Kể từ cuộc Chiến tranh Sáu ngày năm 1967 tới nay, tình hình địa chính trị tại Trung Đông được ví như "lò lửa" chưa bao giờ hạ nhiệt.
Khu vực này tiềm ẩn nhiều điểm nóng và Cao nguyên Golan là một trong những điểm nóng có ý nghĩa chiến lược với Israel, Syria, thế giới Arab và cả Mỹ.
Cao nguyên Golan là tâm điểm căng thẳng giữa Israel và Syria. Ảnh: BBC |
Vị trí địa chính trị chiến lược
Cao nguyên Golan rộng 1.800 km2, nằm chủ yếu ở phía Tây Nam Syria thời điểm trước cuộc Chiến tranh Sáu ngày. Về mặt địa lý, cao nguyên chiến lược này nằm kẹp giữa Syria, Israel, Liban và Jordan; kéo dài về phía Đông. Từ năm 1967, tên gọi này được dùng để chỉ một lãnh thổ khoảng 1.200 km2, bao gồm phần phía Tây của cao nguyên, một vùng nhỏ của Thung lũng sông Jordan ở phía Tây Bắc và vùng núi cao ở phía bắc, trải xuống phía Đông Nam từ núi Hermon.
Khu vực này, chỉ cách thủ đô Damascus của Syria 60km, là một vùng trồng nho nổi tiếng và có nguồn dự trữ nước ngầm mang ý nghĩa quan trọng tại một khu vực khô cằn của thế giới. Ngày nay, có khoảng 40.000 người sinh sống tại Cao nguyên Golan, trong đó một nửa là những người Arab Druze coi mình là người gốc Syria và một nửa là những người định cư Do Thái được Chính phủ Israel đưa tới đây tái định cư sau khi chiếm đóng.
Vị trí chiến lược về địa chính trị-quân sự và nguồn cung cấp nước vô giá đối với cả Syria và Israel đã biến Cao nguyên Golan trở nên quý giá và là điểm nóng giữa “lò lửa Trung Đông”. Từ cao nguyên Golan, bằng mắt thường người ta cũng có thể dễ dàng nhìn thấy mọi động thái của đối phương. Israel - Nhà nước Do Thái duy nhất trên thế giới và có một lịch sử đối đầu khốc liệt với các nước Arab láng giềng – vì thế bao năm qua quyết giữ Golan bất chấp sự phản đối của quốc tế.
Bản đồ vị trí chiến lược của Cao nguyên Golan. Ảnh: Bloomberg |
Nguồn gốc căng thẳng giữa Israel và Syria
Sau cuộc Chiến tranh Trung Đông 6 ngày năm 1967, Israel đã chiếm đóng khoảng 2/3 diện tích cao nguyên này. Năm 1981, Israel sáp nhập vùng chiếm đóng trên Cao nguyên Golan vào lãnh thổ của mình, động thái này không được cộng đồng quốc tế công nhận và bị chỉ trích. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) từng gọi đây là "hành động không thể chấp nhận được".
Tháng 7/1949, Israel và Syria kí Hiệp định đình chiến nhưng thỉnh thoảng tại biên giới giữa hai nước vẫn xảy ra chiến sự. Sau khi Nghị quyết 242 được HĐBA thông qua tháng 11/1967, trong đó kêu gọi Israel rút quân đội ra khỏi khu vực chiếm đóng, phía Israel vẫn tiếp tục chiếm giữ tại đây.
Tháng 10/1973, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Hafez al-Assad, Syria liên kết với Ai Cập trong cuộc chiến tranh bất ngờ chống lại Israel. Dưới sự hẫu thuận của Mỹ, Israel đã đẩy lùi liên quân Syria-Ai Cập. Quân Israel còn vượt qua Cao nguyên Golan, tiến sâu vào lãnh thổ Syria và chỉ còn cách thủ đô Damacus gần 30 km. Đến tháng 5/1974, Israel và Syria đạt được thỏa thuận rút quân thông qua sự dàn xếp của Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, theo đó Israel và Syria đồng ý trở lại vị trí đóng quân như trước vụ tấn công.
Tháng 12/1981, Quốc hội Israel đã tiến thêm một bước nữa bằng việc bắt đầu áp dụng luật pháp của mình tại Cao nguyên Golan. Hy vọng giải quyết hòa bình cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Israel và Syria sáng lên hy vọng vào năm 1999, khi Thủ tướng Ehud Barak lên cầm quyền và cam kết xúc tiến hơn nữa vấn đề hòa bình với Syria. Tuy nhiên, hy vọng tắt dần sau khi xảy ra chiến dịch tấn công qui mô lớn của quân đội Israel vào Dải Gaza cuối tháng 12/2008.
Song song với các nỗ lực từ hai nước, Liên hợp quốc và Mỹ cũng nhiều lần tìm cách làm trung gian cho một thỏa thuận khu vực “đổi đất lấy hòa bình” liên quan đến cao nguyên Golan song đều bất thành.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh công nhận chủ quyền của Israel ở Cao nguyên Golan nhân chuyến thăm của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: Haaretz |
Cuộc phiêu lưu ngoại giao mới của Mỹ ở Trung Đông
Theo hãng tin Bloomberg, chiến lược “Đại Trung Đông” được các đời tổng thống Mỹ theo đuổi trong nhiều thập kỷ tại khu vực này. Washington đã can dự vào rất nhiều điểm nóng ở Trung Đông, từ xung đột giữa Israel và Palestine, chiến tranh Iraq, Afghanistan cho tới cuộc nội chiến đang đi tới hồi kết ở Syria. Tuy nhiên, dù ủng hộ mạnh mẽ Tel Aviv, song mấy chục năm qua chưa có tổng thống Mỹ nào chính thức công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan.
Chính vì thế, động thái ngày 25/3 vừa qua của Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh về việc Washington "công nhận một cách đầy đủ" chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan đã khiến Syria, thế giới Arab và cộng đồng quốc tế bất ngờ. Đây được xem là một bước đi sẽ gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ khiến tình hình tại khu vực Trung Đông diễn biến căng thẳng hơn.
Động thái trên của Tổng thống Trump đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối của nhiều quốc gia trên thế giới như Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Iran, Liên minh châu Âu (EU)… Trong bối cảnh đó, HĐBA đã tiến hành họp khẩn vào ngày 27/3. Tại cuộc họp, các nước ủy viên HĐBA đều cho rằng quyết định trên của Washington đã trực tiếp vi phạm hai Nghị quyết 242 và 497 của HĐBA.
Quân đội Israel tăng cường hiện diện quân sự tại Cao nguyên Golan. Ảnh: Middle East Monitor |
Giới quan sát nhận định, việc thừa nhận Cao nguyên Golan thuộc quyền kiểm soát của Israel là một “quả bom ngoại giao” mà Mỹ thả xuống nhằm tìm cách vẽ lại bản đồ Trung Đông. Năm 2018, Tổng thống Trump cũng có một quyết định gây nhiều tranh cãi khi khu vực Jerusalem bị chiếm đóng là thủ đô của Israel, đồng thời chuyển Đại sứ quán Mỹ về thành phố linh thiêng mà người Palestine muốn là thủ đô của họ trong tương lai.
Theo các nhà phân tích, bước đi này của ông chủ Nhà Trắng sẽ tác động tới toàn bộ khu vực Trung Đông và có thể ảnh hưởng tới cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine vốn bế tắc lâu nay.
Sắc lệnh mà Tổng thống Trump ký liên quan tới qui chế của Cao nguyên Golan cũng được coi là một “món quà chính trị” dành cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, đồng minh quan trọng nhất của Washington tại Trung Đông, trước thềm cuộc bầu cử tại Israel vào ngày 9/4 tới.
Theo Báo Tin tức
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon