Học nghề gì để không thất nghiệp?

“Học gì để không thất nghiệp?”, “Học tốt môn Toán nên chọn ngành gì”,… là những băn khoăn của nhiều thí sinh trong quá trình đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học

Chỉ còn 50 ngày nữa là Lê Việt Anh (Trường THPT Nguyễn Văn Cừ, Gia Lâm, Hà Nội) cùng hàng triệu học sinh lớp 12 khác sẽ chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học.

Ban đầu, Việt Anh định lựa chọn ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Tuy nhiên, bố mẹ của cậu lại kịch liệt phản đối vì cho rằng làm ngành dịch vụ sẽ bấp bênh.

“Bố mẹ muốn em theo kinh tế để ổn định. Nhưng em biết có người học xong kinh tế vẫn làm trái ngành vì khó xin việc”.

Thí sinh 'cân não' chọn nghề vì lo thất nghiệp
Nhiều thí sinh vẫn đang loay hoay chọn nghề 

Trong khi đó, Hoàng Huyền Trang (Trường THPT chuyên Thái Bình) cũng đang “mất ăn mất ngủ” để đưa ra quyết định. Có anh họ theo học ngành Thiết kế nội thất của Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp, ngay từ lớp 9, Trang đã được định hướng đi theo con đường này.

“Cả nhà cho rằng như vậy sẽ tốt hơn cho em vì đây là ngành “không lo thiếu việc” và sau khi ra trường sẽ có người dẫn dắt. Vì thích vẽ nên em cũng đi luyện thi”.

Hơn 3 năm kể từ lớp 9, cứ những ngày cuối tuần, Trang lại bắt xe ô tô lên Hà Nội để luyện vẽ. Tuy nhiên, đến đầu năm lớp 12, cô gái 18 tuổi bắt đầu băn khoăn về hướng đi của mình.

Học gì để không thất nghiệp?

Đây là câu hỏi chung của rất nhiều thí sinh. GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Phó ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng: “Ngành nào bây giờ đang nhiều người thất nghiệp nhất thì 4 năm sau sẽ có cơ hội việc làm nhiều hơn”.

Thí sinh 'cân não' chọn nghề vì lo thất nghiệp
“Ngành nào bây giờ đang nhiều người thất nghiệp nhất thì 4 năm sau sẽ có cơ hội việc làm nhiều hơn”

“Chỉ khi nào các em chọn ngành nghề theo sở trường và là ngành mình mong muốn hướng đến nhất thì khi đó các em mới có động lực để cố gắng và khả năng thành công cao hơn”, GS Thảo nói.

Còn ông Đào Trọng Độ, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH), cho biết hiện nay nhu cầu về nguồn nhân lực ở một số ngành đang ở mức cao, ví dụ như ngành dịch vụ khách sạn. Hiện khối quản trị nhà hàng, khách sạn đang rất thiếu nhân lực bậc trung và bậc cao. Mức thu nhập khởi điểm nếu làm ở vị trí quản lý khách sạn 5 sao có thể từ 1.000-2.000 USD/tháng.

Vì vậy, ông Độ cho rằng những thí sinh có mong muốn theo đuổi ngành nghề này có thể yên tâm lựa chọn. 

Một thí sinh khác đặt câu hỏi: “Nếu tương lai robot thay thế con người, ngành nghề nào sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn về cơ hội việc làm của những người trẻ?”.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo khẳng định: “Robot đã, đang và sẽ là một phần của nền công nghiệp 4.0. Không chỉ trong các dây chuyền sản xuất, robot còn có mặt trong rất nhiều lĩnh vực đời sống như ngành chăm sóc sức khỏe, công nghiệp thực phẩm.  Nhưng máy vẫn là máy, không bao giờ thay thế hoàn toàn con người. Yếu tố con người vẫn luôn quan trọng trong mọi thời đại”.

"Cực kỳ có lợi thế" nếu học giỏi Toán

Với sức học tốt, đặc biệt là môn Toán, Lê Viết Hùng (Trường THPT Lê Hồng Phong, Nam Định) có nhiều lựa chọn vào các trường đại học tốp đầu. Tuy nhiên, Hùng được bố mẹ kỳ vọng sẽ đỗ vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân hoặc Trường ĐH Ngoại thương.

“Ở lớp em, quá nửa chọn thi Trường ĐH Kinh tế Quốc dân hoặc Trường ĐH Ngoại thương. Ngoài kinh tế, em không biết chọn ngành gì khác”, Hùng nói.

Có mặt trong ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp diễn ra ngày 21/6, một nữ sinh  băn khoăn: “Em là con gái nhưng rất thích học Toán. Em cũng đã đoạt giải Nhì trong cuộc thi học sinh giỏi quốc gia. Thầy cô có thể cho em lời khuyên nếu học Toán thì nên theo ngành nào và sau này ra trường có thể làm gì?”.

Cho rằng việc học giỏi toán “cực kỳ có lợi thế”, TS Nguyễn Thanh Bình, Phòng Quản lý đào tạo của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, tư vấn: “Hiện nay ở Việt Nam đang có hai nữ giáo sư về Toán học đầu ngành là GS Hoàng Xuân Xính và GS Lê Thị Thanh Nhàn. Nếu yêu thích Toán học, em có thể đi theo con đường nghiên cứu như các giáo sư này.
Ngoài ra, có thể “rẽ ngang” sang chuyên ngành Toán Tin ở một số trường như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Khoa học Tự nhiên...

Đặc biệt, học giỏi Toán cũng có lợi thế nếu học ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo. Đây hiện đang là những ngành nghề mới và rất “hot”. Như vậy, cơ hội việc làm của ngành này cũng rất rộng mở, các em hoàn toàn có thể yên tâm”, TS Bình nói.

Bắt đầu từ ngày 15/6, thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký xét tuyển vào đại học. Hạn đăng ký kết thúc vào ngày 30/6. 

Thúy Nga

Chỉ tiêu và học phí ngành Công nghệ thông tin

Chỉ tiêu và học phí ngành Công nghệ thông tin

Những năm gần đây, ngành công nghệ thông tin luôn có mức điểm chuẩn cao nhất tại nhiều trường ĐH. Hiện mức học phí tối thiểu đối với ngành này là 11,7 triệu đồng/năm.

Previous
Next Post »
Thanks for your comment