Bán ve chai lấy tiền nuôi trẻ bị xâm hại

Những ngày đầu, thấy chị Nguyệt xăng xái chạy xe máy xuống nhà dân chở rác về, bà con bảo: “Trời ơi, chủ tịch hội phụ nữ gì mà như bà bán ve chai!”. 

Nghe vậy, chị thoáng chạnh lòng nhưng rồi chỉ cười và nói: “Tụi con sẵn sàng làm bà bán ve chai”.

Từng thực hiện nhiều nhiệm vụ trong suốt 11 năm làm công tác phụ nữ, chị Nguyễn Ánh Nguyệt - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Vĩnh Long luôn đặt mục tiêu: các hoạt động của hội đi vào thực chất thay vì chỉ làm qua loa để báo cáo.

Chia sẻ về mô hình “Ngôi nhà 100 đồng” mà phụ nữ TP. Vĩnh Long đang làm tốt, chị Nguyệt cho biết mô hình được phát triển từ phong trào hạn chế rác thải nhựa do trung ương hội phát động từ năm 2019.

“Các chị em dùng chai nhựa bỏ đi, tái chế thành các chậu cây xanh treo ở văn phòng làm việc, trang trí hội trường, trụ sở UBND phường, xã. Các sản phẩm tự chế được mọi người khen ngợi nhiều”.

Cũng từ mô hình ban đầu này mà chị em phát hiện ra rác thải nhựa trong cộng đồng rất nhiều nhưng bị quăng vứt bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Từ đó, chị Nguyệt bắt đầu phát động phong trào thu gom rác thải nhựa hằng tuần để bán lấy tiền gây quỹ.

'Bà bán ve chai đặc biệt' của những em nhỏ từng bị xâm hại
Mô hình "Ngôi nhà 100 đồng" được thực hiện ở 11 phường trên địa bàn TP. Vĩnh Long.

Mỗi phường trên địa bàn TP. Vĩnh Long được giao cho một “ngôi nhà” chứa rác có bánh xe. Cứ chiều thứ 7 là chị em trong hội phụ nữ phường phân công nhau đẩy xe xuống từng khu dân cư, thu gom rác thải nhựa. Gia đình nào đã tích trữ được nhiều rác mà chưa đến ngày thu gom, chỉ cần gọi điện cho hội phụ nữ, sẽ có người xuống tận nơi lấy rác.

Hội cũng phát động thi đua, chi hội nào thu gom được nhiều rác, bán được nhiều tiền nhất sẽ được khen thưởng.

Ý nghĩa hơn cả là số tiền này sẽ được dùng để hỗ trợ các trẻ em gái có hoàn cảnh đặc biệt.

“Trong năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn thành phố có 6 trường hợp trẻ em gái bị xâm hại. Hoàn cảnh chung của các em là đều không sống cùng bố mẹ. Có em mồ côi, có em bố mẹ đi làm ăn xa, sống cùng ông bà. Chính vì không có sự quan tâm từ bố mẹ nên các em không có khả năng tự vệ và phòng tránh xâm hại”.

Nhận thấy các nạn nhân bị xâm hại đều có đặc điểm chung nên chị cho làm khảo sát trên toàn thành phố, phát hiện 47 trẻ em gái có hoàn cảnh đặc biệt: gia đình nghèo không sống cùng bố mẹ hoặc mồ côi.

Từ đó, sẵn có quỹ rác thải nhựa, chị phát động mỗi phường nhận đỡ đầu ít nhất 1 trẻ em gái có hoàn cảnh đặc biệt bằng hình thức tặng quà, tặng tiền, đóng tiền ăn bán trú, mua bảo hiểm y tế… cho các em.

Ngoài ra, định kỳ hàng tuần, hàng tháng, các chị em hội phụ nữ sẽ phân công nhau đến thăm hỏi, tư vấn cho các em kiến thức tự vệ, tuyên truyền cho gia đình ý thức phòng tránh, cảnh giác nguy cơ các em bị xâm hại.

Đến nay, đã có 21 em được hội phụ nữ phường đỡ đầu nhờ nguồn quỹ từ “Ngôi nhà 100 đồng” cộng với các nguồn xã hội hoá.

'Bà bán ve chai đặc biệt' của những em nhỏ từng bị xâm hại
Một chủ tịch hội phụ nữ phường đi gom rác thải nhựa tại nhà dân.

Chị Nguyệt chia sẻ, thời gian đầu, thấy mô hình hay, hữu ích, chị em rất hăng hái tham gia. Cứ vài ngày, các chị em lại gom được 1 xe tải, nhưng bây giờ lượng rác tái chế gom được có ít đi đôi chút.

“Lượng rác thải ra thì vẫn thế, nhưng có lẽ sau một thời gian các chị em nhận thấy công sức mình bỏ ra nhiều mà thành quả thu về hơi ít - chỉ khoảng 300 nghìn đồng 1 xe tải rác nhựa nên có nản chí”.

Nhưng chị Nguyệt vẫn nói với các hội viên rằng, mục đích cao nhất của mô hình này là hạn chế rác thải nhựa ra môi trường, chứ không phải là kiếm tiền gây quỹ, nên các chị em cố gắng duy trì và thực hiện cho tốt.

Vì thế, việc bảo trợ cho các bé gái hằng tháng, Hội cũng quán triệt không nên phụ thuộc vào nguồn quỹ “Ngôi nhà 100 đồng” bởi vì nguồn thu này có thể không ổn định. “Chúng tôi đi vận động các nhà hảo tâm và được ủng hộ rất nhiệt tình”.

Chia sẻ về những kỷ niệm khi thực hiện mô hình gom rác nhựa, chị Nguyệt kể: “Có lần nghe bà con gọi có rác, chị em xăng xái chạy xe xuống chở bao tải lớn bé. Bà con nhìn thấy mới bảo: “Trời ơi, chủ tịch phụ nữ gì mà như bà bán ve chai”.

“Mình chỉ cười và giải thích với bà con rằng ‘tụi con sẵn sàng làm bà bán ve chai, miễn là việc này có ích. Từ đó, bà con hiểu công việc của mình và quay ra ủng hộ mình nhiều hơn”.

Cho đến thời điểm hiện tại, cả 2 mô hình “Ngôi nhà 100 đồng” và “Đỡ đầu trẻ em gái có hoàn cảnh đặc biệt” của Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Vĩnh Long đều được các cấp uỷ quan tâm, ủng hộ, được tuyên dương trong Hội nghị điển hình tiên tiến toàn thành phố.  

'Bà bán ve chai đặc biệt' của những em nhỏ từng bị xâm hại
Chị Nguyễn Ánh Nguyệt (phải) trao thưởng cho các chi hội làm tốt mô hình "Ngôi nhà 100 đồng"
Rác thải chất đống sau một ngày tiếp tế ở khu cách ly ký túc xá TP.HCM

Rác thải chất đống sau một ngày tiếp tế ở khu cách ly ký túc xá TP.HCM

Lực lượng chức năng đang vất vả xử lý một khối lượng rác lớn ở khu cách ly kí túc xá Đại học quốc gia TP.HCM. 

Nguyễn Thảo

Previous
Next Post »
Thanks for your comment