Là một cây bút mới gia nhập làng văn nhưng Trung Sỹ đã có những tác phẩm đáng chú ý về đề tài chiến tranh và Hà Nội.
Điều đó cũng không mấy lạ, bởi lẽ Trung Sỹ là trai Hà Thành chính hiệu, từng đi qua thời “mũ rơm”, “tem phiếu”, đồng thời cũng là một người lính bộ binh đã tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam.
Sau hơn 4 năm (từ năm 1978 đến năm 1983) dọc dài các nẻo chiến trường ở đất nước Chùa Tháp, hơn ai hết, ông là người trải nghiệm đến ám ảnh sự khốc liệt cùng sự hy sinh, mất mát của đồng đội, của người dân lành. Sự khốc liệt trần trụi từng được ghi lại trong Chuyện lính Tây Nam nay được tái hiện trong cuốn sách Đội trinh sát và con chó Sara vẫn đầy máu lửa, tươi ròng và sống động hơi thở cuộc chiến.
Sự khốc liệt của chiến tranh biên giới Tây Nam qua cuốn sách Đội trinh sát và con chó Sara. |
Là cây bút bước ra từ chiến trường, trực tiếp đối mặt với quân diệt chủng, tận mắt thấy những xác người không toàn thây sau những thảm sát phi nhân tính, giọng văn của Trung Sỹ không chỉ có cái mùi khói đạn đặc trưng mà còn có mùi đắng hắc của ký ninh, mùi vết thương hoại, mùi xác chết đang trương, mùi tanh gây của máu, của những mảnh nhuyễn thịt vụn thân người người trộn lẫn với khói đen khét lẹt. Có lẽ, ông không chỉ viết bằng bút mà bằng mọi giác quan, bằng súng!
Trên đường hành quân, trong trùng vây rừng khộp, bất cứ nơi nào, người lính Việt Nam tình nguyện cũng có thể phải đối mặt với đói khát, với thiên nhiên khắc nghiệt, với thú dữ, bom đạn, quân thù, khiến ranh giới giữa sự sống và cái chết trở thành mong manh: “Một khu rừng nhiệt đới nguyên sinh, một thiên nhiên thật thà hoang dã đã bội nhiễm bởi những trái mìn dày đặc. Mìn dày như những cái gai độc cắm vào lòng trái đất. Chớ nên tin một khóm lan rừng đang ra hoa, một bụi sâm tươi tốt, một bãi nghỉ râm mát, một bờ suối trong lành… Tất cả có thể đã bị cài mìn”.
Chứng kiến nhiều cái chết đau đớn của đồng đội, người chết khát giữa rừng, người liệt tim vì bị rắn cắn, nhiều người bị mảnh bom găm vào da thịt, cắt lìa tay, chân, chết dần mòn trong đau đớn kéo dài, đến mức tác giả chỉ ước nếu lỡ tử thần có dạo bước ghé thăm thì được chết tốt bởi một loạt đạn bắn gần hay một trái mìn chớp nổ. Chết tốt là phải chết ngay! Cái chết tức thì nhẹ nhàng, không đớn đau khắc khoải.
Bối cảnh cuộc chiến được tái hiện qua thể loại tiểu thuyết chiến tranh với hai tuyến nhân vật đối nghịch và kết thúc có phần có hậu, song có lẽ như lời thề của lính, Trung Sỹ đã rất mực tôn trọng sự thật. Bên cạnh những trang viết nhuốm màu huyền bí mô tả trận lốc ma cuốn dựng thảm lá khô nơi bìa rừng hay những đoạn tái hiện vẻ u tịch bí hiểm của một ngôi đền hoang giữa rừng khộp nắng hun là sự đói khát của những chàng lính trẻ trong rừng sâu núi thẳm, là những lần phải uống nước tiểu của chính mình để qua cơn khát.
Bên cạnh những cảm tình trai gái lãng mạn, những đụng chạm da thịt đầy rạo rực đưa đẩy hồn yêu và khát khao tuổi trẻ là những “nỗi buồn chiến tranh”, những đêm gác trõm mắt, những trận sốt rét rừng quằn quại, là nỗi nhớ mong khắc khoải quê nhà. Là phút phân vân vì bản năng sống, là lúc hoang mang nghĩ tới cái chết. Là ước mong đến ngày giải ngũ, về đến ngõ nhà gặp mẹ, gặp em, để sống nốt những tháng năm tuổi trẻ. Những chất liệu thô tháp ấy, những tình cảm rất thật của con người ấy khó lòng mà hư cấu nổi.
Cũng qua Đội trinh sát và con chó Sara, người đọc có thể hình dung phần nào đời sống đen tối và số phận khổ hạnh của con người ở đất nước chùa Tháp trong thời kỳ này.
Rõ ràng, chiến trường Tây Nam để lại trong những người lính chiến những ký ức ám ảnh chẳng kém một trận địa khốc liệt nào trên dải đất Việt nhiều thương đau, nhưng bao trùm và xuyên suốt trong hình tượng người lính vẫn là tấm lòng yêu thương, nỗi nhớ mong tha thiết đối với gia đình, Tổ quốc, vẫn là ước vọng hòa bình và đoàn tụ...
Nguyễn Linh
Cuốn sách mang tới cho độc giả một mùa hè mát lành
Phần 2 của series 'Tiệm sách Cơn Mưa' tiếp tục đưa độc giả vào những chuyến phiêu lưu kỳ thú cùng cô bé Ruko.
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon