Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đã thành công khi tung đòn thuế buộc các chuỗi sản xuất, cung ứng di dời khỏi Trung Quốc. Song, sau khi hứng tổn thất, Bắc Kinh không vội vã đi đến thỏa thuận với Washington.
Kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng phát hồi tháng 3/2018, hai nước đã nhiều lần giáng đòn thuế "ăn miếng, trả miếng" lẫn nhau trong khi xúc tiến 12 vòng đàm phán nhằm giải quyết căng thẳng. Với các cuộc thương lượng tiếp theo dự kiến được tổ chức vào đầu tháng 10 sắp tới, nhiều người tự hỏi bên nào đã giành chiến thắng trong giai đoạn một vừa qua của thương chiến.
Một số nhà phân tích chỉ ra rằng, Tổng thống Trump đã châm ngòi nổ thương chiến với hai mục đích chính là cắt giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với thế giới, đặc biệt là Trung Quốc và buộc các chuỗi cung ứng và sản xuất phải rời bỏ Trung Quốc nhằm làm suy yếu sức mạnh kinh tế dài hạn của nước này.
Trước các đòn tấn công của ông Trump, Bắc Kinh hầu như chỉ lo đối phó với mục tiêu chính là giảm thiểu thiệt hại cho các chuỗi cung ứng vốn đã mất nhiều thập niên để xây dựng, đồng thời vẫn duy trì được sự tiếp cận với thị trường Mỹ.
Vì sự khác biệt trong mục tiêu như trên nên Mỹ được tin có lợi trong việc trì hoãn thỏa thuận, trong khi Trung Quốc lại mong ngóng có thỏa thuận càng sớm càng tốt nhưng thất bại.
Dựa vào các kết quả đạt được cho tới thời điểm này, chính quyền ông Trump có vẻ đã giành chiến thắng trong thương chiến giai đoạn một. Thực tế đã có một cuộc tháo chạy rầm rộ của các nhà máy sản xuất khỏi đại lục để né các đòn thuế của Mỹ, gây thiệt hại không nhỏ cho các chuỗi cung ứng tại Trung Quốc, nơi được mệnh danh là công xưởng của thế giới.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, trong 7 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm xuống còn 260,5 tỷ USD, tức là giảm 36,6 tỷ USD hay tương đương 12,3% so với cùng kỳ năm 2018. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc do đó cũng giảm từ 222,9 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2018 xuống 200 tỷ USD trong cùng kỳ năm 2019, tức là giảm 22,9 tỷ USD hay 10,3% đúng như ý định của ông Trump.
Tuy nhiên, khi hai bên bước sang giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột thương mại - thương chiến giai đoạn hai, Mỹ và Trung Quốc được cho đã hoán đổi quan điểm đàm phán cho nhau.
Bắc Kinh hiện dường như không vội vã đi đến thỏa thuận với Washington, nhiều khả năng vì nhận thấy khó có thỏa thuận nào có thể đảo ngược được những tổn hại đã xảy đến với các chuỗi sản xuất, cung ứng ở Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Trump lại đang đối mặt với áp lực phải đạt thỏa thuận với người Trung Quốc như một chiến tích giúp tăng điểm cho chiến dịch tái tranh cử ghế tổng thống Mỹ vào năm 2020, trong bối cảnh nền kinh tế nước này có dấu hiệu suy giảm tốc độ phát triển và cộng đồng doanh nghiệp Mỹ ngày càng xuất hiện nhiều lo lắng.
Giới phân tích đã chỉ ra rằng, thương chiến không chỉ khiến Trung Quốc lao đao mà còn gây tổn thất cho chính các doanh nghiệp, lĩnh vực kinh tế Mỹ mà ông Trump đang ra sức bảo vệ. Theo một cuộc khảo sát công bố hồi đầu tháng 9, chỉ số hoạt động sản xuất của Mỹ đã giảm từ 51,2 xuống còn 49,1, báo hiệu sự suy giảm hoạt động của các nhà máy Mỹ lần đầu tiên kể từ năm 2016. Các công ty Mỹ tham gia khảo sát cũng trích dẫn hiện trạng sụt giảm số đơn hàng xuất khẩu là do hậu quả của tranh chấp thương mại cũng như những thách thức của việc di chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.
Viết trên trang Truthout, nhà phân tích Dean Baker nhấn mạnh, vấn đề lớn nhất đối với cuộc chiến thương mại do ông Trump châm ngòi nổ là tình trạng không rõ ràng do hàng rào thuế quan chống Trung Quốc tạo ra. Bằng cách điều hành chính sách thương mại giống như một chương trình truyền hình thực tế, lãnh đạo Nhà Trắng khiến các công ty Mỹ không thể lập kế hoạch lâu dài cho những quyết định đầu tư của họ.
Ví dụ, các công ty sản xuất xe hơi, máy bay hay các sản phẩm khác có nguồn nguyên liệu đầu vào hoặc đặt nhà máy sản xuất, lắp ráp tại Trung Quốc không biết các mối quan hệ thương mại của Mỹ với Trung Quốc sẽ như thế nào trong 5 - 10 năm nữa. Liệu họ có thể nhập khẩu nguyên vật liệu hay hàng hóa với mức thuế tối thiểu như trước khi ông Trump lên nắm quyền hay họ sẽ phải trả tới 25% thuế nhập khẩu như chính quyền Trump đã công bố thời gian qua? Hoặc liệu họ rốt cuộc có bị cấm làm ăn với Trung Quốc hoàn toàn như ông Trump từng đe dọa trong một thông điệp đăng tải trên Twitter?
Trung Quốc đang là thị trường phát triển nhanh nhất trên thế giới. Liệu các công ty Mỹ có phải chật vật tìm cách bán sản phẩm của họ cho Trung Quốc hay họ nên kiên nhẫn chờ đợi thương chiến sẽ sớm kết thúc nay mai?
Sự không rõ ràng là nguyên nhân khiến đầu tư của các công ty Mỹ giảm trong quý hai năm nay. Đây cũng là lí do hoạt động sản xuất của họ yếu đi trong vài tháng trở lại đây với sản lượng trong tháng 8 thấp hơn mức cùng kỳ năm ngoái khoảng 0,5%.
Trong khi đó, theo ông Baker, các lãnh đạo Trung Quốc dường như đã có chiến lược rõ ràng. Trái ngược với Tổng thống Trump, người thổi bùng chiến tranh thương mại với bất kỳ nước nào bị ông coi là "trục lợi từ các hoạt động thương mại bất công bằng với Mỹ", Bắc Kinh đã giảm thuế nhập khẩu đối với Liên minh châu Âu và các đối tác thương mại khác. Họ cũng áp dụng các chính sách khuyến khích tài chính và tiền tệ nhằm bù đắp lực cản mà thương chiến đang gây ra với sự tăng trưởng của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Bắc Kinh đã dành một phần GDP với tỉ lệ tương đương Mỹ để đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển nhằm đạt được những đột phá về công nghệ, kỹ thuật phục vụ phát triển đất nước.
Trong những điều kiện như trên, người ta khó có thể kỳ vọng Bắc Kinh sẽ có các nhượng bộ lớn trước những đòi hỏi của Washington, đặc biệt là về cải cách cấu trúc và cơ chế giám sát thực hiện nhằm chấm dứt thương chiến giữa hai bên. Khi chính quyền của ông Trump đã cạn kiệt các chiêu thức gây sức ép với Bắc Kinh và chỉ có thể tiếp tục tăng thuế nhập khẩu, giới quan sát tin rằng "bóng đã trở lại chân" của người Trung Quốc và họ có khả năng cầm chịch giai đoạn tiếp theo của cuộc đối đầu thương mại song phương.
Tuấn Anh
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon