Một cú lớn 700 tỷ, ông lớn du lịch vào cuộc đua nóng rực bầu trời

Cuộc đua trở nên sôi động hơn bao giờ hết khi mà 3 ông lớn du lịch có những động thái mạnh mẽ để bước vào lĩnh vực hàng không. Bên cạnh Vinpearl của ông Phạm Nhật Vượng còn có Vietravel và KiteAir.

CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam - Vietravel (VTR) vừa công bố kết quả đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ, huy động vốn cho dự án hàng không. Theo đó, doanh nghiệp đã phát hành thành công 700 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 24 tháng với lãi suất khá cao: 9,25% cho 15 tháng đầu tiên và 11%/năm trong thời hạn còn lại. Thời gian phát hành là ngày 17/9/2019.

Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được đảm bảo bằng tài sản. Toàn bộ số trái phiếu được mua bởi các nhà đầu tư trong nước.

Tài sản đảm bảo là một loạt những giá trị của doanh nghiệp, từ các khoản phải thu của khác hàng; tài khoản giao dịch, lưu ký chứng khoán tại CTCk; tài khoản thanh toán của Vietravel Airlines mở tại VPBank…

Đây được xem là một bước đi rất quyết liệt của Vietravel nhằm huy động một khoản tiền lớn (so với quy mô vốn của doanh nghiệp) để phục vụ cho tham vọng lập hãng hàng không của ông lớn trong lĩnh vực du lịch này. 

Một cú lớn 700 tỷ, ông lớn du lịch vào cuộc đua nóng rực bầu trời
Vietravel huy động 700 tỷ đồng trái phiếu.

Trước đó, Vietravel cũng đã có quyết định lên sàn chứng khoán Upcom vào 27/9 tới nhằm thực hiện các yêu cầu đối với một công ty đại chúng và rất có thể là tìm vốn từ kênh huy động vốn quan trọng này. Cổ phiếu Vietravel sẽ được giao dịch với mã VTR ở mức giá chào sàn 40.000 đồng/cp, tương đương quy mô vốn của Vietravel được định giá ở mức hơn 500 tỷ đồng.

Trước đó, hồi cuối tháng 2/2019, Vietravel Airlines đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với vốn điều lệ đăng ký ban đầu là 300 tỷ đồng, do Vietravel sở hữu 100% vốn. Sau đó vốn điều lệ của của Vietravel Airlines tiếp tục được điều chỉnh lên 700 tỷ đồng.

Cuộc đua trên thị trường hàng không Việt Nam đang sôi động hơn bao giờ hết. Bên cạnh Vietravel đang chờ cấp phép còn có Vinpearl Air của ông Phạm Nhật Vượng và KiteAir của CTCP Hàng không Thiên Minh của ông Trần Trọng Kiên. Vinpearl Air dự kiến cất cánh vào tháng 7/2020 với căn cứ đặt tại sân bay Nội Bài, Hà Nội. 

Một cú lớn 700 tỷ, ông lớn du lịch vào cuộc đua nóng rực bầu trời
Đưa cổ phiếu lên Upcom.

Hiện tại, thị trường nội địa có 6 các hãng hàng không gồm: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Vasco, Bamboo Airways và Vietstar Airlines.

Vietstar Airlines là hãng hàng không mới nhất được cấp phép hôm 23/7/2019, sau khi Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên vào đầu năm nay.

Trong khi đó, hồi cuối tháng 8/2019, Cục Hàng không xác nhận Vinpearl Air của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đủ điều kiện thành lập hãng hàng không. Tuy nhiên, Cục Hàng không cũng lưu ý Vinpearl Air về quy mô đội bay 36 chiếc vào năm 2025 có khả năng sẽ vượt quá nhu cầu của thị trường.

Tốc độ phát triển của thị trường hàng không Việt Nam trong những năm gần đây ở mức cao hàng đầu thế giới. Với sự xuất hiện của một loạt các hãng hàng không mới, Việt Nam sắp đuổi kịp Thái Lan và sẽ chỉ còn thua Indonesia trong khu vực.

Quy mô thị trường được dự báo cũng sẽ phát triển rất mạnh khi mà các hãng đang hoạt động cũng như các doanh nghiệp sắp được cấp phép có tham vọng rất lớn.

Theo Bloomberg, Bamboo Airways vừa công bố kế hoạch IP và niêm yết vào năm 2020 và dự kiến huy động 100 triệu USD nhằm phục vụ cho tham vọng mở rộng mạnh mẽ ở Việt Nam. Bamboo Airways mong muốn chiếm lĩnh 30% thị phần nội địa ngay trong năm 2020, so với mức 10% như hiện nay.

Mở rộng đường bay cũng được các hãng quan tâm. Bamboo Airways tuyên bố sẽ là hãng mở đường bay thẳng tới Mỹ vào 2020. Tuy nhiên, Vietnam Airlines gần đây đã là hãng đầu tiên có giấy phép bay thẳng đến Hoa Kỳ.

Theo Bloomberg, thị trường hàng không Việt Nam hấp dẫn trong bối cảnh tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh. Nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 7% giúp tăng thu nhập của người tiêu dùng Việt. Bên cạnh đó, sự hội nhập sâu cũng kéo du lịch tăng trưởng và hàng không tăng trưởng. 

Một cú lớn 700 tỷ, ông lớn du lịch vào cuộc đua nóng rực bầu trời

Trong năm 2018, các sân bay trong nước đón tiếp 106 triệu hành khách, tăng 13% so với năm trước.

Ở chiều ngược lại, hàng không Việt cũng đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có sự quá tải tại hầu hết các sân bay, sự thiếu hụt trầm trọng phi công. Vingroup của ông Vượng gần đây đã thành lập trường Đào tạo Nhân lực kỹ thuật cao ngành hàng không (VinAviation School) với kế hoạch tuyển sịnh 400 phi công và thợ máy mỗi năm.

Trong quá khứ, hàng không Việt Nam cũng đã từng có 2 hãng hàng không khác nhưng đã đóng cửa là Indochina Airlines và Air Mekong.

Thị trường chứng khoán (TTCK), đầu phiên giao dịch 25/9 VN-Index giảm điểm do nhiều cổ trụ cột giảm.

Các cổ phiếu trụ cột giảm giá gồm: Bảo Việt, GAS, PNJ…

Các CTCK tiếp tục đưa ra những dự báo thận trọng.

Theo BSC, thị trường có phiên hồi phục theo xu hướng chung của khu vực mặc dù thanh khoản giảm nhẹ. Nhìn chung, những nhịp rung lắc sẽ vẫn tiếp tục hiện diện trong những phiên tới khi chỉ số vận động trong vùng giá 980 – 1.000 điểm. Nhà đầu tư có thể chốt lời trong ngắn hạn và giải ngân tại những cổ phiếu có KQKD quý III khả quan.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/9, VN-Index tăng 2,38 điểm lên 988,13 điểm; HNX-Index giảm 0,38 điểm xuống 104,01 điểm và Upcom-Index tăng 0,19 điểm điểm lên 56,87 điểm. Thanh khoản đạt 190 triệu đơn vị, trị giá 4,3 ngàn tỷ đồng.

V. Hà

Previous
Next Post »
Thanks for your comment