trí ủy viên không thường trực của HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2021 - 2022. Chúng tôi hy vọng sẽ có cơ hội được làm việc một năm cùng Việt Nam tại HĐBA. Chúng ta có nhiều mối quan tâm chung và điều đó sẽ đem lại cho chúng ta nhiều cơ hội hơn để hợp tác với nhau trong những vấn đề như phụ nữ, hòa bình và an ninh. Mục đích là vì tương lai chung của chúng ta. Các thách thức toàn cầu đòi hỏi các giải pháp toàn cầu. Chúng ta đã trải nghiệm rất rõ điều này trong giai đoạn Covid-19 vừa qua.
Ngày Quốc tế các lực lượng GGHB là ngày để chúng ta tri ân những người đã tham gia hoạt động GGHB LHQ. Chúng ta tôn vinh tính chuyên nghiệp, sự cống hiến và lòng dũng cảm của họ. Chúng ta cũng tưởng nhớ những người đã hy sinh vì sự nghiệp hòa bình. Hãy cùng nhau nỗ lực vì một tương lai hòa bình chung.
Bảo Đức
Việt Nam cam kết tham gia sâu rộng hơn vào hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ
Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ đánh giá, Việt Nam ngày càng giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ.
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon