Điểm chuẩn đại học 2017 cao kỷ lục trong nhiều năm

 - Điểm chuẩn trúng tuyển vào các trường đại học đạt mức cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Các trường "đau đầu" với tiêu chí phụ để chọn thí sinh.

30 điểm vẫn chưa "đỗ đại học"

Từ chiều qua, 30/7, các trường ĐH trên cả bắt đầu công bố điểm chuẩn trúng tuyển năm 2017. Điều dễ nhận thấy là mức điểm chuẩn trúng tuyển vào các trường năm nay đều tăng cao. Nhiều trường tốp trên có mức điểm chuẩn tăng tới 3-4 điểm so với năm trước.

Trường có mức điểm chuẩn cao nhất cho tới thời điểm hiện tại là Học viện An ninh nhân dân. Thậm chí có ngành, để trúng tuyển thí sinh phải đạt điểm lên tới 30,5 -  đó là ngành Ngôn ngữ Anh (tổ hợp D01) với đối tượng thí sinh nữ. Năm ngoái, mức điểm cao nhất của trường này là 29,75 điểm (ngành Điều tra trinh sát - nữ).

Một trường khác cũng thuộc khối trường ngành công an có mức điểm chuẩn trên 30 điểm là Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy. Điểm chuẩn trúng tuyển đối với đối tượng thí sinh nữ phía Bắc lên tới 30,25 điểm. Năm 2015-2016, mức điểm cao nhất của trường này là 27,5.

điểm chuẩn 2017,tuyển sinh 2017,thông tin tuyển sinh 2017,Điểm chuẩn đại học
Điểm chuẩn các trường công an đạt mức kỷ lục năm nay với mức điểm trên 30 điểm. Nhiều thí sinh 30 điểm không đỗ vào trường công an.

Trong thông báo điểm của trường có nêu rõ, có 4 thí sinh đạt cùng mức điểm 30,25 và trường này chỉ lấy 3 thí sinh dựa trên tiêu chí phụ là tổng điểm 3 môn chưa làm tròn từ 28,35 điểm. Điều này có nghĩa, một thí sinh đạt 30,25 điểm đã không trúng tuyển vào trường mà em yêu thích.

Các trường thuộc khối quân đội năm nay cũng có mức điểm cao kỷ lục, nhiều trường, ngành lấy điểm chuẩn là 30 điểm.

Cụ thể, tại Học viện Kỹ thuật quân sự, điểm trúng tuyển đối với thí sinh nữ miền Bắc cả 2 tổ hợp A00 (Toán, Lí, Hóa) và A01 (Toán, Lí, Anh) là 30 điểm.

Với Học viện Quân y, điểm trúng tuyển với thí sinh nữ miền Nam (tổ hợp A00) và thí sinh nữ miền Bắc (tổ hợp B00) đều là 30 điểm.

Mức điểm cao nhất lên tới 30 điểm của các trường quân đội tăng tới 1,25 điểm so với mức điểm chuẩn cao nhất năm 2016. Năm 2016, mức điểm cao nhất của khối các trường quân đội là 28,75 điểm của Học viện Quân y.

Khối các trường y dược cũng có mức điểm tăng cao so với các năm trước. Tại ĐH Y Hà Nội, mức điểm ngành cao nhất năm nay là ngành Y đa khoa có mức điểm trúng tuyển lên tới 29,25. Đây là mức điểm cao nhất trong nhiều năm qua của Trường ĐH Y Hà Nội.

Các trường y dược khác cũng có mức điểm dâng cao hơn so với mức điểm năm ngoái 2-3 điểm. Khoa Y - ĐHQG TP.HCM có điểm chuẩn cao nhất vào ngành Y đa khoa là 28,25 điểm (tăng 2,75 điểm) so với 2016. Điểm chuẩn Khoa Y - ĐHQG Hà Nội cũng có mức điểm lên tới 27,25 điểm.

Đối với nhóm các trường kinh tế, mức điểm cũng tăng 2-3 điểm so với năm ngoái.

Trường ĐH Kinh tế quốc dân có mức điểm chuẩn cao nhất là 27 điểm, mức điểm cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Có ngành tăng tới 5,57 điểm so với năm 2016 (ngành Ngôn ngữ Anh, tiếng Anh nhân hệ số 2).

Trường ĐH Ngoại thương cũng ghi nhận mức điểm trúng tuyển kỷ lục với ngành cao nhất là 28,25, tăng gần 2 điểm so với mức điểm cao nhất của năm 2015 và 2016.

Các trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng có mức điểm cao nhất lên tới 28,25 điểm (ngành Công nghệ thông tin). Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội có mức điểm chuẩn cao nhất lên tới 28,5 điểm (ngành Đông phương học).

Đau đầu với tiêu chí phụ

Mức điểm của thí sinh cao khiến các trường đều phải tính đến tiêu chí phụ để "lọc" bớt thí sinh, đảm bảo tuyển đúng chỉ tiêu đã đăng ký. 

Hầu hết các trường, đặc biệt là các trường giữa và tốp trên đều sử dụng tiêu chí phụ. Có trường sử dụng tới 4 tiêu chí phụ khác nhau.

Trường ĐH Y Hà Nội năm ngoái chỉ sử dụng 1 tiêu chí phụ duy nhất là điểm thi môn Sinh học. Tuy nhiên, năm nay trường sử dụng tới 4 tiêu chí phụ khác nhau.

điểm chuẩn 2017,tuyển sinh 2017,thông tin tuyển sinh 2017,Điểm chuẩn đại học
Thông báo điểm chuẩn của ĐH Y Hà Nội năm 2017 với 4 tiêu chí phụ khác nhau.

Các tiêu chí phụ bao gồm: 1. Điểm xét tuyển chưa làm tròn đến 0,25. 2. Điểm Toán. 3. Điểm Sinh, 4. Thứ tự nguyện vọng. Các tiêu chí phụ sẽ được xét lần lượt từ tiêu chí phụ thứ nhất đến tiêu chí phụ thứ 4.

Trường ĐH Ngoại thương cũng phải sử dụng tới 3 tiêu chí phụ gồm: Tổng điểm thực 3 môn chưa làm tròn, Điểm môn Toán và Thứ tự ưu tiên nguyện vọng.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đưa ra 2 tiêu chí phụ là tổng điểm 3 môn thi chưa tính điểm ưu tiên và thứ tự ưu tiên nguyện vọng.

Trường ĐH Kinh tế quốc dân thì đưa ra 2 tiêu chí phụ là tổng điểm Toán và Tiếng Anh và thứ 2 là thứ tự nguyện vọng.

Khối các trường công an do quy định thí sinh chỉ đăng ký ở nguyện vọng 1 nên tiêu chí phụ chủ yếu "lọc" thí sinh bằng tổng điểm 3 môn thi chưa làm tròn và điểm số các môn thi như Toán, Tiếng Anh, Văn (tùy từng ngành, trường).

Trong khi đó, các trường quân đội sử dụng điểm các môn thi chính như Toán, Lý, Sinh làm tiêu chí phụ. Có trường như Học viện Quân y sử dụng tới 3 tiêu chí phụ khác nhau, gồm, điểm Toán, điểm Lý, điểm Hóa.

Điểm chuẩn cao là điều đã được dự đoán trước

Nhận định về mức điểm chuẩn vào các trường năm nay, PGS. TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, điểm chuẩn các trường đặc biệt là các trường tốp trên năm nay cao là điều đã được dự đoán từ trước.

Nguyên nhân là do với các thức xét tuyển năm nay, thí sinh có quyền đăng ký không giới hạn nguyện vọng do đó, thí sinh sẽ có xu hướng đăng ký vào những trường, ngành hot, đang là lựa chọn của nhiều người.

Theo đó, mức độ tập trung các thí sinh ở mức điểm cao vào cùng một ngành, trường là khá lớn. Vì vậy, các trường tốp trên sẽ phải đặt ra nhiều "rào cản kỹ thuật" là các tiêu chí phụ để chọn thí sinh.

điểm chuẩn 2017,tuyển sinh 2017,thông tin tuyển sinh 2017,Điểm chuẩn đại học
Mức điểm chuẩn cao là điều đã được dự đoán trước.

Chia sẻ quan điểm này, TS Phạm Thu Hương, Trưởng phòng Đào tạo của Trường ĐH Ngoại thương cũng cho rằng, mức điểm của trường ĐH Ngoại thương và các trường tốp trên nói chung năm nay cao vì 2 nguyên nhân: Số lượng thí sinh đăng ký vào trường đông và mặt bằng điểm năm nay cao.

"Số lượng thí sinh đăng ký vào trường Ngoại thương năm nay lên tới 20.000, tăng gấp đôi so với năm ngoái. Điều này nguyên nhân là do năm nay thí sinh có quyền đăng ký không giới hạn nguyện vọng".

Bà Hương cũng giải thích, việc các trường tốp trên phải đặt ra nhiều tiêu chí phụ còn là do năm nay quy định của Bộ là làm tròn điểm đến 0,25 điểm. Do đó, thí sinh có điểm 26,9 với thí sinh 27,1 là ở cùng một mức điểm. Do vậy, ở trường ĐH Ngoại thương và nhiều trường khác, tổng điểm 3 môn chưa làm tròn trở thành tiêu chí phụ quan trọng nhất.

Nhận định về kết quả xét tuyển năm nay, ông Triệu cho rằng, các trường tốp trên sẽ chọn được những thí sinh tốt nhất trong khi đó, các trường tốp giữa sẽ thuận lợi hơn trong việc tuyển sinh.

Ông Triệu giải thích, với số thí sinh điểm cao đăng ký tập trung vào các ngành, trường hot, các trường tốp trên sẽ có được những thí sinh điểm cao nhất. Trong khi đó, khoảng điểm từ 17-22 điểm lại khá thoải mái để các trường tốp giữa có thể nâng lên đặt xuống.

Trong khi đó, ông Trần Khắc Thạc, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Thủy lợi cho rằng, cách xét tuyển như năm nay các trường tốp giữa sẽ không khó khăn trong việc xét tuyển vì thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng, có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn. Tuy nhiên, ông Thạc cho rằng, các trường tốp giữa sẽ khó có được những thí sinh có điểm cao vượt trội.

Lê Văn

9,5 điểm/môn khối C vẫn trượt ngành luật

Chia sẻ với báo Zing, một thí sinh ở Hà Nội đạt 29,15 điểm cho biết, điều khiến em “không phục” hơn cả là việc “điểm thật” (không làm tròn, không có điểm ưu tiên) của mình dù cao hơn một số thí sinh nhưng vẫn trượt, trong khi những thí sinh đạt 25,75 điểm, được cộng thêm 3,5 điểm ưu tiên thành 29,25 điểm lại đỗ vào ngành Y Đa khoa của Trường ĐH Y Hà Nội.

Nam sinh này cũng đưa ra một ví dụ khác mà em cho là không công bằng với những thí sinh không được cộng điểm ưu tiên. Ví dụ như ở một số trường quân đội, điểm trúng tuyển của thí sinh nữ là 30,25 điểm thì giả sử có đạt điểm tuyệt đối 30 điểm mà không có điểm ưu tiên thì thí sinh vẫn trượt.

Nếu như trường hợp 28-29 điểm vẫn trượt thường xảy ra với thí sinh đăng ký tổ hợp các môn khoa học tự nhiên, thì năm nay một trường hợp khác xảy ra với thí sinh đăng ký tổ hợp khối C.

Năm nay, điểm trúng tuyển khối C của khoa Luật Kinh tế, ĐH Luật Hà Nội là 28,75 điểm. Trong khi, cũng ngành này, điểm chuẩn các khối A, A1, D1 dao động từ 25,75-27 điểm.

Làm phép tính đơn giản, nếu như thí sinh không có điểm cộng ưu tiên, thì phải đạt 9.583/môn mới đỗ vào khoa này. Nếu thí sinh chỉ đạt 9 - 9,5 điểm/môn thì vẫn bị trượt.

Những năm gần đây, với các thí sinh theo học khối C thì Luật Kinh tế của ĐH Luật Hà Nội nói riêng và của các trường đại học khác nói chung có vẻ là một ngành khá hấp dẫn. Điển hình như năm 2016, điểm chuẩn khối C kh là 28 điểm; năm 2015 là 27,5. Và năm nay, điểm chuẩn cao vọt ở mức 28,75.

Bên cạnh ý kiến cho rằng chất lượng thí sinh năm nay cao hơn, thì nhiều ý kiến cho rằng lý do điểm chuẩn cao vọt là vì đề thi khối C năm nay khá dễ, đặc biệt là môn Lịch sử và Địa lý lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Nếu với hình thức thi viết, đạt 8 - 9 điểm/môn đã là kỳ tích, thì với hình thức trắc nghiệm, không ít thí sinh có thể đạt đến điểm tuyệt đối.

Nguyễn Thảo - Lan Ngọc
Previous
Next Post »
Thanks for your comment