Dân khát chỗ vui chơi, công viên 12ha làm xong ‘cửa đóng then cài’

Hoàn thiện hơn 2 năm nay, công viên Thiên Văn học, rộng 12ha, ở khu đô thị Dương Nội (Hà Đông) vẫn rào kín các lối, dân không được vào tập thể dục. Còn dự án Công viên Thể thao cây xanh ở quận này lại bị ‘băm nát’ làm nhà hàng, sân golf…

LTS: Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa nêu quyết tâm, trong năm 2023 thành phố sẽ làm "sống lại" các công viên trên địa bàn để người dân được hưởng lợi một cách công bằng và tự do tiếp cận. Báo VietNamNet ghi nhận thực trạng hệ thống công viên, chỉ rõ bất cập, chung tay góp giải pháp hồi sinh các công viên. Thực tế cho thấy, nhiều dự án công viên mới vẫn nằm trên giấy hoặc khởi công rồi ‘đắp chiếu’, công viên cũ vẫn cảnh bị “xẻ thịt”, lấn chiếm. Thực trạng này đòi hỏi, muốn xây dựng Thủ đô trở thành đô thị xanh, cần thực hiện nghiêm quy hoạch mạng lưới công viên, vườn hoa đã có từ năm 2014 với chủ trương dành quỹ đất phù hợp sau di dời cơ sở công nghiệp, bệnh viện, trường đại học cho không gian xanh và ưu tiên đầu tư xứng tầm. Bên cạnh đó, cần quyết liệt giải tỏa, di dời các công trình sử dụng sai mục đích trong công viên, trả lại mảng xanh công cộng. 

Công viên Thiên Văn học có diện tích 12ha thuộc phường Dương Nội (quận Hà Đông), được hoàn thiện vào năm 2020 với các hạng mục như quảng trường Big Bang, vườn Dải Ngân Hà, quảng trường Hệ Mặt Trời, cầu Ánh Trăng, Khu vật thể lạ (UFO Zone), quảng trường Ngoài Hành Tinh, bể Hố Đen.

Công viên kết hợp giữa cây xanh, mặt nước và các công trình thiên văn này được xây dựng hứa hẹn tạo ra không gian vui chơi, giải trí, học tập lành mạnh cho người dân trong khu vực quận Hà Đông, cũng như TP Hà Nội.

Công viên để cỏ mọc um tùm, người dân không thể vào dạo mát, đi bộ

Tuy nhiên, hơn 2 năm kể từ ngày hoàn thành, công viên có tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ trên vẫn được rào chắn, không cho người dân vào tập thể dục, dạo chơi. Tất cả lối ra vào công viên đều có bảo vệ canh gác nghiêm ngặt 24/24h. Tấm biển lớn thông báo không cho người dân vào công viên Thiên Văn học cũng được treo giữa lối đi.

Theo ghi nhận của phóng viên VietNamNet, nhiều người dân đi tập thể dục trong khu đô thị Dương Nội đều có mong muốn được vào bên trong công viên rộng 12ha này. Tuy nhiên, chỉ cần tiến đến gần lối vào, lực lượng bảo vệ sẽ ra ngăn cản.

“Công viên hoàn thành từ năm 2020, nhưng từ đó đến nay chúng tôi được chủ đầu tư yêu cầu không cho người dân vào tập thể dục. Chúng tôi cũng không hiểu lý do tại sao dẫn đến sự lãng phí như vậy”, một bảo vệ ở cổng công viên Thiên Văn học chia sẻ. 

Bên trong nhiều hạng mục đã bị xuống cấp sau một thời gian hoàn thành dù người dân chưa được tận hưởng

Là nhân viên văn phòng, sống trong khu đô thị Dương Nội, anh Nguyễn Ngọc Tùng (37 tuổi) có đam mê chạy bộ với gia đình vào dịp cuối tuần hay kỳ nghỉ lễ. Từ năm 2019, anh Tùng chuyển nhà về khu đô thị Dương Nội với kỳ vọng khi công viên Thiên Văn học hoàn thành, gia đình có chỗ vui chơi vào dịp cuối tuần, mà không cần phải lặn lội đi xa.

Đến nay, mong muốn từ năm 2019 của gia đình anh Tùng không thành hiện thực. Mỗi lần chạy bộ trên tuyến đường bao quanh công viên Thiên Văn học, theo anh Tùng, nhìn công viên không ai được vào, người dân phải tập thể dục ngoài đường, cảnh tượng này rất trớ trêu. Anh Tùng cũng chia sẻ nuối tiếc khi công viên có nhiều hạng mục thiên văn rất sinh động, nhưng trẻ nhỏ trong khu vực không được thưởng thức.

“Chạy bộ, đi dạo trên tuyến đường bao quanh công viên rất nguy hiểm vì ô tô, xe máy ngày càng đông. Do vậy, cư dân chúng tôi mong công viên sớm mở cửa để mọi người có thể vào tập, vui chơi”, anh Tùng nói và cho biết, giờ đây mỗi dịp cuối tuần gia đình anh phải chở nhau ra tận công viên Yên Sở để dạo chơi.

Nhà hàng, kho, xưởng... "xẻ thịt" khu đất của Công viên Thể thao cây xanh Hà Đông

Công viên Thể thao cây xanh Hà Đông được quy hoạch với diện tích 98,2ha, được kỳ vọng là dự án thí điểm “lá phổi xanh” của TP Hà Nội. Công viên này được quy hoạch từ những năm 2008, nằm trên địa bàn phường Hà Cầu và Kiến Hưng (quận Hà Đông).

Theo quy hoạch, công viên này là công viên mở (không xây tường rào), đáp ứng yêu cầu tạo lập không gian sinh hoạt văn hoá, thể thao, nhằm cải thiện môi trường sống của người dân, trở thành điểm nhấn mới của Thành phố. Các hạng mục chính được xây dựng trong công viên như hồ điều hòa, đường giao thông, đường dạo, khu chợ sinh vật cảnh…

Khu nhà xưởng trong đất công viên này bị hỏa hoạn thiêu rụi vào  20/10 vừa qua

Hơn chục năm đã trôi qua, hàng chục tòa nhà cao tầng đua nhau mọc ở hai phường này, nhưng công viên Hà Đông vẫn không được xây dựng. Diện tích đất đã thu hồi được quận Hà Đông giao Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất ‘tận dụng’ sân bóng mini, sân tập golf, bãi đỗ xe tĩnh (không được xây những công trình kiên cố).

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trên phần diện tích đất được quy hoạch làm công viên này mọc lên hàng loạt hàng quán, kho bãi, trung tâm sửa chữa ô tô, sân golf… được xây dựng kiên cố. ‘Điểm nhấn’ trong đó là sân golf Hà Đông được xây dựng khang trang, kiên cố, có nhà hàng và bãi đỗ xe dành riêng cho khách.

Được biết, mỗi khu nhà xưởng rộng 100m2 nằm trên đất công viên được cho thuê khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng. Trao đổi với phóng viên, một nhân viên trong Chi nhánh phát triển quỹ đất Hà Đông cho biết, dự án công viên, thể thao này sắp được triển khai. Khi đó, các nhà xưởng sẽ bị giải toả.

Dự án Công viên Thể thao cây xanh Hà Đông bị treo nhiều năm cũng khiến cử tri bức xúc kiến nghị với lãnh đạo UBND TP Hà Nội. Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã yêu cầu, quận Hà Đông và các sở, ngành có giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng.

Kỳ tiếp: Nhiều dự án công viên, khu vui chơi ở Hà Nội được khởi công rầm rộ, nhưng sau đó lại quây rào kín mít, ‘đắp chiếu’, lãng phí nguồn lực đất đai. Mời quý độc giả đón đọc bài 7... 

Adblock test (Why?)

Previous
Next Post »
Thanks for your comment