Trường chuyên cần phải thay đổi chứ không thể mãi duy trì theo mô hình tổ chức lâu nay.
Ông Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội): Cần xem xét lại hệ thống trường chuyên
Chúng ta hình thành các trường chuyên trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Khi đó, đất nước còn nhiều khó khăn, Nhà nước muốn có trường chuyên để tập trung cho một số học sinh triển vọng về một số môn học và tham gia các kỳ thi quốc tế để giới thiệu hình ảnh Việt Nam với thế giới. Do đó, vai trò của trường chuyên rất quan trọng.
Tuy nhiên, giờ đây đất nước đã đến một giai đoạn phát triển khác. Vì vậy, theo tôi cần xem xét lại hệ thống trường chuyên.
Bởi thực ra, từ trước tới nay hầu hết học sinh vào trường chuyên đều là những em rất giỏi và chăm. Nhưng vấn đề đặt ra là mục tiêu đào tạo chuyên của chúng ta thực sự có đạt được không?
Nếu chỉ tập trung luyện cho học sinh các kỹ thuật thi cử, hay để đạt giải cao các cuộc thi thì không phải là cái đích thật sự của giáo dục.
Tôi nghĩ, mục đích thực sự là cần đào tạo ra những con người có khả năng sáng tạo, phát triển được bản thân cũng như phục vụ cho đất nước, không nên tổ chức mô hình như hiện nay.
Thay vào đó, cần tạo điều kiện để các trường đều có điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên được đồng đều. Những giáo viên được cho là giỏi, nòng cốt nên có sự điều động, luân chuyển để xây dựng mặt bằng chung các trường đều tốt.
Chuyện tập trung đào tạo “thợ đi thi quốc tế” đã không còn hợp thời và các nước phát triển cũng không làm như vậy. Nếu vẫn giữ mô hình trường chuyên, cần thay đổi trong việc tuyển chọn học sinh. Tức là ngoài ưu tiên môn chuyên, cần có một tỉ trọng xứng đáng trong đánh giá khả năng ở các môn, lĩnh vực khác để đảm bảo giáo dục toàn diện.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM: Nên tư nhân hóa trường chuyên.
Thứ nhất, việc duy trì trường chuyên, lớp chọn khiến hàng năm chúng ta tốn kém thêm một kỳ thi nhưng chưa trả lời được về hiệu quả. Hiện nay, ở hệ đại học có những lớp tài năng, nhưng chưa có thống kê những em học trường chuyên, lớp chuyên có học tiếp ở đây không.
Thứ hai, việc dồn học sinh giỏi vào một lớp, một trường làm cho giáo dục thiếu sự cộng sinh. Trong lớp cần có đủ cả học sinh giỏi, khá, trung bình và yếu mới có việc “học thầy không tày học bạn”.
Thứ ba, nhiều trường chuyên lớn hiện nay đã bị biến tướng khi có cả những lớp không chuyên.
Trường chuyên không nên hưởng bao cấp khi chưa trả lời được câu hỏi “sản phẩm đầu ra” làm được gì cho đất nước? Do vậy, nên tư nhân hóa trường chuyên, để phụ huynh nào muốn thì đăng ký. Thậm chí, có thể thực hiện cổ phần hóa cả trường thường để giảm gánh nặng cho xã hội.
TS Phạm Hiệp, Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục Edlab Asia: Mô hình nuôi dưỡng năng khiếu sau khi hết bậc phổ thông còn có điểm phi khoa học.
Cách thức phát hiện năng khiếu ở nước ta hiện nay chủ yếu dựa vào thi cử.
Thường thì học sinh sẽ trải qua một kỳ thi với các môn cơ bản (Toán, Ngữ văn) và môn chuyên. Sau đó, các em đạt điểm cao sẽ được tuyển chọn. Như vậy, em nào trượt rồi thì sẽ rất khó chen ngang để trở thành học sinh chuyên trong các năm sau (trừ khi đợi đến đợt chuyển cấp và thi lại).
Tất nhiên là thế giới cũng có nơi áp dụng mô hình này, nhưng họ cũng có mô hình khác nữa. Trong khi đó, thậm chí có thể nói, mô hình nuôi dưỡng năng khiếu đối với học sinh sau khi hết bậc phổ thông ở nước ta còn có những điểm phi khoa học, vô lý, tiềm ẩn nguy cơ tác động ngược.
Cụ thể, công tác thông tin nghề nghiệp, học tập bậc cao hiện chưa được quan tâm đúng mức. Không có chính sách cấp vĩ mô đủ mạnh để giúp học sinh chuyên nói riêng và học sinh nói chung có cơ hội được trải nghiệm, tiếp xúc với các ngành, nghề phù hợp với năng khiếu cá nhân cũng như các trường đại học có ngành đào tạo tương ứng. Các nỗ lực hiện nay chủ yếu là tự phát và manh mún.
Đồng thời, chính sách tuyển thẳng cho phép học sinh đạt giải quốc gia (chủ yếu là học sinh trường chuyên) có thể đăng ký nhập học bất kỳ chương trình nào ở bậc đại học. Đây là điều phi khoa học và dẫn đến việc nhiều học sinh chọn vào trường chuyên, thi học sinh giỏi không phải là để phát huy năng khiếu của mình mà chỉ để tuyển thẳng đại học. Điều đó thực sự nguy hiểm cho bản thân học sinh cũng như hệ thống đào tạo chuyên.
Hệ thống chuyên ở nước ta hiện nay đang đứng trước bối cảnh rất mới. Từ ngoài vào thì đó là xu thế toàn cầu hóa, sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, cuộc chiến thu hút nhân tài giữa các nước. Từ trong ra thì đó là những yêu cầu mới của nền kinh tế - xã hội, sự xuất hiện ngày càng nhiều của hệ thống trường tư chất lượng cao/trường quốc tế, xu hướng gửi con đi du học ngay ở bậc phổ thông. Gần đây nhất là việc ban hành Chương trình Giáo dục phổ thông mới và việc có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau.
Trong khi đó, cách làm đào chuyên ở nước ta hầu như không thay đổi lớn trong hàng chục năm. Do đó, đã đến lúc cách làm này cần có những điều chỉnh nhất định.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng ban phụ trách Ban nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam: Có nhiều trường chuyên mà không thực là chuyên.
Giáo dục luôn mong muốn bồi dưỡng được tài năng để họ trở thành nhân tài, đóng góp nhiều hơn cho xã hội, đất nước. Vì những lẽ đó, trường chuyên cần được tồn tại, cần được đầu tư đúng nghĩa.
Nhưng làm thế nào để mô hình trường chuyên hoạt động hiệu quả đảm bảo mục đích, sứ mệnh của mình?
Thực tế nhiều trường chuyên còn chưa nhận được sự đầu tư xứng đáng. Sự đầu tư ở đây bao gồm cả chương trình học tập, đội ngũ nhân sự và cơ sở vật chất để hoạt động.
Một thực tế nữa cũng ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của trường chuyên, đó là “tâm lí” của phụ huynh.
Chúng ta không thể phủ nhận “99% của tài năng là do sự lao động chăm chỉ, 1% là năng khiếu bẩm sinh”, nhưng nhớ rằng, sự lao động đó phải được thực hiện trong bối cảnh phù hợp cho 1% kia phát triển. Công thức phát hiện, bồi dưỡng tài năng sai rất nguy hiểm. Điều đó không những ảnh hưởng đến đầu vào của mỗi trường chuyên mà còn ảnh hưởng trực tiếp, rất tiêu cực cho sự phát triển của học sinh.
Do đó, để trường chuyên được phát triển đúng nghĩa thì cần thay đổi cách phát hiện, tuyển chọn đầu vào, đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực xứng tầm, phù hợp với chương trình giáo dục dành cho các học sinh có năng khiếu, có biểu hiện tài năng. Hãy làm thật tốt cho những trường hợp cụ thể hơn là đầu tư dàn trải, có nhiều trường chuyên mà không thực là chuyên.
Thanh Hùng - Lê Huyền
Đề án 2.300 tỷ phát triển trường chuyên có thể 'cán đích'?
Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2020 với mức kinh phí được xác định hơn 2.312 tỷ đồng cùng nhiều kỳ vọng đặt ra đang dần đến giai đoạn cuối. Liệu những mục tiêu mà đề án đặt ra có thành hiện thực?
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon