- Trước việc nhà máy nước sông Đuống chưa đủ điều kiện nghiệm thu đã đưa vào khai thác bán nước cho dân luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Hợp Danh - Thiên Thanh thẳng thắn đặt vấn đề, tại sao Hà Nội vẫn quyết dùng?
Trao đổi với PV VietNamNet xung quanh việc công trình nhà máy nước mặt sông Đuống- giai đoạn 1 (huyện Gia Lâm, Hà Nội) chưa đủ điều kiện nghiệm thu đã bán nước cho nhiều khu dân cư, luật sư Truyền cho biết, điều 123 Luật xây dựng thì việc nghiệm thu công trình xây dựng gồm: Nghiệm thu công việc xây dựng trong quá trình thi công và nghiệm thu các giai đoạn chuyển bước thi công khi cần thiết. Nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, hoàn thành công trình xây dựng để đưa vào khai thác, sử dụng.
Luật cũng nêu rõ: Hạng mục công trình, công trình xây dựng hoàn thành chỉ được phép đưa vào khai thác, sử dụng sau khi được nghiệm thu bảo đảm yêu cầu của thiết kế xây dựng, tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật cho công trình, quy định về quản lý sử dụng vật liệu xây dựng và được nghiệm thu theo quy định của Luật này.
Nhà máy nước sông Đuống đã phát nước phục vụ người dân Thủ đô từ tháng 10/2018 nhưng đến nay Cục Giám định vẫn chưa có văn bản cuối cùng chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư. |
Công trình quan trọng quốc gia, công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, công trình có ảnh hưởng lớn đến an toàn cộng đồng và môi trường, công trình sử dụng vốn nhà nước phải được kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công và khi hoàn thành thi công xây dựng công trình.
“Đối với công trình Nhà máy nước mặt sông Đuống là do Bộ Xây dựng và cụ thể là Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về chất lượng công trình kiểm tra về công tác nghiệm thu của chủ đầu tư và đánh giá kết quả nghiệm thu. Luật đã quy định công trình chỉ được phép đưa vào khai thác, sử dụng sau khi được nghiệm thu. Nhưng chủ đầu tư vẫn đưa nhà máy vào khai thác, sử dụng, bán nước cho dân thì rõ ràng là vi phạm quy định, coi thường pháp luật” – luật sư Truyền nói.
PGS.TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cũng khẳng định cơ quan quản lý chưa có kết quả nghiệm thu, chưa có ý kiến cuối cùng thì chủ đầu tư không được phép đưa vào sử dụng.
“Luật đã quy định như vậy rồi mà chủ đầu tư không tuân thủ thì đương nhiên vi phạm mà là vi phạm lớn. Chưa được nghiệm thu đã cung cấp bán nước cho dân thì không được. Giống như nhà ở cho dân mà chưa nghiệm thu PCCC đã cho dân về ở là không ổn” –ông Chủng nhấn mạnh.
Vị nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng còn lưu ý, đối với công trình nhà máy nước sạch thuộc công trình xây dựng liên quan đến an toàn sinh mạng nên cần phải rất khắt khe trong nghiệm thu, đánh giá. Đặc biệt phải kiểm tra đánh giá về sản phẩm cuối cùng mới có thể đưa vào sử dụng cung cấp nước cho người dân.
Bên cạnh đó, theo luật sư Truyền, việc khai thác, kinh doanh nước sạch phải tuân theo các quy định về Luật tài nguyên nước, các Nghị định số 117 năm 2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch; Nghị định số 124 năm 2011 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 117 năm 2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, Thông tư số: 41 năm 2018 của Bộ y tế về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt.
“Từ quy trình nghiệm thu để đưa công trình vào khai thác sử dụng, đến việc kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch phục vụ người dân đều được quy định, điều kiện rất cụ thể. Tại sao Hà Nội vẫn quyết dùng nước từ nhà máy chưa đủ điều kiện nghiệm thu?” |
“Từ quy trình nghiệm thu để đưa công trình vào khai thác sử dụng, đến việc kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch phục vụ người dân đều được quy định, điều kiện rất cụ thể. Nhà máy nước sông Đuống đã phát nước phục vụ người dân Thủ đô từ tháng 10/2018 nhưng đến nay Cục Giám định vẫn chưa có văn bản cuối cùng chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư. Tại sao Hà Nội vẫn quyết dùng nước từ nhà máy chưa đủ điều kiện nghiệm thu?” - Giám đốc Công ty Luật Hợp Danh - Thiên Thanh thẳng thắn đặt vấn đề.
Trước đó, như VietNamNet thông tin, Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) vừa chính thức lên tiếng về việc công trình Nhà máy nước mặt sông Đuống - giai đoạn 1 (huyện Gia Lâm, Hà Nội) chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào sử dụng dù trước đó chủ đầu tư đã tổ chức lễ khánh thành rầm rộ và bán nước cho nhiều khu dân cư.
Theo Cục Giám định, trong quy định của pháp luật, về công tác kiểm tra, công tác nghiệm thu công trình Nhà máy nước mặt sông Đuống - giai đoạn I thì chủ đầu tư là Công ty CP Nước mặt Sông Đuống chịu trách nhiệm về việc tổ chức thi công xây dựng công trình, tổ chức quản lý chất lượng công trình và nghiệm thu hoàn thành thi công xây dựng công trình. Cơ quan chuyên môn về xây dựng (trong trường hợp này là Cục Giám định) thực hiện việc kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư.
“Qua một số lần kiểm tra công tác quản lý chất lượng và kiểm tra công tác nghiệm thu công trình Nhà máy nước mặt sông Đuống - giai đoạn I và đã thông báo kết quả kiểm tra gửi chủ đầu tư. Hiện tại, công trình đang được vận hành bình thường. Tuy nhiên, qua một số lần kiểm tra chủ đầu tư chưa cung cấp đầy đủ các số liệu liên quan đến việc đảm bảo an toàn đường ống qua đường, chỉ tiêu cơ lý của đường ống cấp nước, thử áp tuyên ống,... Chủ đầu tư đang tập hợp, hoàn thiện hồ sơ có liên quan, do vậy Cục chưa có văn bản cuối cùng chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư”, Cục Giám định khẳng định.
Thậm chí, trước lễ khánh thành công trình này 4 ngày, ngày 30/8/2019, Cục Giám định đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đề nghị cân nhắc việc tổ chức khánh thành công trình do chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng.
Nhưng ngày 5/9/2019, nhà máy nước mặt sông Đuống vẫn được tổ chức khánh thành rầm rộ. Đến 13/10, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã nhấn nút phát nước giai đoạn 1 của dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống và phát động khởi công xây dựng giai đoạn 2 của nhà máy này.
Theo thông tin công bố tại buổi khánh thành chủ đầu tư nhà máy nước sạch này đã triển khai Dự án hoàn thành vượt tiến độ 16 tháng so với chủ trương đầu tư được duyệt, đã tiên phong đầu tư công nghệ xử lý nước tiên tiến nhất trên thế giới đảm bảo chất lượng nước sạch sản xuất đủ tiêu chuẩn uống tại vòi
Nhà máy Nhà máy nước mặt Sông Đuống do Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống làm chủ đầu tư thuộc Tập đoàn AquaOne. Tập đoàn Aqua One được điều hành bởi Chủ tịch HĐQT Đỗ Thị Kim Liên (SN 1968, quê ở Vĩnh Phúc), hay còn gọi là Shark Liên, người biết đến trong chương trình truyền hình Thương vụ bạc tỷ. Ngoài nhà máy nước mặt sông Đuống với tổng mức đầu tư giai đoạn I gần 5.000 tỷ đồng, Tập đoàn AquaOne đã và đang đầu tư nhiều dự án nhà máy nước lớn: Nhà máy nước mặt Sông Hậu khoảng 2.000 tỷ đồng, nhà máy nước mặt Xuân Mai - Hòa Bình có vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng). AquaOne của Shark Liên đồng thời là cổ đông chiến lược tại nhiều công ty cấp thoát nước tại các tỉnh thành trên toàn quốc. |
Hồng Khanh
Nhà máy 5.000 tỷ chưa nghiệm thu đã bán nước cho dân là vi phạm lớn
- Theo PGS.TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), nhà máy nước sông Đuống chưa đủ điều kiện nghiệm thu đã đưa vào khai thác sử dụng thì đương nhiên vi phạm, là vi phạm lớn.
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon