Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đề xuất bổ sung tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất; cao nhất bằng 8 lần mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố.
Đây là cơ sở quy định căn cứ đóng BHXH đối với những đối tượng không hưởng tiền lương (chủ hộ kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương...). Đây cũng là căn cứ để xác định trách nhiệm tham gia đối với đối tượng người lao động làm việc không trọn thời gian.
Về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc đối với khu vực ngoài nhà nước cơ bản kế thừa quy định hiện hành, song quy định chi tiết hơn. Cụ thể, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương.
Trên cơ sở đó, Chính phủ quy định chi tiết nhằm xác định cụ thể các khoản phải đóng, khoản không phải đóng BHXH bắt buộc. Việc xác định tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH đối với trường hợp thỏa thuận trả lương theo giờ, ngày, tuần và theo sản phẩm, khoán.
Đóng BHXH theo 70 - 80% thu nhập là phù hợp
Về vấn đề tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, trong cơ cấu thu nhập hàng tháng của người lao động có phần cố định và biến động. Do vậy, nếu đóng trên tổng thu nhập, mỗi tháng, mức thu nhập khác nhau rất khó để có cơ sở giải quyết chế độ.
Do vậy, theo ông Huân, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH lấy phần đóng ổn định gồm lương và một số khoản phụ cấp mang tính chất ổn định hàng tháng là phù hợp. Thực tế hiện nay, mức đóng bằng 70-80% thu nhập của người lao động hàng tháng và chưa có gì thay đổi.
Cũng theo ông Huân, tỷ lệ phần trăm đóng BHXH của người lao động và người sử dụng lao động vẫn phải giữ nguyên mức 25% như hiện nay. Có như vậy mới đảm bảo lương hưu của người lao động được cải thiện.
Mức đóng rất quan trọng
Một chuyên gia lao động cho rằng, mức đóng BHXH rất quan trọng với người lao động. Thời gian tham gia BHXH ngắn, mức đóng thấp thì lương hưu của người lao động sẽ rất thấp, nhất là khi giảm thời gian đóng BHXH xuống còn 15 năm được hưởng lương hưu.
Theo vị chuyên gia này, về mặt kỹ thuật, thời gian đóng BHXH có thể giảm xuống 15 năm hoặc 10 năm để hưởng lương hưu, nhưng khi mức đóng BHXH ở nước ta còn chưa cao thì mức lương hưu rất thấp, người lao động sẽ không đủ sống khi về già.
"BHXH vẫn là khoản tích lũy lâu dài cả đời và mức 15 năm tham gia BHXH hưởng lương hưu chỉ là những trường hợp tham gia muộn. Còn về bản chất, muốn có lương hưu cao, đảm bảo cuộc sống khi về già thì mức đóng BHXH phải cao, thời gian tham gia phải đủ dài", vị chuyên gia lao động cho biết.
Mức đóng BHXH bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động. Trong đó, bao gồm mức đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; quỹ ốm đau, thai sản; quỹ tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp.
Mức đóng BHXH bắt buộc năm 2023 vào quỹ hưu trí, quỹ ốm đau, thai sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế với người lao động.
Theo đó, trên cơ sở lương của người lao động, tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc là 32%. Ttrong đó, người lao động đóng 10,5% tiền lương, người sử dụng lao động đóng 21,5% quỹ tiền lương tháng đóng BHXH.
Đối với BHXH hội tự nguyện, mức đóng/tháng là 22% x (mức thu nhập chọn đóng BHXH tự nguyện - mức nhà nước hỗ trợ đóng). Như vậy, người lao động tham gia BHXH tự nguyện phải đóng tỷ lệ 22% mức thu nhập mà người đó chọn đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Ngoài ra, để khuyến khích người lao động tự do tham gia BHXH, nhà nước còn hỗ trợ một phần mức đóng cho những người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon