Bạo lực học đường: Đốt tóc, cưỡng hiếp và đánh đập dã man

Những vụ tấn công gây chấn thương thật sự khi các học sinh gây hấn là vấn đề nhức nhối của giáo dục các nước trên thế giới.

Trong thống kê về bạo lực học đường dành cho học sinh châu Á do Trung tâm nghiên cứu quốc tế về phụ nữ cho thấy khoảng 70% số học sinh chịu cảnh bị bạo lực. Sina cho hay nhiều học sinh bị đánh đập, bắt nạt rơi vào trạng thái sợ đến trường. Nhưng không phải trường hợp nào các cháu cũng dám kể với cha mẹ.

“Những tội ác như phim kinh dị”

Báo Bưu điện Hoa Nam cho hay cuối năm 2018, một phiên tòa diễn ra gây bức xúc trong dư luận Hong Kong.

Hai bé gái Hong Kong, 12 tuổi và 15 tuổi, là bị cáo sau vụ tấn công một bạn nữ cùng trường 14 tuổi.

Tòa án vị thành niên ở Tuen Mun cho biết đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng.

Mâu thuẫn giữa hai nhóm được xuất phát từ vài bài chia sẻ trên mạng xã hội Instagram. Hai cô gái cho rằng nạn nhân có ý nói xấu mình. Sự việc căng thẳng hơn khi nữ sinh 15 tuổi và nữ sinh 14 tuổi cùng thích một bạn trai trong trường.

Vì tức giận, nữ sinh 15 tuổi đã rủ thêm bạn học 12 tuổi và vài nam sinh trong lớp đánh hội đồng bạn học.

Trong phiên tòa, hai nữ sinh chưa đủ tuổi thành niên khai đã đánh bạn bằng chân ghế gỗ, đốt tóc, cởi áo ngực, nhổ nước bọt vào mặt bạn.

Bạo lực học đường: Đốt tóc, cưỡng hiếp và đánh đập dã man
Vụ việc các nữ sinh đánh bạn bị toà xử

Tại tòa án, hai bị cáo đều thừa nhận hành vi xảy ra vì sự nóng giận nhất thời. Cả hai cùng khóc với lý do “không ngờ mọi chuyện đi xa thế”.

Họ bị tạm giam dù chưa đủ tuổi thành niên. Nạn nhân là bạn học phải nhập viện trong tình trạng cấp cứu với nhiều vết thương ở đầu, tay chân và tâm lý.

“Không thể hiểu làm cách nào các bé gái lại có thể tàn nhẫn với bạn như vậy. Họ hành động như phim kinh dị”, chuyên gia tâm lý ở Hong Kong Kelly Shui nói.

Ai cũng hiểu nếu hai bị cáo là những người trưởng thành, bản án dành cho họ sẽ rất nghiêm khắc.

Nam Phi cũng từng đau đầu vì bạo lực học đường.

Ba nữ sinh trung học trường Righttius thuộc thủ đô Pretoria lao vào đánh tới tấp bạn học. Họ đè đầu nạn nhân xuống đất và đánh liên tục.

Daily Mail cho hay sự tranh cãi ở vụ việc này là người bạn bị cả nhóm đánh túi bụi trong khi người bạn đi cùng né tránh như không biết chuyện, một người khác hồn nhiên quay video.

Các cô học sinh này đều ở tuổi 13, 14. Từ clip, người xem rùng mình vì những tiếng khóc và van nài. Trong khi các cô học sinh này lại bình thản, hả hê vì điều đó. Vụ việc khiến nhiều cư dân mạng lắc đầu khi nhớ tới trận đuổi chém tại một trường học ở Nam Phi. Những học sinh chung màu áo đồng phục lao vào đuổi đánh, cầm theo vũ khí như dao dài.

Vụ việc xảy ra tại trường Tlakale Mashashane làng Takalane. Ít nhất đã có một học sinh bị thương nặng sau vụ xô xát. Nhưng nhà trường lại từ chối đưa ra bình luận. Cư dân mạng đặt câu hỏi về sự vô kỷ luật tại các trường học bên cạnh hành xử giữa những học sinh cùng trường.

Rõ ràng, việc học sinh mang vũ khí đến trường luôn bị cấm ở Nam Phi.

Khi những “đứa trẻ” giết người, cưỡng hiếp

“Trẻ con đùa nhau là chuyện thường” cũng là suy nghĩ của không ít bậc phụ huynh và giáo viên trong trường.

Thực tế, chỉ khi sự việc đi quá xa, họ mới bần thần về hậu quả. Năm 2018, một học sinh 17 tuổi ở Katlehong bị bắt vì hành vi giết người. Nạn nhân là học sinh cùng trường. Hung thủ còn cố gắng đâm 5 học sinh khác cho đến khi bị cảnh sát bắt giữ.

Cảnh sát ở Đông Cape, Nam Phi phải huy động lực lượng đông để dập tắt vụ bạo loạn tại trường trung học Ndaliso khi hàng trăm học sinh nổi giận vì bị điểm kém sau kỳ thi.

Khu vực văn phòng trường bị đốt cháy. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nam Phi Angie Motshekga đưa lời kêu gọi các cơ quan chức năng, các trường hợp cần phải phối hợp để dập tắt nạn bạo lực học đường ở quốc gia này.

Còn ở Trung Quốc, cơ quan cảnh sát Cam Túc vừa phát lệnh điều tra vụ việc một bé gái bị bạn học cưỡng hiếp.

Nghi phạm là bé trai 13 tuổi.

“Đây là hệ quả của quá trình coi thường những trò tấn công của trẻ vị thành niên. Trẻ vị thành niên manh động và thiếu suy nghĩ, hành động rất khó kiểm soát vì thế cần sự giáo dục nghiêm khắc ngay từ nhỏ”, SCMP đánh giá.

QQ cho rằng bạo lực tại học đường không phải là vấn đề của riêng các quốc gia đang phát triển, mà là vấn đề toàn cầu.

Sự thiếu quan tâm sâu sát từ cơ quan chức năng vô tình tạo điều kiện cho những đứa trẻ ngỗ nghịch trở thành thủ phạm.

Tháng 2/2018, tay súng 19 tuổi của trường trung học Florida đã xả súng vào học sinh, giết chết 17 người và hơn 10 người khác bị thương. Hung thủ, Nikolas Cruz, luôn bức xúc khi bị đuổi học ở trường này.

Nhà giáo trường tiểu học ở Chiết Giang cho rằng bạo lực học đường nên được hiểu rộng hơn bao gồm cả tinh thần và thể chất. Ngay cả những tin nhắn tình cảm cũng nên bị xếp vào bạo lực học đường. Ở đó, các thầy cô, nhà trường và cha mẹ sẽ là người đóng vai trò can ngăn, đưa các con vào quỹ đạo. Sự lắng nghe và sát sao là điều cần thiết để ngăn chặn nạn bạo lực học đường.

Hà Thanh

Previous
Next Post »
Thanks for your comment