Nhiều cuộc ly hôn của các doanh nhân Việt gây ồn ào với khối tài sản phân chia giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, riêng tiền án phí sau khi tòa xử đã lên tới hàng tỷ đồng.
Cuộc ly hôn của vợ chồng “vua cà phê” Trung Nguyên
Vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo gây xôn xao dư luận cả một thời gian dài. Không chỉ gây chú ý với quãng thời gian kéo dài mà những tranh chấp cổ phần tại Trung Nguyên cùng khối tài sản trị giá hàng nghìn tỷ đồng khiến nó trở thành một trong những vụ ly hôn "đắt đỏ" và gây tranh cãi nhất Việt Nam.
Cuối cùng, sau gần 4 năm ồn ào, tòa đã chấp nhận yêu cầu thuận tình ly hôn giữa ông Vũ và bà Thảo. Tòa cũng đưa ra phán xử cuối cùng về việc phân chia tài sản giữa hai người. Theo đó, ông Vũ được hưởng 60% tài sản, được điều hành Trung Nguyên, còn bà Thảo hưởng 40%.
Cuộc ly hôn của vợ chồng “vua cà phê” Trung Nguyên gây ồn ào dư luận. |
Trong tổng tài sản chung hơn 7.500 tỷ đồng (trừ các bất động sản), ông Vũ sẽ được hưởng khoảng 4.500 tỷ đồng và bà Thảo hưởng khoảng 3.000 tỷ đồng.
Về các khối bất động sản sở hữu chung, ông Vũ sẽ sở hữu 6 bất động sản trị giá hơn 350 tỷ đồng còn bà Thảo sở hữu 7 bất động sản trị giá hơn 375 tỷ đồng. Ngoài 13 bất động sản đem ra phân chia tại tòa, bà Thảo còn là chủ sở hữu của 13 bất động sản khác mà hai bên thống nhất không phân chia.
Nếu phán quyết này được thực thi, bà Thảo không còn vai trò cổ đông, người sở hữu và điều hành Trung Nguyên. Thế nhưng với hơn 3.000 tỷ đồng được chia sau ly hôn, bà trở thành một trong những người phụ nữ giàu nhất Việt Nam.
Bên cạnh việc chia tài sản 'khủng', vụ án này còn làm dư luận ngỡ ngàng với mức án phí rất lớn.Theo quy định của pháp luật, bà Thảo phải chịu 300.000 đồng tiền khởi kiện và 3,3 tỷ đồng án phí chia tài sản. Còn ông Vũ phải nộp 4,8 tỷ đồng. Tổng cộng, vợ chồng “vua cà phê” Trung Nguyên phải đóng mức án phí hơn 8 tỷ đồng.
Trước đó, giới nhà giàu Việt Nam cũng có không ít vụ ly hôn “đắt đỏ” và “ồn ào”.
Cuộc ly hôn của con gái ông chủ Tập đoàn Bảo Sơn
Mặc dù có khối tài sản hơn 7.500 tỷ đồng nhưng số tiền này của vợ chồng “vua cà phê” Trung Nguyên chưa phải khối tài sản lớn nhất bị tranh chấp trong một cuộc ly hôn tại Việt Nam.
Thiên đường Bảo Sơn là một trong những tài sản tranh chấp trong vụ ly hôn giữa ông Minh và bà Thủy. |
Vào năm 2011, cuộc ly hôn giữa ông Bùi Đức Minh và bà Nguyễn Thanh Thủy - Phó chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Bảo Sơn (chủ sở hữu Thiên đường Bảo Sơn), là con gái của Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn - cũng được dư luận quan tâm khi khối tài sản tranh chấp lên tới khoảng 500 triệu USD (hơn 10.000 tỷ đồng). Đây được coi là vụ ly hôn có khối tài sản tranh chấp lớn nhất từ trước đến nay.
Theo ông Minh, hai vợ chồng có tài sản chung tại Tập đoàn Bảo Sơn và 7 công ty khác do tập đoàn là chủ sở hữu. Các tài sản này đều được hình thành trong thời kỳ hôn nhân, nhưng phần lớn mang tên bà Thủy.
Nhưng khi vụ việc chưa được giải quyết thì đầu năm 2012 công an Hà Nội đã bất ngờ bắt ông Minh để điều tra về hành vi vu khống...
Vụ ly hôn của Phó Chủ tịch Tập đoàn FPT
Dù không phải là cuộc ly hôn có tranh chấp tài sản lớn nhất nhưng cuộc ly hôn của vợ chồng ông Lê Quang Tiến vào năm 2006 (khi đó là Phó Chủ tịch kiêm Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT) lại là cuộc ly hôn đắt giá nhất trên thị trường chứng khoán Việt.
Cựu Phó Chủ tịch FPT Lê Quang Tiến |
Theo phán quyết của tòa, ông Tiến buộc phải chia đến trên 1,8 triệu cổ phiếu FPT cho vợ là bà Lê Thị Hồng Hải. Năm 2007, 1,8 triệu cổ phiếu FPT ước tính giá trị 1.000 tỷ đồng. Thời điểm đó, ông Tiến sở hữu hơn 3,7 triệu cổ phiếu tại Công ty FPT.
Với trên 1,8 triệu cổ phiếu nhận được, vợ cũ ông Tiến lập tức gia nhập nhóm đại gia nghìn tỷ trên TTCK khi đó.
Cuộc ly hôn của sếp Tập đoàn Năm Sao
Cuộc ly hôn giữa ông Trần Văn Mười - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn quốc tế Năm Sao - và bà Phạm Thị Hương Giang - Phó giám đốc Công ty Cổ phần Giám định Đại Tây Dương - vào năm 2012 cũng là cuộc ly hôn với khối tài sản mang ra tranh chấp trên nghìn tỷ đồng.
Ông Trần Văn Mười, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn quốc tế Năm Sao. |
Khối tài sản chung của cả 2 bị mang ra tranh chấp khi đó được định giá lên tới 2.000 tỷ đồng. Trong đó bao gồm nhiều tài sản lớn như 10 biệt thự ở TP.HCM, Vũng Tàu, Hải Phòng,... Cùng với đó là vốn đầu tư trong nhiều công ty khác nhau như Tập đoàn Quốc tế Năm sao, Công ty CP quốc tế Hòn Đảo Việt, Công ty CP đầu tư đô thị Sam My,...
Trong khi phía bà Giang yêu cầu phải nhận được 50% số tài sản chung này, thì phía ông Mười cho biết hầu hết tài sản trên đều là đi vay mượn, mua bán kiếm lời.
Vụ ly hôn của ông bà chủ Đức Phát Barkery
Năm 2007, vụ ly hôn của ông bà chủ Đức Phát thu hút sự chú ý của dư luận. Đức Phát vốn là thương hiệu có tiếng và lâu đời tại Sài Gòn, được thành lập bởi ông Kao Siêu Lực.
Ông Kao Siêu Lực, người gây dựng thương hiệu bánh Đức Phát Barkery và ABC Barkery. |
Sau khi đồng ý chia đôi mỗi người 10 cửa hàng nhưng thương hiệu Đức Phát thì chỉ có một nên cuối cùng, hai bên thỏa thuận chỉ 1 người giữ thương hiệu và phía nhận phải trả cho phía mất 1 triệu USD. Bà chủ Đức Phát đồng ý trả 1 triệu USD và giữ lại thương hiệu.
Hạnh Nguyên(Tổng hợp)
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon