Thủ đô của Nhật Bản hôm 2/7 xác nhận có thêm 107 ca nhiễm Covid-19, mức tăng theo ngày cao nhất trong vòng hai tháng qua.
Theo hãng tin Reuters, sau khi dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp hôm 15/5, thành phố 14 triệu dân đã tìm cách duy trì số ca nhiễm mới hàng ngày dưới 20. Tuy nhiên, tuần trước, ca nhiễm hàng ngày ở Tokyo đều vượt con số 50.
Lần gần đây nhất số ca nhiễm mới ở Tokyo vượt qua mức 100 là vào hôm 2/5. Hôm 1/7, số ca mới được xác nhận là 67 trường hợp. Thị trưởng thành phố Yuriko Koike cho hay, 70% số ca ghi nhận hôm 2/7 là người trong độ tuổi 20 và 30.
Dịch lại bùng lên dữ dội ở nhiều nơi trên thế giới. Ảnh: Reuters |
Tuy nhiên, Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga cho rằng không cần thiết phải ban bố tình trạng khẩn cấp mới vào lúc này.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục lưu ý tình hình lây nhiễm trong khu vực với tinh thần khẩn trương và cố gắng để cùng ngăn chặn sự lây nhiễm cũng như hỗ trợ cho hoạt động kinh tế”, ông Suga nói với các nhà báo.
Cũng trong ngày 2/7, Bộ Y tế Brazil ghi nhận có đến 48.105 ca nhiễm Covid-19 mới, đưa tổng số người bệnh tại đây lên 1.496.858. Bên cạnh đó, có thêm 1.252 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số người thiệt mạng lên 61.884.
Trong khi đó, Peru - quốc gia giáp biên với Brazil ghi nhận thêm 185 ca tử vong trong ngày 2/7, đưa tổng số lên ít nhất 10.045. Số ca nhiễm mới được ghi nhận là 3.527, nâng tổng số lên 292.004 trường hợp mắc Covid-19.
Bộ Y tế Peru nói rằng, hôm 2/7 đã đánh dấu ngày thứ 6 liên tiếp số người xuất viện cao hơn so với số ca nhiễm mới. Trong 6 ngày vừa qua, tổng cộng đã có 22.291 người rời bệnh viện sau khi điều trị thành công virus gây bệnh Covid-19.
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi trận đại dịch. Trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận hơn 51 nghìn ca mới, 599 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và tử vong lên lần lượt là 2.831.494 và 131.391.
Gần 40 bang ở Mỹ đang chứng kiến số ca nhiễm Covid-19 tăng trở lại. Một số bang còn ghi nhận con số người nhiễm mới cao kỷ lục và phải tái áp đặt biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Tổng thống Honduras kêu gọi người dân chống Covid-19. Ảnh: CNN |
Tại khu vực Trung Mỹ, Tổng thống Honduras Juan Orlando Hernández sáng 2/7 đã chính thức được xuất viện, sau 16 ngày điều trị Covid-19. Ông Hernández đã đề nghị người dân hỗ trợ ông chống lại virus bằng cách giữ trách nhiệm cá nhân.
“Covid đã thay đổi cuộc sống của chúng ta”, Tổng thống Honduras nói thêm. Ông Hernández đã nhập viện hôm 16/6, trở thành tổng thống đầu tiên ở khu vực Mỹ Latin dương tính với virus. Vợ ông và hai trợ lý cũng nhiễm Covid-19.
Dịch Covid-19 còn lâu mới kết thúc
Từ châu Âu, phát biểu trong cuộc họp báo chung qua video với Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố lục địa già đang đối mặt với “giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử” do cuộc khủng hoảng Covid-19.
Bà Merkel cảnh báo đại dịch “còn lâu mới kết thúc” và “chúng ta đang hàng ngày chứng kiến sự tồn tại của virus”.
Trong một cảnh báo khác đưa ra một ngày trước đó, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho rằng khu vực Mỹ Latin và Caribbean có thể phải chứng kiến tình trạng người thất nghiệp tăng cao kỷ lục do ảnh hưởng của Covid-19.
“Tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng 4-5 điểm phần trăm, khiến con số mất việc làm trong khu vực lên cao kỷ lục 41 triệu người. Nếu cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn, tình hình việc làm có thể còn tệ hại nữa, nới rộng hơn những bất bình đẳng xã hội”.
Trước khi dịch bệnh tấn công khu vực, tỷ lệ thất nghiệp ở đây là 8,1%, ILO cho hay.
Tính đến 6h30 sáng nay (3/7), Covid-19 đã tấn công 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tổng số người mắc bệnh hiện là 10.967.711, trong đó bao gồm 523.127 ca tử vong, theo số liệu thống kê của trang Worldometers.
Dương Lâm
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon