Chiều 15/8, tại phiên chất vấn Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan, nhiều đại biểu đặt câu hỏi liên quan đến xuất khẩu gạo.
Mâu thuẫn giữa thực trạng đời sống người dân với xuất khẩu gạo
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nêu thực tế, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng người nông dân làm ra lúa gạo vẫn có cuộc sống khó khăn, nghĩa là cây lúa không mang lại nhiều lợi nhuận cho người sản xuất.
Bà đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết nguyên nhân của nghịch lý này và các giải pháp khắc phục trong thời gian tới? Đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng có giải pháp để giải quyết tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu thời gian qua?
Trả lời, Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn kết quả khảo sát cho thấy, nông nghiệp là ngành thu nhập thấp nhất trong các ngành kinh tế và người trồng lúa cũng có thu nhập thấp nhất trong ngành nông nghiệp.
“Đó là điều không nói khác được, nhưng chúng ta có thể làm khác đi. Bối cảnh này, giá gạo tăng hàng ngày, đây là thời cơ cải thiện thu nhập rất lớn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ông dẫn chứng, hiện nay, khi Ấn Độ và một số nước cấm xuất khẩu gạo, các nước tăng nhập gạo của Việt Nam. Nhiều thị trường như Trung Quốc, Philippines, Indonesia đang tranh mua gạo Việt với số lượng tăng 40% đến vài chục lần.
Tư lệnh ngành nông nghiệp kể lại lời của một người nông dân nói “nếu giá lúa cao, thu nhập ổn định thì nông dân miền Tây sẵn sàng đem mùng ra ngoài đồng giữ lúa cho Nhà nước, đảm bảo an ninh lương thực, còn nếu giá thấp chúng tôi sẽ bỏ ruộng”.
Bộ trưởng cho biết: “Đó là điều ám ảnh tâm trí tôi, làm sao cải thiện thu nhập của người nông dân trồng lúa”.
Tuy nhiên, để cải thiện theo Bộ trưởng NN-PTNT không chỉ là vấn đề giá, mà cần giảm chi phí sản xuất. Vừa qua, nhờ ứng dụng quy trình canh tác khoa học, chi phí sản xuất đã giảm 20-25%, tương ứng mức thu nhập tăng thêm cho người trồng lúa.
Kể lại chuyến đi cùng Thủ tướng thăm một HTX 400ha với 85 hộ là thành viên, Bộ trưởng cho hay, chỉ có 40 người nông dân ở ngoài đồng vì họ dùng và điều khiển bằng máy móc hết. Giám đốc HTX nói với Thủ tướng “giờ nông dân rảnh lắm, làm gì cũng có máy móc nên quỹ thời gian đó, nếu chuyển đổi nghề nghiệp, tạo ra nghề thì người nông dân sẽ có thêm thu nhập”.
Bày tỏ thấu hiểu bà con trồng lúa ở ĐBSCL, ông Hoan cho rằng, cần khuyến khích bà con vào HTX để mua chung, bán chung, tạo thu nhập ở nhiều phân khúc và thực tế 80% diện tích lúa ở đây không có liên kết nên chi phí sẽ cao hơn, chất lượng thấp hơn.
Nông dân và doanh nghiệp phải chia sẻ thời cơ, mua bán không vì lợi trước mắt
Cùng mối quan tâm, đại biểu Lê Thị Song An ( Long An) nêu thực tế thời gian gần đây giá lúa gạo tăng cao, vừa tạo lợi thế rất lớn cho thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam, vừa mang lại niềm vui cho nông dân.
Tuy nhiên, do giá lúa liên tục tăng nên một số địa phương có hiện tượng mua gom lúa gạo ồ ạt, gây mất cân đối cung cầu cục bộ, đẩy giá mặt hàng này lên cao bất hợp lý và cũng là nỗi lo của người tiêu dùng, công nhân khi giá gạo tăng cao.
Điều này dẫn đến những hạn chế trong xuất khẩu, chưa tạo được sự liên kết vững chắc giữa người dân và doanh nghiệp.
“Bộ trưởng cho biết giải pháp cụ thể, hữu hiệu để vừa bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, vừa thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ?”, đại biểu đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, việc Ấn Độ và một số nước cấm xuất khẩu gạo là "cơ hội nhưng cũng cần bình tĩnh" bởi mọi vấn đề đều phát sinh mặt trái.
Nhắc đến công điện của Thủ tướng về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và đẩy mạnh xuất khẩu gạo, ông Hoan cho rằng "đó như một cam kết của Việt Nam với thế giới" nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Các bộ ngành cùng địa phương đang làm điều đó.
Về thực tế giá lúa gạo bị đẩy lên cao, Bộ trưởng phân tích, giá nông sản quyết định bởi cung cầu, cầu tăng mà cung không tăng thì giá sẽ lên. Nhưng ngoài bài toán cung cầu còn tình trạng cố tình đẩy giá, gây ảnh hưởng lớn.
“Tôi mong bà con nông dân và doanh nghiệp phải tôn trọng nhau, chia sẻ với nhau về thời cơ, mua bán không chỉ vì vấn đề được lợi trước mắt”, Bộ trưởng NN-PTNT kêu gọi.
Bộ trưởng cho hay, 20% diện tích lúa ở ĐBSCL có liên kết, còn 80% nằm ngoài liên kết nên không kiểm soát được. Vì vậy, chúng ta phải chuyển từ tư duy mua bán sang tư duy liên kết, hợp tác mới bền vững.
Bộ trưởng bất ngờ khi bà con trồng điều thu nhập 40 triệu/năm
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho biết, mặt hàng chủ lực như hạt điều Việt Nam dẫn đầu toàn cầu, nhưng vị trí này đang bị lung lay, điều nhân nhập khẩu tăng mạnh. Doanh nghiệp tập trung sản xuất công đoạn cuối, bỏ qua nhiều dây chuyền. Vì vậy, đại biểu chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan về trách nhiệm và giải pháp cho thực trạng này.
“Tôi rất bất ngờ khi đến thăm một vườn điều và thấy thu nhập bà con trồng điều 40 triệu/năm. Tôi cứ nghĩ trồng lúa ở ĐBSCL thấp nhất nhưng thu nhập trồng điều thấp hơn nữa, tôi rất nhiều cảm xúc”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Ông thừa nhận có tình trạng nhiều người trồng điều chuyển sang trồng sầu riêng. Nhắc đến mong muốn Bình Phước là thủ phủ của điều và Việt Nam sẽ đứng đầu thế giới về điều, Bộ trưởng Hoan bày tỏ hiện nay, mọi chuyện đã thay đổi.
Ông cho biết, trước kia Việt Nam nhập điều thô từ các quốc gia Tây Phi, nhưng các quốc gia bắt đầu tăng cường chế biến, hạn chế xuất khẩu điều thô. Còn ở Việt Nam, điều sản xuất trong nước để chế biến, xuất khẩu chỉ khoảng 20-30%.
Vì vậy, phải tái cấu trúc ngành hàng điều, từ chuỗi người nông dân đến các hiệp hội phải ngồi lại với nhau.
Bộ Nông nghiệp đang thí điểm trồng nấm linh chi đỏ dưới tán điều ở Bình Phước, tích hợp đa giá trị trên một mảnh đất, chỉ khi ấy người nông dân bằng thu nhập khác mới có thể giữ cây điều.
Vấn đề liên quan tới thu nhập của người dân sống dưới tán rừng, ông Hoan cho biết, dự kiến tháng 9 trình Thủ tướng Đề án phát triển đa dụng dưới tán rừng, xem điều như một dạng rừng, làm sao tạo sinh kế nhiều hơn. “Chúng ta sẽ làm được nếu chúng ta thích ứng”, ông Hoan kỳ vọng.
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon