Không dùng chai, ly nhựa: Cuộc “cách mạng” 90 triệu từ một trường đại học

Để nói không với ống hút, chai nước bằng nhựa, Trường ĐH Mở TP.HCM chi 90 triệu đồng để cấp mỗi giảng viên một cái bình, mỗi nhân viên phòng ban một cái ly...

Từ ngày 5/5 tới đây, Trường ĐH Mở TP.HCM sẽ không sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong tất cả các cuộc họp tại trường. 10 ngày sau, cán bộ giảng viên nhà trường dùng bình nước cá nhân hoặc bình do trường cấp để lấy nước uống tại phòng. Với sinh viên, nhà trường khuyến khích không sử dụng chai, ống hút nhựa…

Đây được coi là quy định tiến bộ, khi trường thống kê mỗi năm từng thải ra 125.000 chai nhựa từ các sự kiện, hội họp, lớp học…

Sáng 17/4, phóng viên VietNamNet đã tới Trường ĐH Mở TP.HCM để tìm hiểu về quy định này cũng như ghi nhận ý kiến của sinh viên, giảng viên lãnh đạo nhà trường.

Sinh viên: Quy định thiết thực nhưng khó khả quan

“Em nghĩ quy định này là tốt, tuy nhiên sẽ không khả quan cho lắm”- Thu Dung, sinh viên năm thứ 4, nói.


Theo Dung, ống hút, chai nước đã quá thông dụng trong đời sống hằng ngày. Do vậy, việc khuyến khích không sử dụng chỉ mang tính lý thuyết, thực tiễn rất khó thực hiện.

“Thực tế là trường đã áp dụng không sử dụng ống hút nhựa nhưng mọi người vẫn đang sử dụng. Trong các lớp học, vẫn rất nhiều ống hút và chai nước. Em nghĩ rất khó để làm theo, bởi khi mua nước uống thì người bán vẫn sử dụng những vật liệu này. Từ trường học tới đời sống hiện nay ở đâu cũng sử dụng chai, ống hút nhựa” – Dung quả quyết.

Một sinh viên năm thứ 3 (khoa Đào tạo đặc biệt) cũng cho rằng để thực hiện quy định trên diện rộng hơi khó. “Rõ ràng đây là việc thân thiện với môi trường nhưng sẽ có bất lợi. Sinh viên không thể khi nào cũng nhớ để cầm theo chai nước, hơn nữa mua chai nước ở ngoài sẽ tiện hơn là mang theo”- em cho hay.

Tuy nhiên, nữ sinh này khẳng định sẽ cố gắng thực hiện quy định, bởi từ lâu em đã hạn chế sử dụng ông hút, chai nhựa ở ngoài. “Em đã có ống hút riêng cho mình để thân thiện môi trường hơn".

Sinh viên Ngọc Quyến, sinh viên lớp Luật - Kinh tế, nhìn nhận đây là việc tốt. Tuy nhiên "nói ra rất dễ, thực hiện thì không đơn giản, bởi ai cũng nghĩ mua chai nhựa, ông hút ở ngoài sẽ tiện và đơn giản”.

Quyến mới nghĩ đến việc sẽ hạn chế sử dụng chai, ông hút nhựa chứ chưa thể dừng ngay. “Em cần thời gian để thực hiện việc này. Bạn bè của em cũng vậy".

Cùng nhận định việc không sử dụng chai, ống hút nhựa sẽ rất tốt cho môi trường, giảm số lượng rác thải, Bảo Ngọc - sinh viên năm 3 thông tin, hiện nay nhiều bạn trong lớp đã bắt đầu mang chai nhựa hoặc chai thủy tinh có thể sử dụng được nhiều lần tới trường. Với nữ sinh này, lâu nay đi học vẫn mang chai nước để uống vì tiện lợi vừa sạch sẽ. Em cũng tự làm những chai nước detox để bảo vệ sức khỏe.

Giảng viên: Từ lâu tôi đã không sử dụng ống hút và chai nhựa

Theo cô Nguyễn Thị Diệu Linh, Giảng viên kiêm Phó phòng Công tác sinh viên, quy định mới của nhà trường chỉ để thúc đẩy hoạt động hạn chế sử dụng chai, ống hút nhựa vì thực tế giảng viên đã tự trang bị cho mình một chai nước cá nhân, không phải tới lúc trường có quy định mới áp dụng. 

Không dùng chai, ly nhựa: Cuộc “cách mạng” 90 triệu từ một trường đại học
Cô Nguyễn Thị Diệu Linh, Giảng viên kiêm Phó phòng Công tác sinh viên: Quy định này chỉ để thúc đẩy còn giảng viên đã không dùng ống hút, chai nhựa...

“Tôi đã thực hiện từ lâu và không cảm thấy bất tiện hay khó khăn gì”- cô Linh nói. Không chỉ ở trường, ở nhà cô cũng không sử dụng túi nhựa, ống hút nhựa.

“Tôi sử dụng túi vải nhưng bất tiện là nó thường hay bị ướt nên dễ rã. Ngoài ra tôi cũng có một bình nước mang theo khi đi làm. Niềm vui của tôi là sưu tập rất nhiều bình để sử dụng nên khi đi dạy hoặc đi chơi đều mang theo. Khi mua đồ ăn sáng, tôi cũng đưa hộp của mình để người bán bỏ thức ăn vào và thấy cũng thấy tiện”- cô Linh kể.

Cô Linh cho rằng để thực hiện không sử dụng chai, ống hút nhựa, đầu tiên người dùng cần biết từ chối. Khi người dùng nói không thì bên cung cấp sản phẩm sẽ phải suy nghĩ lại. Dẫn chứng từ trường hợp của mình cô Linh kể rằng: “Khi tôi khi cầm hộp để mua thức ăn người bán từng rất ngạc nhiên. Ý của họ là cầm sẵn hộp của họ thì tiện hơn. Lúc đầu, họ cũng khí chịu nhưng lâu dần thành quen. Sau này khi thấy tôi dừng xe người bán sẽ biết ra lấy hộp để đựng thức ăn”

Về khuyến khích sinh viên thực hiện, ở vai trò giảng viên cô Linh, cho hay trong những môn học đã có phần sinh viên chọn sản phầm tùy ý và làm đề tài trên sản phẩm đó. Giảng viên luôn định hướng sinh viên chọn sản phẩm thân thiện môi trường như ống hút tre, cốc tre, hộp làm từ bã mía hay vật dụng từ vải…Khi sinh viên trình bày sẽ nói rõ tại sao chọn sản phẩm thân thiện môi trường, thông điệp là gì…như vậy là vừa học vừa thực hành.

Cuộc “cách mạng” trị giá 90 triệu

Ông Vũ Hữu Đức, Phó Hiệu trưởng, Trường ĐH Mở TP.HCM, khẳng định từ lâu cán bộ giảng viên của trường đã có phong cách: "Nếu đi hội nghị uống không hết chai nước thì cầm về để tránh phí nước, nay sẽ cầm không phải vì nước nữa mà vì cái vỏ đựng".

Theo ông Đức, không sử dụng chai nước, ống hút nhựa không phải là hành động trước mắt mà trường hướng tới hành vi lâu dài.

Thứ nhất, hành vi này xuất phát từ nhận thức – người dùng, hiểu được tác hại ghê gớm của chai nhựa, ống hút nhựa. Thứ hai, chính thầy cô sẽ làm gương, khi vào lớp mang theo chai nước và nói với sinh viên để tạo cho các em thói quen. Thứ ba, cá nhân phải từ bỏ thói quen thuận lợi tiện cho mình nhưng có hại cho người khác, do vậy trường sẽ đưa điều này vào bộ quy tắc ứng xử. Thứ 4 ở phía quản trị nhà trưởng bảo đảm thực hiện dễ dàng do vậy sẽ trang bị nguồn nước, cung cấp chai nước sử dụng lâu dài cho cán bộ giảng viên.

Không dùng chai, ly nhựa: Cuộc “cách mạng” 90 triệu từ một trường đại học
Ông Vũ Hữu Đức, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, cho hay kinh phí để thực hiện khoảng 90 triệu đồng

Mỗi giảng viên Trường ĐH Mở được trang bị một bình nước sử dụng lâu dài. Các nhân ở các phòng ban được tặng một cái ly. Nguồn kinh phí mua bình và ly khoảng 90 triệu đồng. "Tôi nghĩ đây là kinh phí hợp lý, không quá tốn kém"- ông Đức nhìn nhận.

Đối với sinh viên theo ông Đức nhà trường sẽ cung cấp nguồn nước uống, đồng thời sẽ dùng biện pháp tuyên truyền.

Trước ý kiến việc làm hay nhưng sẽ khó thực hiện, ông Đức khẳng định sẽ thực hiện được, bởi đây là ý kiến của sinh viên và giảng viên.

“Chính họ viết thư cho tôi và nói rằng, thầy ơi phải làm thế này nên tôi mới đưa ra ban giám hiệu để bàn bạc. Chúng tôi quyết tâm rất cao nên chắc chắn sẽ làm được".

Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM cho hay, ở góc độ vĩ mô, ông mong nhà nước có những chính sách hỗ trợ (vì không thể cấm) người dân không dùng chai nhựa như giảm thuế, phí, còn cộng đồng người dân tự ý thức, cân nhắc khi sử dụng.

Cũng theo vị phó hiệu trưởng,  không chỉ ở trường, gia đình ông từ lâu đã không dùng chai nhựa, ống hút .

"Trừ trường hợp bất khả kháng bắt buộc phải dùng thì mới dùng.Tôi và bà xã đi làm đều bỏ chai nước vào balo. Vì vậy mong xã hội có nhiều loại sản phẩm thân thiện như bao bì, chai, ống hút bằng giấy hoặc chất thân thiện môi trường để người dân sử dụng”- ông nói.

Cuộc cự cãi ở nhà sách

Một câu chuyện vui được cô Linh kể là người em gái của mình đã từ chối sử dụng túi nilon khi nào nhà sách.

"Em tôi khăng khăng nói với nhân viên tính tiền rằng chỉ mua 2 quyển sách, không cần bỏ túi nilon. Họ tính tiền còn em cầm ra cho vào giỏ là được. Nhưng phía nhà sách nhất quyết không chịu. Theo quy trình, họ bỏ vào túi nilon, sau đó lấy biên lai ghim lại. Hai bên xảy ra cự cãi, cuối cùng nhân viên nhà sách cũng nhượng bộ. Nhân viên khi tính tiền đã cầm hai quyển sách lên nói với anh bảo vệ của họ rằng: “Anh bảo vệ, chị này không dùng “bao”- (túi nilon - PV) nhé”. Lúc đó, nhiều người quay lại ngạc nhiên và cười ồ, còn em thì thản nhiên cầm hai quyển sách ra bỏ giỏ xe mang về” - cô kể.

Lê Huyền

Huy chương vàng Thế vận hội làm từ rác thải

Huy chương vàng Thế vận hội làm từ rác thải

Theo Ban tổ chức Thế vận hội Tokyo 2020, tất cả các huy chương kim loại sẽ được từ tái chế chất thải điện tử.

Previous
Next Post »
Thanks for your comment