Chấm dứt Đặng Văn Thành, mất hút Trầm Bê, Dương Công Minh lộ diện

Cuối cùng cuộc chiến quyền lực kéo dài hơn 5 năm tại Sacombank đã hạ màn với sự xuất hiện của một nhân vật hoàn toàn mới: Dương Công Minh. Tuy nhiên, khó khăn của Sacombank vẫn còn rất lớn và cuộc chiến thực sự vẫn còn ở phía trước.

Đại gia kín tiếng lộ diện

Sau nhiều lần tổ chức đại hội cổ đông bất thành với hàng loạt tin đồn về nhân sự, về phân chia quyền lực,... cũng như nhiều ứng viên sáng giá xuất hiện, sáng 30/6, ông Dương Công Minh đã chính thức được bầu làm chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (STB).

Đây là một ngân hàng từng đứng đầu trong khối các ngân hàng thương mại cổ phần, dưới thời ông Đặng Văn Thành làm chủ tịch HĐQT. Ông Thành - người sáng lập lên Sacombank - đã sớm rút lui khỏi “cuộc chiến” và quay về với nông nghiệp, trồng chè, dạy học. Tuy nhiên, cú thâu tóm lịch sử với một nhóm cổ đông giấu mặt bắt đầu từ năm 2011 đã thay đổi lịch sử của ngân hàng này.

Dương Công Minh, LienVietPostBank, Him Lam, Nguyễn Đức Hưởng, Sacombank, Đặng Văn Thành, cổ phiếu ngân hàng, Trầm Bê
Ông Dương Công Minh.

Đại gia giấu mặt sau đó lộ diện chính là ông Trầm Bê, khi đó là ông chủ của Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank). Sự ra mắt hoành tráng của ông Trầm Bê, kèm theo đó là cú sáp nhập SouthernBank vào Sacombank đã khiến ngân hàng Sacombank sau sáp nhập càng phức tạp hơn.

Hàng chục ngàn tỷ đồng nợ xấu đã trở thành gánh nặng chung, và câu chuyện tái cơ cấu Sacombank trở nên rối rắm hơn bao giờ hết, nhất là trong bối cảnh các cơ chế xử lý nợ xấu chưa được khởi thông, tài sản đảm bảo khó có thể xử lý để thu hồi tiền cho vay về cho ngân hàng.

Tuy nhiên, cuộc thâu tóm Sacombank trong 3 năm của ông Trầm Bê (từ tay ông Đặng Văn Thành) đã không kết thúc đơn giản như vậy.

Đại diện nhóm thâu tóm, ông Trầm Bê - tưởng chừng là người thắng cuộc sau khi sáp nhập thành công SouthernBank vào Sacombank - cũng đã lặng lẽ rút khỏi cuộc chơi và từ bỏ hết cổ phần tại ngân hàng sau sáp nhập vì khối nợ SouthernBank để lại quá lớn.

Dương Công Minh, LienVietPostBank, Him Lam, Nguyễn Đức Hưởng, Sacombank, Đặng Văn Thành, cổ phiếu ngân hàng, Trầm Bê
Khúc ngoặt 2011: Ông Đặng Văn Thành và Trầm Bê.

Sau khi Trầm Bê thoái lui, Lê Hùng Dũng nghỉ, sóng ngầm tại Sacombank vẫn chưa dứt. Sacombank liên tục không tổ chức được đại hội cổ đông và tìm được một vị thuyền trưởng ưng ý.

Mùa đại hội cổ đông ngân hàng 2017 chứng kiến một màn rượt đuổi ngoạn mục với sự xuất hiện trở lại của ông Đặng Văn Thành, sự xuất hiện của Novaland rồi ông Nguyễn Đức Hưởng từ LienVietPostBank cũng đã từ bỏ NH này để có mặt trong danh sách ứng cử viên ghế nóng tại Sacombank.

Mặc dù vậy, cán cân đã không nghiêng về nhân vật nào cho đến khi ông Hưởng rút lui và thay vào đó là sự xuất hiện bất ngờ của Dương Công Minh, ông chủ tập đoàn Him Lam và cũng là cổ đông lớn nhất của LienVietPostBank.

Thách thức phía trước

Cuối cùng cuộc chiến quyền lực kéo dài nhiều năm đã chấm dứt, Sacombank đã có chủ tịch mới. Có người ủng hộ ông Minh, có người băn khoăn. Nhưng theo lời ông Nguyễn Đức Hưởng thì ông Minh được xem là người phù hợp để cùng với các nhân vật kỳ cựu trước đó tái cơ cấu Sacombank. Ông Minh là người có tỷ lệ phiếu bầu cao, vượt trội các ứng cử viên khác.

Dương Công Minh, LienVietPostBank, Him Lam, Nguyễn Đức Hưởng, Sacombank, Đặng Văn Thành, cổ phiếu ngân hàng, Trầm Bê
Kỳ vọng của giới đầu tư vào Sacombank rất lớn.

Lý do, theo ông Hưởng, bởi ông Dương Công Minh là người có nghề ngân hàng (cựu chủ tịch LienVietPostBank), có nghề bất động sản (Him Lam) và có tiền tươi và đủ tư cách pháp lý. Nhiều người kỳ vọng, ông Minh - với tiềm lực tài chính mạnh mẽ và khả năng khai thác được BĐS thế chấp tại STB - có thể giúp STB hồi phục nhanh chóng.

Ngay tại đại hội, ông Minh cũng cho biết, sẽ cố gắng rút ngắn thời gian tái cơ cấu Sacombank, xong trong 3 năm thay vì 10 năm như đề án. Mặc dù vậy, khó khăn tại Sacombank vẫn còn lớn với khối nợ xấu khổng lồ, lên tới hơn 6,8% vào cuối 2016.

Cho dù đã dứt bỏ, bán cổ phần tại LienVietPostBank để tập trung vào Sacombank, nhưng ông Minh hay bất kỳ ai khác đều được cho là sẽ gặp vô vàn khó khăn do ngân hàng này đang ở trong giai đoạn đại phẫu sau cú sáp nhập năm 2015.

Về phần mình, ông Minh cho rằng, khó khăn là rất nhiều nhưng hơn 60 ngàn tỷ đồng nợ xấu của Sacombank chủ yếu là bất động sản, nên có tài sản, không sợ mất vốn và sẽ được xử lý nhanh chóng.

Nhiệm vụ trọng tâm được xác đinh là: cấu trúc lại quản trị điều hành ngân hàng, sắp xếp tổ chức về công tác quản trị nhân sự điều hành; thúc đẩy kinh doanh; xử lý tốt nợ xấu; quản trị tốt chi phí từ đó tăng trưởng lợi nhuận.

Theo kế hoạch, năm 2017, Sacombank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 16% so với 2016 lên gần 385 ngàn tỷ đồng. Huy động vốn tăng 20% lên hơn 351 ngàn tỷ đồng, dư nợ cho vay tăng 19% lên 277 ngàn tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 585 tỷ đồng.

Trên thực tế, ngoài khó khăn, ông Minh cũng có nhiều thuận lợi với những nút thắt đang dần được gỡ bỏ tại đề án tái cơ cấu với cơ chế riêng, cùng với chính sách của Nhà nước là Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu vừa được thông qua.

M. Hà

Previous
Next Post »
Thanks for your comment