Nhà tù Hỏa Lò nằm trên phố Hoả Lò (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) được thực dân Pháp xây dựng năm 1896. Hỏa Lò là một trong những nhà tù lớn và kiên cố bậc nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Nơi đây, thực dân Pháp giam nam tù chính trị với chế độ vô cùng hà khắc, nhằm giết dần, giết mòn những người con ưu tú của cách mạng Việt Nam.
Sáng mùa hè tháng 7, trong tiết trời nóng bức, người đàn ông mái tóc hoa râm, lưng còng, chậm rãi bước từ tầng 2 căn nhà nhỏ nằm sâu trên phố Hàng Bông (Hà Nội) ra đường lớn bắt xe ôm. Đó là ông Dương Tự Minh - cựu tù chính trị nhà tù Hỏa Lò, Phó Trưởng ban liên lạc các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại nhà lao Hỏa Lò.
85 tuổi trải qua hết sự đời, từng giữ nhiều chức vụ trong công tác đoàn thể, sức khỏe giảm sút nhưng ông Minh vẫn từ tốn, ánh mắt đầy bồi hồi mỗi khi trở lại nơi cũ.
Nhà tù Hỏa Lò trở thành nơi lưu giữ đặc biệt, ông thường xuyên lui lại mỗi khi có dịp kỷ niệm hay trưng bày triển lãm. Trong thâm tâm, đây như là “trường học cách mạng” dù từng chịu khổ nhưng là nơi ông giác ngộ, trưởng thành hơn.
Ông tự hào giới thiệu về truyền thống cách mạng gia đình mình - một gia đình trí thức tiến bộ. Ông sinh năm 1935, tuổi thơ chứng kiến những phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ.
Khi ông 10 tuổi, sau Cách mạng tháng Tám thành công, cha ông GS Dương Quảng Hàm được Chính phủ cử làm Thanh tra Trung học vụ và Hiệu trưởng Trường Chu Văn An (trước đây là trường Bưởi). Nhà ông có 8 anh chị em, mỗi người đều có con đường riêng nhưng đều một lòng hướng theo cách mạng, người thì nam tiến, người làm bác sĩ, người làm phát thanh viên, người tham gia các cơ quan, đoàn thể của Việt Minh. Bản thân nhỏ tuổi, ông cũng đã tham gia vào Đội nhi đồng cứu quốc của khu phố.
Cuối năm 1946, kháng chiến toàn quốc sắp nổ ra, theo chủ trương của Chính phủ, người Hà Nội tản cư về các vùng quê. Căn nhà gia đình ông ở được đục tường, thông với các nhà bên cạnh thành một lối đi cho dân quân, tự vệ luồn qua đánh du kích. Ngày 19/12/1946, GS Hàm bị địch bắn chết. Trước đó, người con gái thứ 2 tham gia đội tự vệ, mang cơm tiếp tế cho dân chỉ kịp gặp bố mẹ trong chớp nhoáng.
Mẹ ông đưa ông cùng chị gái nhỏ tuổi là bà Dương Thị Cương lên chiến khu trong khi các anh chị khác thì tiếp tục tham gia kháng chiến. Vài năm sau, 3 mẹ con ông trở lại căn nhà cũ ở phố Hàng Bông, nơi đây tiếp tục là cơ sở nuôi dưỡng cán bộ kháng chiến hoạt động nội thành. Lúc này, trường Chu Văn An đã mở lại, ông vào học lớp đệ nhất (tương đương lớp 6 bây giờ).
Chàng trai trẻ Hà Nội ngày ấy đón chờ và đi theo cách mạng bằng cả trái tim và lý tưởng. Ông cùng chị gái tham gia đoàn học sinh kháng chiến chống Pháp. “Tôi được giao nhiệm vụ tuyên truyền và xây dựng tổ chức ở cơ sở, trong quá trình đó, việc in truyền đơn, chuyển tài liệu kháng chiến và in báo đều diễn ra tại nhà” ông Minh kể.
Năm học 1949 - 1950, đoàn học sinh kháng chiến Hà Nội tổ chức bãi khóa rầm rộ phản đối địch bắt anh Phạm Hướng (đầu mối các phong trào đoàn thể học sinh, sinh viên ở Hà Nội) và 2 học sinh.
Chỉ tay vào bức ảnh trường Chu Văn An cũ ông bồi hồi nói: “Sáng hôm đó, mật thám đứng đầy ở sân trường nhằm ngăn cản học sinh bãi khóa, do có chuẩn bị trước nên chúng không làm gì được chúng tôi. Truyền đơn do tôi in ấn vẫn đến được tay các bạn, kêu gọi nghỉ học bãi khóa. Cuộc bãi khóa trường tôi lan sang cả trường nữ sinh Trưng Vương và tất cả các trường nội thành cũng đồng thời nghỉ học, phản đối lệnh bắt giữ”.
Phong trào bãi khóa bùng nổ khi học sinh Trần Văn Ơn cùng 2 người khác bị địch sát hại ở Sài Gòn. Việc này gây căm phẫn trong cả nước, hàng vạn người đi đưa tang, tưởng nhớ. “Tin đó lan truyền ra miền Bắc, Hà Nội, các cuộc diễu hành lớn diễn ra, lễ truy điệu được tổ chức ở Nhà thờ lớn và chùa Quán Sứ thu hút hàng nghìn người. Học sinh nam thì mặc áo trắng, nữ mặc áo dài trắng, tay giơ khẩu hiệu, diễu hành tưởng nhớ đến anh Trần Văn Ơn” ông Minh nói.
Mùa hè năm 1950, địch ra tay khủng bố phong trào, chúng bắt bớ nhiều người, hơn 100 học sinh, sinh viên bị giam cầm. Ông Minh và chị gái cũng bị bắt nhưng do không có chứng cứ nên sau 2 tuần chúng phải thả.
Sau đó, ông bắt liên lạc lại với tổ chức đoàn, hoạt động tích cực hơn. Ông được kết nạp vào đoàn Thanh niên Cứu quốc. Tham gia vào việc in ấn, phát tán báo “Nhựa sống” - cơ quan của đoàn học sinh kháng chiến Hà Nội, trở thành tờ báo quan trọng lưu hành trong khối học sinh, sinh viên.
Khi ra được đến gần 20 số báo, đến tháng 10/1952, ông Minh cùng những người bạn trong nhóm đang in báo thì bị mật thám Pháp ập đến ngôi nhà phố Hàng Bông khám xét do có chỉ điểm. Khi địch đến chỉ thu được một số báo và ít tài liệu tuyên truyền, ông Minh lại bị bắt lần thứ 2, lần này nhóm ông bị đưa về Sở Mật thám Hà Nội.
Tại đây, anh em ông bị thẩm vấn, phải chịu những trận đòn tra tàn khốc của mật thám Pháp. Sau 2 tháng, nhóm ông Minh bị chuyển sang giam tại Nhà tù Hỏa Lò chờ đưa ra tòa án quân sự xét xử theo lệnh của Thủ hiến Bắc Việt.
Nhóm ông do đã có tiếng trung kiên, hoạt động phong trào sôi nổi nên khi vào tù bị “chăm sóc đặc biệt”. Mỗi người được phát một thẻ số tù bằng gỗ có in khắc chìm, có dây luồn qua phía trên để đeo vào cổ. Thẻ của ông Minh mang số VN 2017, đây là một tấm thẻ đã cũ, mặt sau có vết khoét lõm xuống.
Các phòng giam tối tăm, xà lim chật chội, thiếu không khí. Những tên cai ngục ở đây đều khét tiếng, có thâm niên cai quản nhà tù, sẵn sàng đàn áp, thậm chí cướp đi sinh mạng của tù nhân.
Kể lại tháng ngày “nằm gai nếm mật”, ông chia sẻ: “Vào tù, bọn cai ngục cho những người tù cách mạng ăn thức ăn ôi thiu, sỉ nhục tù nhân, rồi đánh đập, phun vòi nước mạnh vào người. Những anh đứng đầu thì bị giam trong ngục Cachot tối tăm hun hút.
Người tù bị nhốt biệt lập, bị cùm trong đêm, phải ăn ngủ vệ sinh tại chỗ, sàn giam dốc ngược khiến tù nhân không nằm được. Chỉ sau một thời gian ngắn, người tù bị phù nề, mắt mờ, ghẻ lở do thiếu vệ sinh, ánh sáng và cả dưỡng khí. Trên tường chỉ có duy nhất 1 ô cửa bé bằng lòng bàn tay để lọt ánh sáng, nhằm làm suy kiệt tinh thần”.
Mặc dù chế độ nhà tù hà khắc với nhiều hình thức tra tấn tàn độc, kẻ thù vẫn không thể nào khuất phục được ý chí, tinh thần yêu nước của những chiến sĩ cộng sản. Các tù binh vẫn bền gan, vững trí, tìm cách đào hầm, vượt ngục. Không những thế tại đây ông tiếp tục được các chiến sỹ cộng sản giúp đỡ, rèn luyện, giáo dục và trưởng thành.
Các lớp học chính trị và văn hóa, ngoại ngữ, diễn thuyết do chi bộ nhà tù Hỏa Lò bí mật tổ chức. Không có đồ dùng học tập nên nền xi măng biến thành bảng học, vôi tường được dùng làm phấn, học xong lại xóa đi vô cùng khó khăn, thiếu thốn.
Qua từng năm tháng, vết bụi thời gian có thể xóa mờ đi nhiều thứ, nhưng đối với ông Minh những ngày được đấu tranh với địch nơi “địa ngục trần gian” mãi mãi không phai mờ…
Sau giải phóng Thủ đô, ông trở lại trường Chu Văn An tiếp tục học. Năm 1955, ông vinh dự là đại diện cho học sinh vùng mới giải phóng đi dự Đại hội Thanh niên và sinh viên thế giới tại Vacsava (Ba Lan). Sau đó, ông về công tác tại Thành đoàn Hà Nội, rồi Trung ương Đoàn, công tác phong trào học sinh, thanh thiếu nhi. Khi 50 tuổi, do hoàn cảnh ông chuyển sang công tác tại ngành ngoại thương Hà Nội, rồi làm giám đốc khách sạn Thăng Long.
Sau nghỉ hưu (năm 1988), vợ chồng ông Dương Tự Minh dành nhiều thời gian thăm thú đây đó, đến nay đã đi được hơn 30 quốc gia.
Bây giờ, tuổi cao, con cháu đề huề, cuộc sống an viên, ông chỉ hy vọng có thêm sức khỏe để gặp những người bạn, đồng đội cũ, những cựu tù Hỏa Lò năm xưa.
Thành Nam - Ảnh tư liệu nhà tù Hỏa Lò
Thiết kế: Nguyễn Huệ
Cuộc sống của con gái ông Hoàng Quốc Việt được Bác Hồ đặt tên
Hạ Chí Nhân, con gái nhà cách mạng Hoàng Quốc Việt, từng được Bác Hồ bế ẵm và đặt tên trong ngày đầy tháng. Bà là một trong những đứa trẻ có tuổi thơ gắn bó với Bác nhiều nhất trên chiến khu Việt Bắc.
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon