Quận Hoàn Kiếm, trái tim của Hà Nội

Dù về vị trí địa lý trên bản đồ thành phố, quận Hoàn Kiếm không nằm ở chính giữa nhưng đã là trung tâm của thủ đô, nơi giao thương đông đúc và có nhiều công trình lịch sử văn hóa nhất Hà Nội. Ranh giới giữa quận Hoàn Kiếm và quận Long Biên được ngăn cách bằng con sông Hồng và nối liền bởi hai cây cầu biểu tượng là Long Biên và Chương Dương.

Nằm ở quận Hoàn Kiếm, hồ Gươm là trái tim của Hà Nội, một trong những địa danh du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước bậc nhất thủ đô. Được bao bọc bởi hai con phố lớn Đinh Tiên Hoàng và Lê Thái Tổ, từ trên cao nhìn xuống, hồ Gươm như một hòn ngọc xanh ngắt, quý giá, rất đẹp và thơ mộng. 

Bất kỳ du khách nào lần đầu đặt chân tới mảnh đất ngàn năm văn hiến đều phải tham quan hồ Gươm. 

Hồ Gươm đẹp nhất vào buổi sáng, khi hàng trăm người dân quanh vùng đổ ra tập thể dục, hít thở không khí trong lành. Vào lúc hoàng hôn, nơi đây cũng lãng mạn không kém. Đạp xe thong dong quanh hồ là thói quen nhiều bậc cao niên, trung niên ưa thích.

Cách đây 7 năm, vào ngày 1/9/2016, Hà Nội tổ chức khai trương không gian đi bộ Hồ Gươm vào thứ 7, chủ nhật và thêm buổi tối thứ 6 hàng tuần. Trong thời gian này, thành phố cho phép các khách sạn từ 3 sao trở lên, quán bar, nhà hàng tại khu vực hồ Hoàn Kiếm được mở cửa phục vụ đến 2h sáng hôm sau.

Kể từ khi phố đi bộ bên hồ Gươm thành lập đã trở thành trung tâm vui chơi đông đúc nhất Thủ đô. Không chỉ các gia đình, nhóm bạn trẻ chọn nơi đây làm điểm xả hơi cuối tuần, nhiều đoàn du khách quốc tế khi tới Hà Nội cũng phải đến tham quan.

Nói đến quận Hoàn Kiếm không thể không nhắc tới các tuyến phố cổ. Theo sử sách, khu phố cổ Hà Nội xuất hiện từ thời Lý - Trần. Đây là nơi tập trung các hoạt động giao thương, buôn bán sầm uất bậc nhất thành Thăng Long. Bên cạnh đó khu phố là nơi sinh sống chủ yếu của cư dân thuộc tầng lớp trung lưu, thượng lưu trong xã hội phong kiến xưa.

Vào mỗi dịp lễ, Tết, nơi treo nhiều cờ Tổ quốc nhất và đẹp nhất cũng là phố cổ, thường xuyên thu hút các nhiếp ảnh gia đến sáng tác.

Sinh hoạt và làm việc ở phố cổ tuy chật chội, bí bách nhưng những người sống ở đây đã lâu hầu như không ai muốn rời. 

Lý do chính là họ có được cảm giác gắn bó với Thủ đô và đặc biệt là "cứ ra khỏi ngõ là kiếm được tiền". Bởi thế mà các khu giãn dân hoàn thành đã bao nhiêu năm mà vẫn ế. Họ nhất mực bảo vệ quan điểm "thà sống khổ chứ không ở khu tái định cư".

Theo Tổng điều tra dân số lần thứ 5 về mật độ dân số tại khu phố cổ là 39.830 người/km2, gấp 138 lần mật độ dân số toàn quốc. Kể từ khi Hà Nội công bố đề án giãn dân phố cổ tới nay đã 25 năm nhưng vẫn chưa thể thực hiện được. 

Người dân thuộc diện giãn dân thì không chịu rời xa phố cổ còn hàng loạt khu chung cư tái định cư phục vụ việc di dân phố cổ cứ "nằm im", rơi vào cảnh hoang phế, xuống cấp nhiều năm.

Phố cổ không chỉ là nơi buôn bán sầm uất, mà còn tập trung nhiều quán ăn ngon nhất. Điểm danh các hàng phở, bún trứ danh và lâu đời của Hà Nội, tất cả đều nằm ở quận Hoàn Kiếm.

Nơi tập trung nhiều du khách nước ngoài vui chơi, ăn uống và ngủ nghỉ nhất đặc biệt vào mỗi dịp lễ là các tuyến phố Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến, Đinh Liệt... Về đêm cuối tuần ngã tư quốc tế này chật cứng người khi cả Tây lẫn ta, giới trẻ và các gia đình tụ tập thưởng thức đồ uống và ăn quà vặt.

Ngoài hồ Gươm, Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, quận Hoàn Kiếm cũng là vùng đất của những di tích văn hoá - lịch sử, nơi ở hữu nhiều công trình kiến trúc Pháp cổ như Nhà hát Lớn, Nhà tù Hỏa Lò...

Các di tích nổi tiếng gồm: Tượng đài Lý Thái Tổ, Bưu điện Hà Nội, chùa Quán Sứ, đình Kim Ngân, chùa Báo Ân (chùa Liên Trì), tháp Báo Thiên, cửa Ô Quan Chưởng, Nhà thờ Lớn, Quảng trường 19-8, Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây...

Trong các chợ ở Hà Nội, chợ Đồng Xuân cũng nổi tiếng nhất, thuộc quận Hoàn Kiếm. Nơi đây còn được biết đến với tên gọi là Chợ Lớn bởi quy mô buôn bán lớn và đã tồn tại hàng trăm năm nay. Theo ghi chép, vào năm 1804, nhà Nguyễn đã cho dựng một khu chợ ở phía nam sông Tô Lịch để tiện cho việc tàu thuyền cập bến giao thương. Đến năm 1889, sau khi hồ Thái Cực và sông Tô Lịch bị lấp, chính quyền Pháp đã cho giải toả, quy hoạch và dồn mọi hàng quán vào một khu đất trống ở phường Đồng Xuân.

Ở quận Hoàn Kiếm còn có một công trình nổi tiếng khác là "Con đường gốm sứ" dài 3,85 km. Công trình đã được vinh danh với giải thưởng "Bùi Xuân Phái" vì tình yêu dành cho Hà Nội vào năm 2008 và được Tổ chức Guinness thế giới công nhận là bức tranh gốm dài nhất thế giới. Từ đó, con đường này trở thành một điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách đến du lịch Hà Nội.

Con đường gốm sứ nằm cách hồ Gươm chưa tới 1 km, vị trí thuận tiện giúp khách du lịch di chuyển và tham quan. Tác phẩm này kéo dài qua các phố An Dương Vương - Yên Phụ - Trần Quang Khải - Trần Nhật Duật - Trần Khánh Dư và kết thúc tại cửa khẩu Vạn Kiếp.

Quận Hoàn Kiếm có diện tích 5,29 km2, nhỏ nhất Hà Nội.

Trước đó, báo cáo tại Hội nghị toàn quốc về sắp xếp đơn vị hành chính, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, qua rà soát và đối chiếu với các tiêu chí theo quy định hiện nay, TP có 1 đơn vị hành chính cấp huyện (quận Hoàn Kiếm) và 176 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025.

Để đạt kết quả tốt, TP Hà Nội sẽ tuyên truyền sâu rộng đến đội ngũ cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023-2030, trước mắt là giai đoạn 2023-2025.

Đến sáng 1/8, bên lề hội thảo về sửa đổi Luật Thủ đô, ông Nguyễn Hữu Thành, Phó vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) đã giải thích: Quá trình sắp xếp, cơ quan chức năng xem xét yếu tố đặc thù như đơn vị hành chính hoạt động ổn định từ năm 1945 đến nay và có yếu tố liên quan đến văn hóa, lịch sử truyền thống.

“Hiện nay mới đánh giá theo tiêu chí dân số, diện tích tự nhiên thì quận Hoàn Kiếm thuộc diện sắp xếp lại. Ngoài ra còn yếu tố đặc thù của quận Hoàn Kiếm, được nêu cụ thể trong Nghị quyết 35, gồm: Điều kiện giao thông, vị trí địa lý, truyền thống lịch sử… Các yếu tố này sẽ là căn cứ để quyết định có sáp nhập hay không”, ông Thành nói.

Adblock test (Why?)

Previous
Next Post »
Thanks for your comment