Thủ tướng lên đường đến Nhật Bản dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng

Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, sáng 19/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng và làm việc tại Nhật Bản đến ngày 21/5.

Đây là lần thứ 3 Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Ảnh: Nhật Bắc

Đoàn đại biểu chính thức cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công tác lần này có: Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; Chủ tịch ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Huy Vịnh; Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành; Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu.

Việt Nam là một trong hai nước Đông Nam Á được Nhật Bản mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay. Sự tham dự của Việt Nam khẳng định vai trò, vị thế và đóng góp cho nỗ lực chung nhằm thúc đẩy hợp tác, duy trì tăng trưởng và giải quyết các thách thức chung của cộng đồng quốc tế.

Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G7, với sự tham dự của các nước và tổ chức quốc tế khách mời. 

Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng đầu tiên được tổ chức năm 2000, khi đó Nam Phi là khách mời đầu tiên. Hội nghị này nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự tham dự và đóng góp của các nước đang phát triển, đẩy mạnh quan hệ đối tác của G7 với các nước đang phát triển trong giải quyết các thách thức toàn cầu. 

Khách mời của Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay gồm lãnh đạo cấp cao của 8 quốc gia. Ngoài Việt Nam, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Comoros, Quần đảo Cook tham dự trực tiếp thì Ukraine tham dự trực tuyến. 

Ngoài ra, hội nghị còn có sự tham dự của 6 tổ chức quốc tế: Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế và Ngân hàng Phát triển châu Á. 

Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng gồm 3 phiên, với các chủ đề: “Hợp tác xử lý đa khủng hoảng” (tập trung vào các chủ đề lương thực, y tế, phát triển, bình đẳng giới); “Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững” (tập trung vào các chủ đề khí hậu, môi trường và năng lượng) và “Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng” (tập trung vào các chủ đề hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, hợp tác đa phương). 

Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng dự kiến thông qua “Chương trình hành động Hiroshima về An ninh lương thực toàn cầu tự cường”. Đây là lần đầu tiên Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng thông qua một văn kiện chung.

Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7, Group of Seven) được thành lập vào năm 1976, là một liên minh gồm 7 nước có nền công nghiệp tiên tiến: Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada, Ý.

Cùng với nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), G7 đóng vai trò quan trọng trong việc định hình và củng cố cấu trúc và quản trị toàn cầu.

G7 còn là tập hợp tiếng nói, phản ánh quan điểm tương đồng và lợi ích của các quốc gia phát triển trong giải quyết các vấn đề chung về an ninh quốc tế và thúc đẩy các cuộc thảo luận giải quyết thách thức toàn cầu. 

Các thành viên nhóm G7 sở hữu tổng cộng hơn một nửa giá trị tài sản thế giới, thường xuyên chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu, với thị trường khoảng 10% tổng dân số thế giới. 

Liên minh châu Âu có đầy đủ quyền và trách nhiệm của thành viên nhóm, ngoại trừ việc chủ trì hoặc tổ chức các cuộc họp. 

Nga đã từng tham gia đầy đủ vào các cuộc gặp của nhóm G7, hình thành nhóm G8. Tuy nhiên, từ năm 2014, Nga bị loại khỏi G7 sau sự kiện Bán đảo Krym và xung đột tại Donbas.

Hội nghị thượng đỉnh G7 được tổ chức hàng năm ở cấp người đứng đầu Nhà nước hoặc Chính phủ các thành viên và do nước chủ tịch (theo luân phiên) đăng cai.

Hội nghị tập trung trao đổi, thúc đẩy, giải quyết các vấn đề toàn cầu từ kinh tế, chính trị, xã hội gồm tài chính, tăng trưởng, công nghệ, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, dịch bệnh, bình đẳng giới, các điểm nóng, xung đột trên toàn cầu…

Adblock test (Why?)

Previous
Next Post »
Thanks for your comment