So với các nước khác, Hàn Quốc chỉ mất một nửa thời gian để từ nước nông nghiệp lạc hậu trở thành cường quốc công nghiệp. Một trong các bí quyết tạo nên kỳ tích đó là văn hóa "ppalli ppalli".
Sau thế chiến thứ hai, Hàn Quốc là một nước nghèo nàn, lạc hậu. Đặc biệt, khi chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) kết thúc, Hàn Quốc bị tàn phá nặng nề, nhiều thành phố chỉ còn là đống tro tàn trong khi các vùng nông thôn cũng không còn đủ lương thực, thực phẩm để sinh tồn. Thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 67 USD/năm.
Cho đến tận năm 1961, GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc vẫn dưới 80 USD/năm. Hầu hết người dân trong tình cảnh đói nghèo với nền kinh tế chủ yếu làm nông nghiệp, luôn đối mặt với lũ lụt, hạn hán triền miên và nạn đói hoành hành khắp nơi.
Hàn Quốc hiện là nền kinh tế xếp thứ 11 trên thế giới. Ảnh: World Atlas |
Tuy nhiên, chỉ hơn bốn thập niên sau, Hàn Quốc đã vươn lên thành một nước công nghiệp phát triển thuộc tốp đầu châu Á và hiện xếp thứ 11 thế giới. Sự chuyển biến mau lẹ mà hầu hết các quốc gia khác phải mất gần một thế kỷ mới đạt được đã trở thành hình mẫu thành công cho nhiều nước đang phát triển học tập. Vậy, những yếu tố chính nào đứng sau câu chuyện "Kỳ tích sông Hàn" mà thế giới vẫn ca ngợi này?
Báo Korean Times trích dẫn lời các nhà nghiên cứu cho hay, thành công của Hàn Quốc do sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến "ppalli ppalli" (có nghĩa là "nhanh lên" trong tiếng Hàn), một nét văn hóa quan trọng của người dân xứ sở kim chi.
Guus Hiddink, cựu huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia Hàn Quốc từng chia sẻ: "Những từ tiếng Hàn đầu tiên tôi học được là ppalli ppalli". Không chỉ người nước ngoài mà chính người dân Hàn Quốc cũng liệt kê "ppalli ppalli" là một biểu tượng cho tính cách dân tộc.
Ảnh: Word Press |
Khi tới đất nước này, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những người hối hả băng qua đường vào giây cuối cùng trước khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang màu đỏ, chạy trên cầu thang cuốn hay vội vã bước vào xe hơi phóng đi. Sinh viên Hàn Quốc sẽ rất vui vẻ trả lời câu hỏi khi bạn hỏi đường, nhưng sau đó họ lại nhanh chóng tập trung làm bài tập của mình và chạy đến lớp.
Ppalli ppalli với người Hàn Quốc không chỉ đơn thuần là sự vội vàng và tiết kiệm thời gian. Nó còn hàm ý cả việc định hướng mục tiêu và tìm ra cách hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu đó. Chính sự linh hoạt này là lí do khiến ppalli ppalli thỉnh thoảng bị chỉ trích là thủ phạm chính gây ra các sự cố nghiêm trọng. Lí do vì để đạt được mục tiêu một cách nhanh chóng, dân Hàn đôi khi bỏ qua các quy định và thủ tục, có thể dẫn tới hậu quả nguy hiểm.
Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận văn hóa ppalli ppalli có tác động tích cực đến xã hội và nền kinh tế của Hàn Quốc.
Sau khi thoát khỏi chiến tranh, người Hàn Quốc đã bị thôi thúc bởi quan niệm rằng "Ta đang bị chậm trễ". Họ tin mình phải nỗ lực để bắt kịp các nước khác trên thế giới. Ppalli ppalli bắt nguồn từ thái độ cạnh tranh này và cả tính cần mẫn của người Hàn Quốc.
Giai đoạn chuyển mình của Hàn Quốc bắt đầu từ những năm 1960, khi nước này bắt tay thực hiện một loạt kế hoạch kinh tế 5 năm do Tổng thống Park Chung-hee đề ra. Không chỉ dựa vào viện trợ của Mỹ, ông Park đã cho thi hành chính sách thắt lưng buộc bụng rất hà khắc, mọi người dân "phải làm việc nếu muốn sống còn" nhằm huy động toàn bộ sức dân vào công cuộc phát triển đất nước.
Sự hy sinh của cả một thế hệ này đã tạo nên Kỳ tích sông Hàn và sự ra đời của hàng loạt tập đoàn đa quốc gia lớn như Samsung, Hyundai hay LG.
Cho đến tận ngày nay, sự chăm chỉ gắn liền với văn hóa ppalli ppalli đã giúp Hàn Quốc phát triển thịnh vượng, tạo dựng chỗ đứng vững chắc trong tốp 20 nền kinh hàng đầu thế giới, với GDP bình quân đầu người năm 2018 đã vượt ngưỡng 30.000 USD/năm. Những người Hàn Quốc, từ học sinh, giáo sư, công chức hay ngay cả những người công nhân bình thường đều có chung một nhịp độ công việc khẩn trương và cần mẫn.
Theo trang Epoch Times, văn hóa “nhanh lên” đã tạo ra những yêu cầu về vị trí việc làm ở Hàn Quốc khắt khe hơn những quốc gia khác. Đối với cả các công chức nhà nước và những người làm việc cho các công ty, tổ chức tư nhân, việc họ phải đi làm về muộn, rời cơ quan lúc tối mịt do cố hoàn thành công việc thường xuyên xảy ra. Nhìn chung, người Hàn Quốc làm theo công việc, không theo thời gian và thường nhìn nhau để lao động chăm chỉ.
Một lao động cao tuổi làm nghề giao nhận hàng ở Hàn Quốc. Ảnh: AOL |
Ở các nhà máy, ga tàu điện ngầm, siêu thị hay trên bất kỳ đường phố nào ở Hàn Quốc, ta cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người cao tuổi làm đủ nghề để kiếm sống từ dọn dẹp vệ sinh, bảo vệ, hướng dẫn đường đến phát tờ rơi, bán hàng, ...
Trong cuốn "Way Back into Korea", nhà nhân chủng học Kim Choong-soon nhận định: “Ppalli ppalli không chỉ là một phần trong đời sống hàng ngày của người Hàn Quốc. Tính khẩn trương được khắc sâu vào tâm trí của họ như một giá trị cơ bản".
Cuộc cách mạng thông tin đã đẩy nhanh nhịp sống của xã hội, kéo theo sự cạnh tranh về thời gian trên toàn thế giới. Không có gì lạ khi Hàn Quốc với nền văn hóa khẩn trương đã đạt những thành tựu xuất sắc về công nghệ thông tin.
Đám đông người lao động rời nơi làm việc muộn ở quận tài chính Seoul đang bắt tàu điện ngầm về nhà vào buổi tối. Ảnh: NYT |
Các công ty công nghệ Hàn Quốc thường xuyên cho phát triển các sản phẩm mới, thay đổi thiết kế cũng như nhanh chóng quyết định ý tưởng, dịch vụ để tăng cường năng lực cạnh tranh và mức độ hài lòng của khách hàng. Nhờ đó, Hàn Quốc hiện là cường quốc internet với tỉ lệ tiếp cận băng thông rộng bình quân đầu người cao nhất thế giới và là nước đứng đầu trong số 192 quốc gia được đánh giá, xếp hạng trong Khảo sát chính phủ điện tử toàn cầu của Liên Hợp Quốc năm 2018.
Sân bay quốc tế Incheon của Hàn Quốc đã 7 năm liên tiếp được bình chọn là sân bay có dịch vụ tốt nhất thế giới. Bên cạnh yếu tố cơ sở vật chất tốt và nhân viên thân thiện thì tốc độ khẩn trương chính là yếu tố tạo nên sức mạnh cạnh tranh nơi đây. Thời gian thực hiện thủ tục nhập cảnh tại sân bay Incheon đối với khách nước ngoài hiện chỉ mất 17 phút, tức là nhanh gấp khoảng 2,5 lần so với tiêu chuẩn quốc tế.
Dù văn hóa ppalli ppalli đôi khi gây áp lực, nhưng nó cũng tạo động lực để người Hàn Quốc biết cách tận dụng tối đa thời gian, phát huy đức tính cần mẫn để tiếp tục phát triển và tạo ra những kỳ tích khiến thế giới ngưỡng mộ.
Tuấn Anh
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon