Nỗi đau của đại gia: Một cú đảo chiều, bốc hơi trăm triệu USD

Nhiều cổ phiếu được kỳ vọng rất lớn trên thị trường bất ngờ trở thành nỗi ám ảnh. Các nhà đầu tư thủng túi tiền khi các doanh nghiệp lớn bốc hơi cả trăm triệu USD.

Chết chìm với “bom tấn”

Trái với kỳ vọng của phần đông các nhà đầu tư và xu hướng ngày càng tích cực trên thị trường chứng khoán (TTCK), hàng loạt cổ phiếu “bom tấn” và cổ phiếu lớn trên sàn đã giảm giá rất mạnh.

Quyết tâm đẩy mạnh quá trình thoái vốn nhà nước kết hợp niêm yết trên TTCK tại hai doanh nghiệp bia hàng đầu Việt Nam: Sabeco (SAB) và Habeco (BHN) khiến cổ phiếu ngành bia dậy sóng. Nhiều cổ phiếu ngành bia đồng loạt tăng phi mã theo bước chân lên sàn của “người anh cả” Sabeco.

chứng khoán, thị trường chứng khoán, chứng khoán Việt Nam, cổ phiếu giảm giá
Không ít nhà đầu tư thua lỗ vì cổ phiếu lớn.

Cổ phiếu BHN của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đã có một đợt tăng giá dữ dội, từ khoảng 100 ngàn đồng/cp lên hơn 220 ngàn đồng/cp hồi cuối năm 2016. Tuy nhiên, đợt giảm giá đã kéo dài suốt từ đầu năm 2017 tới thời điểm này vẫn chưa dừng lại.

Từ mức giá hơn 220 ngàn đồng/cp, BHN hiện giờ chỉ còn đứng ở mức 81.000 đồng/cp, tức giảm gần 3 lần. Vốn hóa của Habeco giảm mạnh từ đỉnh cao 51,5 ngàn tỷ đồng (2,3 tỷ USD) xuống chỉ còn 18,8 ngàn tỷ đồng (0,83 tỷ USD).

Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, tổng vốn hóa của Habeco đã bốc hơi hơn 1,4 tỷ USD. Kỳ vọng rất lớn trên thị trường bất ngờ trở thành nỗi ám ảnh và nhiều nhà đầu tư thủng túi tiền vì cổ phiếu “bom tấn” này.

Cặp đôi cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai - HAGL (HAG) và Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico (HNG) của doanh nhân Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) cũng gây thất vọng. Đây là cặp cổ phiếu nóng bỏng trong giai đoạn 2014-2015 khi mà TTCK vẫn đang trầm lắng.

HAG và HNG được xem là các doanh nghiệp sở hữu những dự án có giá trị tài sản rất lớn, nhất là dự án nông nghiệp khổng lồ cả trăm ngàn hecta ở Lào và dự án bất động sản vị trí vàng ở thủ đô Myanmar.

Tuy nhiên, khối nợ quá lớn đã khiến doanh nghiệp của Bầu Đức phải thế chấp từ đàn bò, cổ phiếu cá nhân tới cả khu liên hợp học viện bóng đá,... và các khoản vay ngân hàng. Cổ phiếu HAG và HNG liên tục giảm, đánh mất 70-80% giá trị so với đỉnh cao. Không ít nhà đầu tư chưa “rút chân” ra được khỏi 2 cổ phiếu này.

Riêng cá nhân Bầu Đức chứng kiến khối tài sản bốc hơi vài ngàn tỷ đồng. Còn các cổ đông của HAG và HNG so với đỉnh cao cho tới giờ mất tổng cộng gần 1,4 tỷ USD, nếu so với mức thấp điểm nhất mất tổng cộng 1,7 tỷ USD.

Vị đắng cổ phiếu lớn

Trong khoảng 3 năm qua, nhiều nhà đầu tư cũng đã chết chìm với các cổ phiếu lớn, trong đó có 2 cổ phiếu ngành dầu khí: Tổng công ty Khí Việt Nam - PVGas (GAS) và Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD).

chứng khoán, thị trường chứng khoán, chứng khoán Việt Nam, cổ phiếu giảm giá
Nhiều cổ phiếu lớn giảm giá mạnh.

Trong các năm trước, GAS và PVD được coi là 2 cổ phiếu trụ cột trên thị trường chứng khoán và được nhiều nhà đầu tư lớn đưa vào danh sách những lựa chọn rút gọn, vừa có khả năng sinh lời vừa an toàn. Tuy nhiên, đó là điều đã trở thành dĩ vãng.

Cổ phiếu “đại gia” giàn khoan Việt Nam PVD vừa lập đáy lịch sử kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán sau khi công bố lỗ 200 tỷ đồng trong quý 1/2017. Cổ phiếu này rơi xuống dưới ngưỡng 16 ngàn đồng/cp, so với mức đỉnh cao trên 80 ngàn đồng/cp (đã điều chỉnh) hồi cuối 2014.

So với đỉnh cao, túi tiền của các cổ đông PVD cũng đã mất khoảng 1,1 tỷ USD.

Ông lớn GAS cũng rớt từ đỉnh cao trên 100 ngàn đồng/cp (hồi cuối 2014) về còn 25 ngàn đồng hồi đầu 2016. Vốn hóa của doanh nghiệp này có lúc mất tới 6,3 tỷ USD.

Ông Nguyễn Nhật Tiến, chuyên viên tư vấn đầu tư, Team Phân tích Biên an Toàn, VnDirect Securities TP.HCM cho rằng, tín hiệu giảm giá của một số cổ phiếu blue-chips không phải các NĐT không nhận ra, mà vấn đề nằm ở các quyết định đầu tư của họ không hợp lý với những kỳ vọng không rõ ràng, thiếu cơ sở.

Theo ông Nguyễn Nhật Tiến, mỗi cổ phiếu có một câu chuyện riêng. Cổ phiếu Habeco “đi theo sóng lên sàn của nhóm cổ phiếu bia”, nên giá cao hơn giá trị thật và sau đó giảm dần.

Cặp đôi cổ phiếu HAG HNG là do biển biến nội tại doanh nghiệp với các khoản nợ quá lớn. Trong khi đó, GAS và PVD lại do sự điều chỉnh của giá dầu giảm mạnh trong giai đoạn vừa qua.

Theo ông Tiến, phần lớn nhà đầu tư mất tiền trong các 'deal' này là do kỳ vọng vào những yếu tố thiếu cơ sở, vì chưa đi sâu vào những đánh giá cụ thể về nội tại doanh nghiệp, kỳ vọng quá đà và kỳ vọng thiếu cơ sở.

Để tránh đưa ra các quyết định đầu tư sai lầm như vậy, các nhà đầu tư cần trang bị những kỹ năng để hiểu rõ bản chất doanh nghiệp và hơn hết là định giá các doanh nghiệp, tránh bị cuốn theo hiệu ứng đám đông.

M. Hà

Previous
Next Post »
Thanks for your comment