Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2023) hằng năm là dịp tưởng nhớ những người con ưu tú đã hy sinh vì Tổ quốc.
Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ, VietNamNet xin gửi tới bạn đọc câu chuyện về sự hy sinh thầm lặng của những nhà báo liệt sĩ qua lời kể và hành trình 15 năm tìm hiểu, thu thập thông tin về 511 nhà báo liệt sĩ của nhà báo Trần Văn Hiền, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nghệ An.
Thu thập thông tin, lập danh sách 511 nhà báo liệt sĩ
Trong quá trình viết về hơn 30 nhân vật nhà báo liệt sĩ, ông Trần Văn Hiền luôn day dứt về việc không tìm được phần mộ của hầu hết các nhà báo hy sinh. Đây thật sự là nỗi đau khôn nguôi.
“Những chiến sĩ, bộ đội thời đó chỉ biết có nhà báo đi cùng tác nghiệp, nhưng ít người nhớ về họ. Vì thế, tôi quyết định đi tìm, tổng hợp được 511 nhà báo đã hy sinh trong 3 cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc”, ông Hiền chia sẻ.
Theo nhà báo Trần Văn Hiền, trong suốt 15 năm đi tìm tên tuổi các nhà báo đã hy sinh, câu hỏi mà nhiều người đặt ra là làm sao tổng hợp được chính xác họ tên, địa chỉ, quê quán của từng người.
“Tôi luôn nghĩ hơn 500 người đều có quê quán, nơi công tác. Ở đất nước mình, khi đó có bao nhiêu cơ quan báo chí thì có bấy nhiêu người vào chiến trường. Và tôi quyết định đến từng cơ quan báo chí để tìm hiểu”, nhà báo Trần Văn Hiền kể.
Cơ quan đầu tiên mà ông Hiền tìm đến là Thông tấn xã Việt Nam, địa chỉ ở số 59 Lý Thái Tổ (Hà Nội), ở đây còn lưu giữ danh sách 287 nhà báo đã hy sinh trong 3 cuộc chiến tranh; Điện ảnh Quân đội có 78 nhà báo liệt sĩ; Đài tiếng nói Việt Nam có 70 nhà báo liệt sĩ.
Ngoài ra, danh sách các nhà báo liệt sĩ do báo Điện ảnh Quân giải phóng, Quân đội nhân dân, Nhân Dân lưu giữ cũng được nhà báo Trần Văn Hiền tìm đến thu thập.
Số liệt sĩ còn lại công tác tại cơ quan báo chí cấp tỉnh, thành khu vực miền Nam. Khu 6 gồm có Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Định gồm 12 nhà báo; Khu 9 có 26 nhà báo; Khu 8 gồm TP.HCM là 28 người; Mặt trận Thừa Thiên - Huế gồm 16 người…
Để bảo đảm tính chính xác, đến năm 2019, nhà báo Trần Văn Hiền đưa toàn bộ danh sách ra Hà Nội đối chiếu với các báo Trung ương để thẩm tra một lần nữa. Đúng thời điểm đó, Hội Nhà báo Việt Nam ra mắt Bảo tàng Báo chí Cách mạng Việt Nam và ông đã tặng toàn bộ danh sách 511 nhà báo liệt sĩ.
Đồng thời, danh sách các nhà báo hy sinh cũng được ông đưa về chùa Da (chùa Âu Lạc) thờ tự từ năm 2020 cho đến nay.
Để có danh sách 511 nhà báo liệt sĩ, bản thân ông Hiền đã tự bỏ chi phí để đi sưu tầm thông tin từ các đồng nghiệp. Hồi đó, ông Hiền đã gửi toàn bộ thông tin về Hội Nhà báo các tỉnh, thành phía Nam đề nghị phối hợp, cung cấp toàn bộ thông tin các nhà báo đã hy sinh và có người thân.
“Tôi bây giờ cũng ở tuổi 75 rồi, rất mong các cấp đoàn thể và chính quyền luôn tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ là những nhà báo. Cần có những công trình để tưởng nhớ các liệt sĩ là nhà báo và chăm sóc thân nhân mỗi gia đình. Đây là tâm nguyện của tôi gửi Hội Nhà báo Việt Nam”, nhà báo Trần Văn Hiền nói.
Kỷ vật chiếc máy ảnh, cây bút trên ban thờ 511 nhà báo liệt sĩ
Thắp tuần nhang tại ban thờ trong chùa Da, báo cáo với các anh linh nhà báo liệt sĩ, nhà báo Trần Văn Hiền giới thiệu từng bức ảnh, là những nhân vật mà ông đã tìm hiểu và viết bài.
Ông kể, tấm ảnh nhà báo Vũ Hiến (phóng viên Báo Quân chủng Hải quân) là do người vợ gửi từ Hải Phòng vào Nghệ An. Chiếc máy ảnh Minolta cũng là kỷ vật của nhà báo Vũ Hiến, hiện được giữ trong tủ kính, đặt trang trọng trên ban thờ anh linh các nhà báo liệt sĩ.
Còn cây bút là của nhà báo Lê Viết Thế (SN 1936, quê ở Quảng Xương, Thanh Hóa), công tác tại Điện ảnh Quân đội, hy sinh ngày 3/5/1972 tại thành cổ Quảng Trị.
Chiếc bút này do con trai nhà báo Lê Viết Thế tặng lại cho nhà báo Trần Văn Hiền, sau đó ông lưu giữ ở chùa Da đến giờ.
Nhà báo Trần Văn Hiền còn kể, bức thư của nhà báo Lê Viết Thế gửi con trai rất tình cảm, hiện được lưu giữ tại Phòng Truyền thống Điện ảnh Quân đội và Bảo tàng Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Theo nhà báo Trần Văn Hiền, dù thời cuộc có thay đổi tới đâu, bản thân ông rất muốn các thế hệ làm báo luôn ghi nhớ, tri ân những thế hệ đi trước đã hy sinh trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Đạo lý uống nước nhớ nguồn từ hành trình thu thập thông tin 511 nhà báo liệt sĩ
Trao đổi với PV VietNamNet, Đại đức Thích Đồng Tuệ - Trụ trì chùa Da (chùa Âu Lạc) chia sẻ, trong suốt 15 năm qua, nhà báo Trần Văn Hiền có công rất lớn trong việc thu thập thông tin về đồng nghiệp đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Đây là việc làm thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, phù hợp với tinh thần tri ân và báo ân của nhà Phật.
Từ tâm nguyện của nhà báo Trần Văn Hiền về mong muốn có một nơi thờ tự các nhà báo đã anh dũng hy sinh, chùa Da đã nhất trí cử hành đại lễ cầu siêu, thỉnh chư vị anh linh các nhà báo về thờ tại linh đường của chùa vào tháng 7/2020.
“Phải khẳng định đây là đóng góp to lớn của nhà báo Trần Văn Hiền trong suốt hành trình đi tìm hiểu, viết bài, củng cố tư liệu cho Hội Nhà báo Việt Nam và những người làm báo sau này. Đây là việc làm rất ý nghĩa, nhắc nhở luôn nhớ về những đồng nghiệp, bậc tiền bối đã kinh qua các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc”, Đại đức Thích Đồng Tuệ nói.
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon