Chủ tịch Quốc hội: Xem xét điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm

Sáng 20/10, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV  khai mạc trọng thể. 

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, kỳ họp cuối năm bao giờ cũng có khối lượng công việc rất lớn, dự kiến trong 21 ngày làm việc, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định nhiều nội dung quan trọng.

Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2023; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quốc hội

Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83% cao nhất kể từ năm 2011 đến nay; các khu vực của nền kinh tế đều có tốc độ phục hồi và tăng trưởng cao. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, bình quân chỉ tăng 2,72% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu được chú trọng và có nhiều chuyển biến tích cực. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện.Ngành y tế tiếp tục giữ vai trò nòng cốt, có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ngành giáo dục có nhiều cố gắng, kịp thời nghiên cứu, điều chỉnh chương trình giáo dục phổ thông theo Nghị quyết của Quốc hội.

Công tác đối ngoại được triển khai chủ động, tích cực, sôi động, hiệu quả, góp phần bảo đảm và bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Công tác cải cách hành chính, công tác kiểm tra, thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được đổi mới và tăng cường, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng thời gian còn lại của năm 2022 và năm 2023 sắp tới, chúng ta tiếp tục phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, có thể làm chậm lại quá trình phục hồi và phát triển KTXH.

Toàn cảnh phiên khai mạc. Ảnh: Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH nghiên cứu thật kỹ các báo cáo, tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội, tập trung thảo luận, phân tích; chỉ ra nguyên nhân khách quan, chủ quan và đúc kết những bài học có giá trị thực tiễn. Trên cơ sở đó xem xét, quyết định các quan điểm, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cơ bản, quan trọng và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển KTXH, tài chính, ngân sách, đầu tư công cho năm 2023, phương án điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công năm 2023.

Về công tác lập pháp, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật,  dự thảo nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật.

"Đây là khối lượng công việc lập pháp rất nặng nề, vừa có phạm vi rộng lớn, vừa chứa đựng những vấn đề chuyên sâu, trong đó có những dự án luật ngay trước thềm kỳ họp đã thu hút được sự quan tâm sâu sắc của dư luận, cử tri và nhân dân cả nước", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ông đề nghị các ĐBQH nêu cao trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, tiếp tục đóng góp ý kiến để hoàn thiện, nhất là đối với các vấn đề lớn, các vấn đề quan trọng còn ý kiến khác nhau, đảm bảo chất lượng cao nhất khi xem xét, thông qua các dự án luật và dự thảo nghị quyết. 

Đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đây là dự án luật quan trọng, định hướng hoạt động quản lý và sự phát triển bền vững của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế, hiện vẫn còn có ý kiến khác nhau. Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập trung cho ý kiến sâu hơn về cơ chế bảo đảm tinh thần “lấy người bệnh làm trung tâm” gắn với bảo đảm công bằng xã hội trong tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, việc tiếp tục đổi mới, cải tiến quy trình, cách thức tiến hành kỳ họp - hình thức hoạt động chủ yếu, quan trọng nhất của Quốc hội - là nhân tố quan trọng để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Các ĐBQH tập trung thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), nhất là các nội dung liên quan đến việc thể chế, quy tắc hóa những cải tiến, đổi mới trong công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, quy trình, thủ tục xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp đã được thực tiễn kiểm nghiệm trong thời gian qua...

Về hoạt động giám sát, Quốc hội sẽ nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4; báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3. Quốc hội sẽ chất vấn và trả lời chất vấn.

Quốc hội cũng xem xét các báo cáo công tác của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2022.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”. Đây là nội dung giám sát quan trọng, có quy mô lớn, phạm vi rộng, đang nổi lên cấp bách trên nhiều lĩnh vực được các ĐBQH, nhân dân và cử tri cả nước rất quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập trung đánh giá kết quả đạt được, chỉ rõ những lĩnh vực, những địa bàn, những địa chỉ để xảy ra tình trạng lãng phí nghiêm trọng, làm rõ hạn chế, khó khăn, vướng mắc, chỉ rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân...Ngoài ra, các ĐBQH cũng có thể kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định miễn nhiệm, bầu Tổng Kiểm toán nhà nước; miễn nhiệm, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Bộ trưởng GTVT; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Bộ trưởng Y tế.

Adblock test (Why?)

Previous
Next Post »
Thanks for your comment