Sau “lá thư” phản đối áp lực điểm 10 của cậu bé lớp 4, không chỉ bố mẹ em, nhiều người lớn cũng giật mình nhìn lại cách dạy con của mình.
Trong "thư", cậu bé nhắc đến áp lực từ bố mẹ khi lúc nào cũng đòi hỏi con phải được 9, 10 điểm và không hài lòng, thậm chí đánh đòn khi chỉ được 7, 8 điểm.
Cậu bé cũng nói đến việc bị cấm xem tivi, điện thoại nhưng chính bố mẹ lại không làm được. “Nếu bố mẹ không muốn con chơi thì con muốn bố mẹ chơi với con”, thư viết.
Kết “thư”, cậu bé cảm ơn bố mẹ đã sinh mình ra đời nhưng bày tỏ mong muốn có được sự thông cảm và thấu hiểu hơn.
Xem xong bức thư, không ít phụ huynh cũng gây áp lực cho con bằng việc theo đuổi kỳ vọng của chính bản thân mình.
Trên một diễn đàn của phụ huynh, chị Nguyễn Vân Anh chia sẻ: “Ngày xưa, cứ mong điểm 8 vì nghĩ đó là điểm giỏi. Giờ điểm 8 là điểm bị ghẻ lạnh. Phụ huynh, học sinh ai cũng chỉ mong 9, 10. Thiết nghĩ phải chăng thế hệ mai sau chúng ta sẽ có toàn thần đồng?”
Chị Trần Trà (Nghệ An), có con đang học tiểu học chia sẻ: “Những dòng chia sẻ của cậu bé thực sự khiến mình phải nhìn lại trong cả tư duy lẫn cách học và chơi cùng con. Con mình không nói ra nhưng chắc cũng chịu những sức ép tương tự. Nghĩ lại, cảm thấy thương con nhiều hơn”.
Còn chị Cẩm Nhung thì xác định được ngay tâm thế chủ động khi con có kết quả dưới 10.
"Con nhà mình lớp 1 tổng kết Toán 7 và Tiếng Việt 8, thuộc top 5 xếp từ dưới lên về kết quả. Con đã biết đọc, biết viết và làm Toán. Tôi thấy chả sao cả, học được thì học, không học được thì làm lao động, quan trọng con trở thành người tốt. Không tạo ra những áp lực nên cả nhà vui vẻ, con được đá bóng, đạp xe chạy nhảy suốt ngày".
Chị Vũ Thị Thanh Hiền thì "bắt mạch" nguyên nhân là những tiêu chí tuyển sinh "toàn 10" của các trường học khiến phụ huynh không thể không xao động.
Chị nhớ cách đây hơn chục năm, trường chuyên ngữ mà chị đăng ký dự thi yêu cầu hồ sơ học bạ có điểm 8 phẩy trở lên là đủ. Bây giờ cứ điểm hầu như toàn 10 mới đạt điều kiện sơ tuyển, vô hình trung đẩy các gia đình và các con vào một cuộc chạy đua để đạt được điểm tuyệt đối.
"Có lẽ phải chạy học bạ thì may ra mới được điểm tuyệt đối chứ thực tế rất khó đạt được trong tất cả các năm. Phải chăng đó cũng là mầm mống manh nha cho những vụ việc gian lận ở các cấp cao hơn trong tương lai như kỳ thi THPT quốc gia vừa qua”.
Anh Nguyễn Hiệp, một phụ huynh ở quận Hà Đông, Hà Nội nói: "Một điều khá oái ăm là giờ đây các con càng giỏi thì càng phải chịu áp lực nhiều hơn. Tại sao lại như vây? Câu trả lời chắc chỉ các bố mẹ của các con mới có thể trả lời và giải quyết. Có lẽ các bố mẹ và chính bản thân tôi cần xem lại điều gì sẽ là tốt nhất cho con mình".
Hãy hiểu và tin trẻ em
Rất khó khăn mới có thể thuyết phục phụ huynh của cậu học sinh đồng ý chia sẻ bức thư.
"Rõ ràng là câu chuyện dạy con của chúng tôi có vấn đề, ngay cả bức thư của con với những lỗi chính tả, diễn đạt cũng dễ bị soi...Nhưng đồng ý chia sẻ bài tập đặc biệt này, chúng tôi không mong gì hơn là có nhiều phụ huynh hãy tự lắng và nhìn lại chính mình", người bố của câu học sinh cho hay.
Tuy nhiên, khi bức thư được đăng tải, có nhiều người hồ nghi "văn phong không hợp với tuổi học sinh lớp 4", hoặc chỉ là "ý văn của một phụ huynh".
Nhưng anh Minh Quân, một phụ huynh ở Hà Nội đã phản bác: "Con tôi nói về áp lực học tập còn văn vở hơn bạn này. Nhiều bạn bảo bài văn này không phải của học sinh lớp 4 tức là chưa thực hiểu trẻ em đâu. Chính vì vậy nên chỉ đòi hỏi ở con mình phải giỏi, trong khi đó không ngó lại xem mình và mọi người trong gia đình đã giỏi chưa?"
Còn anh Trần Duy Hải bày tỏ "Tôi đọc xong mà thấy như chết lặng người. Nhưng tôi còn thấy thảm cảnh hơn nữa sau khi xem các bình luận. Tại sao có những người có thể nghĩ rằng đây là ý văn của người lớn chứ không phải của chính em học sinh? Điều đó cũng cho thấy luôn họ cũng đang trong tình trạng của phụ huynh em học sinh kia, chỉ có khác là cách dạy con không giống vậy, chứ cũng chưa hiểu gì về trẻ cả".
"Con muốn nói gì với bố không?"
Anh Đào Huy Hùng, phụ huynh hiện có con gái đang học lớp 6, Trường Tiểu học Thành Công B (Hà Nội) kể lại câu chuyện khi cô con gái lớn còn học cấp I.
“Lần đó con cầm bài kiểm tra về nhà để xin chữ ký phụ huynh. Điểm số của con chỉ xếp thứ 8 từ cuối lên. Đó là lần đầu tiên con bị “tụt hạng” như thế. Vẻ mặt con tỏ rõ sự lo lắng vì sợ bị bố la.
Nhưng tôi đã ôm con vào lòng và hỏi: “Con có điều gì muốn nói với bố không?”
Con bé nói rằng, những bài đó các bạn đều được học trước ở nhà cô giáo, còn con thì không. Đó đều là những bài khó.
Tôi nói với con: “Thế là cũng rất giỏi vì con chưa được học trước. Chắc chắn lần sau con sẽ tiến bộ hơn”.
Và rồi những lần sau con đều đặt mục tiêu cao hơn hơn lần trước. Cứ như vậy, con đã tiến bộ hơn rất nhiều”.
Anh Hùng cho rằng, những thành tích hay điểm số không phải yếu tố quyết định đến một đời thành công.
“Điều tôi vui nhất hiện tại là sức khỏe của con rất tốt. Con có tuổi thơ vui vẻ, mọi thứ diễn ra nhẹ nhàng. Con hiểu biết và ham tìm tòi những kiến thức khoa học. Con biết tìm cách liên lạc với bố mẹ trong những tình huống khẩn cấp. Những điều này, với tôi quý giá hơn rất nhiều so với điểm số 9, 10”.
Thanh Hùng - Thuý Nga
Giáo viên chủ nhiệm lớp 42/43 HS giỏi: 'Mong trả lại công bằng cho các em'
Cô Nguyễn Minh Toan, giáo viên chủ nhiệm lớp học có 42/43 học sinh giỏi, cho rằng kết quả như vậy là hoàn toàn xứng đáng. Cô cũng mong sớm có kết quả thẩm định để trả lại công bằng cho học sinh.
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon