Theo phản ánh của báo chí, anh V.K.D. (31 tuổi, ở Tây Hồ, Hà Nội) vừa bị Ban Quản lý tòa nhà Sao Mai (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) phạt số tiền 2 triệu đồng về hành vi không đeo khẩu trang khi di chuyển trong thang máy.
Công an quận Thanh Xuân đang làm rõ việc Ban Quản lý tòa nhà Sao Mai đã xử phạt bao nhiêu người, thu về bao nhiêu tiền và sử dụng số tiền này vào mục đích gì.
Trao đổi với VietNamNet, luật sư Trần Thị Thanh Lam (Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, Khoản 1 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định:
Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
Khoản 2, Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 nêu rõ: “Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.”
Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Luật này và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Theo đó, với hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng có thể bị xử phạt từ 1- 3 triệu đồng, theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Thẩm quyền xử phạt quy định tại Nghị định này thuộc về Chủ tịch UBND cấp xã; Chánh Thanh tra Sở Y tế; Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng phòng Công an cấp tỉnh.
Theo luật sư, nếu Ban quản lý toà nhà áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính là trái thẩm quyền.
Tuy nhiên có thể xảy ra trường hợp, việc Ban Quản lý tòa nhà nơi làm việc áp dụng phạt tiền là thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên về phạt vi phạm hợp đồng được quy định tại pháp luật dân sự và pháp luật về nhà ở.
Điều 513 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu: “Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ”.
Đối tượng của hợp đồng dịch vụ là công việc có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Thỏa thuận phạt vi phạm được quy định tại Điều 418 của Bộ luật này như sau:
1. Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.
2. Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
3. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.
Ngoài ra, với các toà nhà chung cư thì có thể tồn tại hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư, được giao kết giữa ban quản trị nhà chung cư với tư cách là người đại diện cho các chủ sở hữu, sử dụng căn hộ và đơn vị quản lý vận hành sau khi đã được Hội nghị nhà chung cư lựa chọn.
Trường hợp trong Hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư hoặc hợp đồng thoả thuận về dịch vụ giữa Ban quản lý toà nhà với các đơn vị thuê nhà và nhân viên đơn vị thuê có thỏa thuận về việc phạt vi phạm hợp đồng, bao gồm các hành vi như không đeo khẩu trang trong thang máy trong thời kỳ dịch bệnh… thì người vi phạm có thể bị phạt tiền.
Khi đó, ban quản lý tòa nhà thu tiền phạt với tư cách là một bên tham gia hợp đồng, chứ không phải là xử phạt vi phạm hành chính.
Trường hợp giữa các bên không tồn tại loại thoả thuận theo hợp đồng này mà ban quản lý toà nhà xử phạt hành vi vi phạm đối với cá nhân thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính là trái thẩm quyền.
T.Nhung
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon