Nữ Thạc sĩ 9X người Tày trồng dâu tây, hoa hồng thu 2 tỷ đồng/năm

Đoàn Thu Trà là tấm gương thanh niên điển hình nhạy bén với thời cuộc. Cô đã khởi nghiệp thành công từ nông nghiệp nhờ tận dụng lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.

Đồng thời cô còn ứng dụng công nghệ 4.0, nông nghiệp thông minh vào sản xuất.

Khởi nghiệp từ đam mê và những điều không ai dám làm

Năm 2013, cô sinh viên dân tộc Tày - Đoàn Thu Trà (sinh năm 1991, Cao Bằng) tốt nghiệp ĐH Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam).

Với tấm bằng loại Khá, năm 2014, Thu Trà quyết định trở về quê hương Cao Bằng làm việc trong cơ quan nhà nước. Cùng thời gian đó, Thu Trà tiếp tục thi và học lên Thạc sĩ từ năm 2014-2016, ngành Khoa học cây trồng.

Nữ Thạc sĩ 9X người Tày trồng hoa hồng thu 2 tỷ đồng/năm
Nữ Thạc sĩ Đoàn Thu Trà

Trở về quê hương, Thu Trà chứng kiến cảnh người dân quê mình còn quá nhiều vất vả, lam lũ với mảnh ruộng, quanh năm chỉ biết 2 vụ chuyên trồng lúa, sản lượng cũng thấp và thu nhập không ổn định, lại luôn phải vay mượn khắp nơi để có tiền lo cho con đi học chuyên nghiệp.

Chính điều đó đã thôi thúc cô gái trẻ cần phải làm điều gì đó mà người dân ở quê mình không dám làm. Đó là chuyển đổi cơ cấu cây trồng mới và áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

“Từ những kiến thức tích lũy được trong quá trình học tập, cùng với niềm đam mê yêu thích ngành đã học, ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường ĐH, mình đã mơ ước sau này phải xây dựng được một trang trại hoa, cây cảnh và rau quả sạch của chính mình”, Thu Trà chia sẻ.

Nghĩ là làm, Thu Trà quyết định khởi nghiệp tại mảnh đất Cao Bằng và chọn bắt đầu với cây dâu tây. Vừa mày mò, học hỏi, áp dụng kiến thức, ban đầu chỉ là trồng thử rồi không biết từ lúc nào, Thu Trà đã thực sự hứng thú với giống cây trồng này.

Với số tiền tích cóp trong quá trình đi làm, cùng với việc bán các loại cây giống online, Trà có được một số vốn. Cô kết hợp vay thêm 50 triệu đồng từ Dự án phát triển sản xuất cho nông nghiệp công nghệ cao, để thực hiện ước mơ của mình.

Và sau rất nhiều cố gắng, nỗ lực, Thu Trà đã xây dựng được hệ thống nhà kính, mua giống dâu tây về trồng thử trên diện tích 1.800 m2 với tổng kinh phí trên 400 triệu đồng. Các giống dâu tây chủ yếu là giống New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Từ ý tưởng táo bạo đến bà chủ của 5,5ha dâu tây, hoa hồng

Nữ thạc sĩ phải mất 3 năm liên tục thử nghiệm sản xuất ở quy mô nhỏ, để chứng minh cho mọi người thấy hiệu quả từ việc thay đổi cơ cấu cây trồng đã mang lại hiệu quả kinh tế như thế nào.

Trong quá trình thực hiện dự án, nữ thạc sĩ tâm sự cô cũng nhận được khá nhiều sự giúp đỡ từ chính quyền các cấp, một phần nhỏ kinh phí hỗ trợ việc xây dựng nhà kính từ quỹ phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Bên cạnh đó là nguồn vốn cho vay của Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh, các tổ chức tín dụng...

Nữ Thạc sĩ 9X người Tày trồng hoa hồng thu 2 tỷ đồng/năm
Thu Trà trực tiếp chăm sóc vườn dâu tây

Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, chế độ chăm sóc nên vườn dâu tây của Thu Trà phát triển xanh tốt, sau 3 tháng đã cho thu hoạch trái ngọt. Vì trồng theo hướng nông nghiệp sạch, không sử dụng thuốc trừ sâu nên trồng đến đâu thu hoạch tới đó. Trung bình mỗi ngày cho thu từ 5 - 6kg dâu.

Với ý tưởng kết hợp nông nghiệp với phát triển du lịch địa phương theo chủ trương của tỉnh, Thu Trà đã xây dựng khuôn viên riêng để phục vụ khách du lịch thăm quan, trải nghiệm hái dâu tây.

Mô hình mới lạ đã thu hút đông đảo khách du lịch và mang lại doanh thu cao. Với thắng lợi lớn này đã giúp cho Thu Trà tự tin hơn, mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích trồng dâu tây. Đồng thời cô còn thử sức thêm với hoa hồng cổ và hoa hồng nhập ngoại.

Sau khi đã chắc chắn với những gì mình thử nghiệm, cô mới bắt tay vào mở rộng nhanh chóng trong 2 năm trở lại đây (2017-2019). Từ diện tích chỉ vài trăm mét vuông thử nghiệm ở Cao Bằng, đến nay Thu Trà đã mở rộng lên đến 5,5ha.

Hiện tại tổng diện tích sản xuất của Thu Trà ở cả Cao Bằng và Hà Nội là 5,5ha. Trong đó, tại Cao Bằng là 4,5ha gồm 2ha sản xuất dâu tây, 2,5ha trồng hoa hồng cổ và hồng ngoại các loại.

Doanh thu hàng năm đạt trên 2 tỷ đồng, lợi nhuận trên 700 triệu đồng và giúp giải quyết việc làm cho gần 20 lao động. Trong đó có 10 lao động là thanh niên ở địa phương. Nhìn lại chặng đường đã trải qua, Thu Trà cho rằng đó là thành quả của sự cố gắng không ngừng nghỉ, dám nghĩ dám làm.

Để có được thành công ở hiện tại, trong quá trình thực hiện cô cũng đã gặp rất nhiều khó khăn. Từ việc thiếu vốn, thiếu nhân công, thiếu đất sản xuất phải đi thuê của các hộ dân. Kỹ thuật ban đầu cũng còn hạn chế nên phải tự mình mày mò, tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội, qua hình ảnh, video của bạn bè quốc tế chia sẻ...

Nữ Thạc sĩ 9X người Tày trồng hoa hồng thu 2 tỷ đồng/năm
Vợ chồng Đào Trường bên vườn hoa của gia đình ở Thường Tín (Hà Nội).

Cô kể: “Về khâu giống ban đầu, do ở Việt Nam chưa có giống dâu tây và hoa hồng ngoại chuẩn nên trong mỗi vụ, mình đều phải chọn lọc ra những cây mẹ phát triển tốt, cho năng suất chất lượng nhất vườn để đem đi nhân giống riêng”.

Thu Trà cho rằng thành công và cách khắc phục khó khăn về vốn của cô là nhờ kết hợp giữa sản xuất và kinh doanh. Vì thế trong quá trình thực hiện, cô luôn có một nguồn vốn lưu động để xoay vòng.

Ngoài ra, nữ thạc sĩ cũng luôn cập nhật thông tin từ các tổ chức đoàn thể trong tỉnh, để xin vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Liên minh hợp tác xã, Hội nông dân... Mạnh dạn vay vốn của ngân hàng tư nhân để mua sắm trang thiết bị cho trang trại như máy cày, hệ thống tưới...

Xây dựng mô hình nông nghiệp bền vững

Xu hướng hiện nay là phát triển nông nghiệp bền vững, gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nắm bắt xu hướng đó, Thu Trà cũng vạch rõ 2 định hướng cho trang trại của mình.

Đó là tận dụng lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để phát triển một số loại cây trồng mới, phù hợp với điều kiện vùng, cho năng suất chất lượng ổn định đồng thời tăng hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích đất so với cây trồng truyền thống.

Nữ Thạc sĩ 9X người Tày trồng hoa hồng thu 2 tỷ đồng/năm
Thạc sĩ Đoàn Thu Trà vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2019

Cô hướng trang trại của mình sản xuất theo hướng VietGap và hiện nay HTX của cô cũng đã được cấp giấy chứng nhận VietGap cho sản phẩm dâu tây. Ứng dụng công nghệ 4.0, nông nghiệp thông minh vào sản xuất để giảm chi phí công lao động.

Cụ thể, nữ thạc sĩ cho biết, mô hình của cô đã ứng dụng việc trồng dưa lưới, dâu tây trên giá thể, sử dụng các máy móc thông minh như hệ thống tưới châm phân tự động fertikit kết nối wifi, 3G với người dùng; Hệ thống cảm biến dự báo thời tiết trên vườn, các loại máy, bút đo chỉ tiêu của đất và dung dịch thuỷ canh cho cây trồng...

“Dự án của mình vừa kết hợp giữa nông nghiệp bền vững và áp dụng công nghệ 4.0 để phù hợp với giai đoạn phát triển hiện tại. Mình không xây dựng toàn bộ nhà kính công nghệ cao mà tận dụng quỹ đất sản xuất còn rất nhiều của vùng, lợi thế về khí hậu để trồng cây mới ở ngoài trời, áp dụng mái che vòm thấp (micro tunnel).

Cùng với việc áp dụng một phần công nghệ cao vào sản xuất như lắp đặt hệ thống tưới thông minh để cài đặt việc tưới theo phương án mong muốn. Dựng nhà kính làm mát hiện đại để lưu trữ và sản xuất giống dâu tây trong vụ hè, tiết kiệm chi phí nhập giống mới hàng năm”, Thu Trà cho biết.

Nhờ những định hướng đó đã giúp Thu Trà giảm chi phí đầu tư. Cô chỉ tiêu tốn 1/5 chi phí so với sản xuất hoàn toàn bằng công nghệ cao mà hiệu quả đem lại vẫn đạt đến 80-90% so với áp dụng công nghệ cao hoàn toàn.

Thành công trong khởi nghiệp từ nông nghiệp, mới đây Thạc sĩ Đoàn Thu Trà đã vinh dự là 1 trong số 34 thanh niên tiêu biểu toàn quốc, nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2019. Cô chia sẻ niềm vinh dự và tự hào vì những kết quả từ sự cố gắng đã được Trung Ương Đoàn và tất cả mọi người công nhận.

(Theo Dân trí)

Previous
Next Post »
Thanks for your comment