Bí mật trên chuyến xe đưa 5 đứa trẻ rời nhà lúc nửa đêm

Lao động trẻ em
Lao động trẻ em

Tháng 2/2019, Ven Văn Lưu (SN 2008) và những đứa trẻ ở bản Khe Linh (xã Keng Đu, Kỳ Sơn, Nghệ An) bất ngờ trước sự có mặt của Vũ Thị Hiền (SN 1985, TP.HCM).

Sự xuất hiện của người phụ nữ nói giọng miền Nam mang đến một sự ngạc nhiên lẫn thích thú cho mấy đứa trẻ ở cái bản gần như nghèo nhất của tỉnh này.

Trước đó, Hiền từng đưa 2 em khác từ bản Khe Linh vào TP.HCM làm ăn. Tết 2019, 2 đứa trẻ ấy không về quê vì bận làm, bù lại Hiền đem một khoản tiền không nhỏ đến gia đình chúng.

Điều này khiến những đứa trẻ ở Khe Linh quanh năm chỉ biết vào rừng hái rau, bẻ măng phải chú ý.

Một lời gợi ý của Hiền: ‘Có muốn đi làm kiếm tiền như các anh không?’ đã nhanh chóng nhận được những cái gật đầu từ 5 gương mặt háo hức.

Chưa cần người phụ nữ này nói: ‘Làm việc trong xưởng may, hàng tháng nhận được 1,5 triệu đồng, cơm ăn, quần áo đầy đủ’, những đứa trẻ đã gần như không còn gì để từ chối.

Cũng không quá khó để hiểu khi cả gia đình chúng mỗi năm thu nhập chỉ 10-15 triệu đồng như lời anh Xèo Phò Xăn, Bí thư bản Khe Linh, cho biết.

Lao động trẻ em

Chiều hôm đó, 14/2/2019, khi cha mẹ lên rẫy chưa về, Ven Văn Lưu vơ vội mấy bộ quần áo cũ vắt trước hiên nhà cùng 4 em khác là Xeo Văn Dũng (SN 2007), Moong Văn Đi (SN 2004), Lương Văn Khăm (SN 2005) và Pit Văn Pèn (SN 2007) lên một chiếc xe bán tải để ra thị trấn Mường Xén.

Từ đây, xe sẽ đưa chúng xuống TP. Vinh, sau đó vào TP.HCM mang theo giấc mơ đổi đời.

Đây là lần đầu tiên đứa trẻ 11 tuổi xa nhà, cũng là lần đầu tiên chúng được đi ô tô. Trời tối, chiếc xe lao vun vút đưa cả 5 đứa rời khỏi bản biên giới…

Tối đó, đi làm rẫy về không thấy con đâu, 5 gia đình hoảng hốt. Ngày thường có thể một, hai đứa vào rừng muộn nhưng sự biến mất của cả 5 em khiến các gia đình nháo nhào đến nhà trưởng bản.

‘Mấy ngày trước, nghe chúng nói về việc đi làm thuê ở TP.HCM, chúng tôi nghi ngờ con cháu mình đã bị chị ta đưa đi’, anh Lương Phò Sơn, Trưởng bản Khe Linh, kể lại.

Anh chạy lên một quả đồi gần đó để tìm sóng điện thoại gọi điện cho công an xã Keng Đu. Ước chừng thời gian xe chưa thể rời khỏi huyện Kỳ Sơn, công an xã Keng Đu tiếp tục gọi cho lực lượng công an huyện.

0 giờ ngày 14/2, công an huyện Kỳ Sơn chặn một chuyến xe khách từ thị trấn Mường Xén đi TP. Vinh, phát hiện 5 đứa trẻ đang ngủ gà gật trên xe. Cả 5 em được đưa về trụ sở công an xã. 5 gia đình cũng được gọi lên đón con về.

‘Những đứa trẻ hồn nhiên nói, chúng nghe đi làm sẽ được ăn no lại có tiền mang về nên rủ nhau đi’, Trưởng Công an xã Keng Đu, ông Lương Văn Vinh, cho biết.

Lao động trẻ em

TP. Vinh (Nghệ An) lên Kỳ Sơn (Nghệ An) là quãng đường gần 300km.

Từ đây vào xã Keng Đu, người dân phải vượt qua con đường hơn 70 km đất, đá lởm chởm, dốc lên dốc xuống, mỗi ngày chỉ có 1 chuyến xe bán tải ra vào.

Những ngày mưa, cánh xe ôm, taxi được trả giá bao nhiêu cũng ngại ngần khi nghe tới 2 từ ‘Keng Đu’.

Đến Keng Đu, người ta còn phải đi hơn 10 cây số đường rừng, cheo leo bên các vực sâu mới có thể đặt chân đến bản Khe Linh. Đây là nơi 5 đứa trẻ rời gia đình hòng mong kiếm được chút tiền khi mới 11-12 tuổi.

Ở một số bản khác mà chúng tôi đi qua, thường sẽ có 1, 2 quán tạp hoá, thực phẩm nhỏ để cung cấp cho cả bản. Nhưng sau khi vượt 11 cây số đường rừng vào bản, Khe Linh không có bất cứ một thứ gì có dấu hiệu của giao dịch, buôn bán.

Một cán bộ xã cho biết 'người dân ở đây tự cung tự cấp là chính'. Vào nhà nào nhà nấy trống hoác, mớ quần áo cũ của cả nhà vắt tạm trên dây...

Lao động trẻ em

Nhà của Pit Văn Pèn (SN 2007), một trong 5 đứa trẻ rời nhà đêm hôm đó, không có gì đáng giá ngoài mấy chum rượu nằm chỏng chơ ở một góc nhà. Mẹ của Pèn nằm trên giường, gương mặt nhăn nhó. Thấy có khách đến, chị giải thích bằng tiếng của người dân tộc Khơ Mú: ‘Bị đau bụng từ sáng đến giờ’.

Anh Pit Phò Hùng (SN 1982), chồng chị, đang ôm đứa con thứ 3 mới 2 tuổi ngồi bên bếp lửa. Ngày thường anh đi rẫy, hôm nay vợ ốm nên anh phải nghỉ ở nhà trông con. Anh tỏ ra luống cuống khi khách đến không biết ngồi vào đâu vì cả nhà chỉ có một chiếc giường duy nhất vợ anh đang nằm.

Pèn là con đầu của 2 vợ chồng. Khi được hỏi về năm sinh của con, cả hai vợ chồng đều không nhớ, phải lật đật đi tìm quyển sổ hộ nghèo để xem lại.

Lúc chúng tôi vào nhà, bố mẹ Pèn nói thằng bé đi đâu từ hôm qua đến giờ chưa về. Anh chị cũng chẳng biết con mình đi đâu. Có lẽ cũng nhiều lần Pèn tự đi rồi tự về như thế.

Pèn học hết cấp 1 tại điểm trường ngay cạnh nhà. Lên cấp 2 phải chuyển sang trường ở trung tâm xã Keng Du nên em nghỉ. Sức hấp dẫn của những con chữ không đủ đưa em vượt qua quãng đường hơn 10 km để tiếp tục đến trường.

Đêm 14/2, sau khi được giải cứu trao trả về nhà, Pèn vẫn theo cha lên rẫy kiếm nắm rau, măng về cho bữa cơm. Em cũng không còn màng đến con chữ, trang sách.

Lao động trẻ em

Gia đình Pèn đang nợ 30 triệu đồng là số tiền cha mẹ em vay mượn để mua bò, lợn theo chương trình hỗ trợ vay vốn làm ăn. Mùa xuân năm ngoái, trải qua một trận dịch bệnh, số bò, lợn trên lăn ra chết. Nhà em thành con nợ.

Rời nhà Pèn, người bí thư bản nói với chúng tôi, cha em sáng nay chạy khắp bản mượn tiền để đưa mẹ em vào thị trấn khám bệnh nhưng chẳng ai có tiền nên mẹ Pèn vẫn nằm ôm cái bụng đau đến giờ.

Cách nhà Pèn không xa, nhà của Xeo Văn Dũng (SN 2007) chỉ có anh Tình (SN 1987), cha em, đang ở nhà. Địu đứa con thứ 4 sau lưng, anh nhóm bếp lửa để nấu cơm. Cơm tối nay của nhà anh Tình chỉ có món rau rừng. Trận dịch năm ngoái tràn qua bản khiến gia súc, gia cầm chết hết, để lại cho nhà anh một con gà duy nhất. ‘Nó vẫn đang đẻ trứng’, anh khoe.

Nhìn khắp gian nhà rộng chừng 15m2, không thể tìm thấy thứ gì có thể ăn được ngoài nồi cơm bé xíu đang sôi trên bếp mà anh nói là dành cho 6 người ăn. Miếng thịt lợn treo trên gác bếp là để dành riêng cho đứa con gái út 2 tuổi ăn dần.

Cũng như hầu hết 56 hộ ở bản Khe Linh, nhà của Xeo Văn Dũng là hộ nghèo. Dũng là con thứ 2 trong số 4 người con trong nhà. Học hết tiểu học, Dũng nghỉ học, ở nhà đi rẫy. 5 giờ chiều chúng tôi đến, Dũng vẫn theo mẹ lên rẫy chưa về.

‘Chúng tôi không đồng ý cho con đi làm, con lén cha mẹ theo người ta’, anh Tình nói về lần Dũng và 4 đứa trẻ khác trong bản theo Hiền vào TP.HCM.

Qua lời phiên dịch của Trưởng Công an xã, anh kể: ‘Tôi từng vào Gia Lai làm thuê nhưng bị lừa. Làm ở rừng keo suốt 9 tháng nhưng tôi không được trả một đồng nào. Lúc về cũng phải gọi người nhà đi đón vì không có tiền về’.

Cha của Dũng không đồng ý cho con trai đi làm vì nghĩ con có thể bị lừa như mình trước đây, chứ cũng không ý thức được việc con mình không nằm trong độ tuổi lao động.

Ven Văn Lưu (SN 2008) là em nhỏ nhất trong số 5 em bị lừa đi lao động. Cũng như hầu hết các hộ trong bản Khe Linh, nhà Lưu là căn mái tranh trống hoác. Vào ngày mưa, cả gia đình chỉ biết di chuyển hết góc này sang góc khác để tránh nước chảy long tong vào người.

Trước nhà, Lò Thị Nhàm, một cô gái với gương mặt rất trẻ, cõng đứa bé 7 tháng tuổi trên lưng. Chị khiến người đối diện giật mình khi giới thiệu là mẹ của Lưu.

Được biết, chị Nhàm là mẹ kế. Chị đến với bố của Lưu và có một con riêng. Trước đó, cuộc sống khó khăn, mẫu thuẫn gia đình, mẹ ruột của Lưu đã bỏ nhà đi.

Lưu thất học từ năm lớp 3. ‘Chồng tôi mua sách vở, dẫn con xuống tận trường gặp cô giáo, xin cho con học lại nhưng con không chịu, bỏ về nhà’, người mẹ kế của Lưu phân trần.

‘Nghỉ học, con đi làm rẫy. Lần đó, khi chúng tôi đi làm, con ở nhà rồi nghe theo bạn rủ rê đi theo người ta định vào TP.HCM’, chị nói thêm.

Lưu là anh cả trong gia đình có 3 người con. Em thứ 2 của Lưu năm nay 8 tuổi, em thứ ba đang nằm trên tay mẹ. Đứa trẻ này bị ốm, không chịu ăn mấy hôm nay, gia đình chưa đưa đi khám vì không có tiền và không có xe đưa cháu xuống trung tâm xã.

Lao động trẻ em

Điểm gây chú ý nhất trong căn nhà của Lưu có lẽ là tấm ảnh nghệ thuật chụp bố mẹ và anh em Lưu đang mỉm cười. ‘Đấy là vợ cũ của chồng tôi’, mẹ kế của Lưu nói.

6 giờ chiều, bóng tối đã bao trùm căn nhà. ‘Ở đây không có điện, nhà nào có điều kiện thì mua máy, dây rồi lắp ở suối tạo ra điện cabin dùng thắp sáng. Nhà không có điều kiện đành chịu’, anh trưởng bản Khe Linh nói. Gia đình Lưu là một trong số những hộ đó.

Mẹ kế của Lưu vẫn chưa nấu cơm. Chị đang chờ ít rau của người con chồng lên rẫy kiếm về cho bữa tối. ‘Bao giờ Lưu về?’, chúng tôi hỏi. Chị lắc đầu.

Lao động trẻ em

‘Học sinh ở đây hầu hết chỉ học hết cấp 1’, trưởng bản Lương Phò Sơn chia sẻ thêm, tay chỉ vào điểm trường lợp bằng mái lá nằm liêu xiêu giữa bản. Đây cũng là trường của 5 đứa trẻ rời Khe Linh hôm đó.

Các em được miễn phí tiền học, tiền ăn trưa nhưng khi lên cấp 2 phải học nội trú ở trường cách nhà hơn 10 km, các em đều nghỉ học, ở nhà lên rẫy. Một phần vì đường xá xa xôi, khó khăn, nhưng có lẽ phần lớn lý do là đám trẻ này học mãi mà không thấy có cảm tình với con chữ.

Chị Lò Thị Nhàm kể về đứa con riêng của chồng: ‘Học lớp 3 rồi mà chữ O vẫn chưa biết’.

Gia đình nghèo khó, không thấy hi vọng ở lớp học nên khi được rủ đi làm thuê, kiếm tiền, những đứa trẻ nhanh chóng trở thành lao động bất hợp pháp.

Bà Vi Thị Thu, chuyên viên Phòng Lao động, Thương binh & Xã hội huyện Kỳ Sơn cho biết, việc phát hiện 5 đứa trẻ trên không phải lần đầu tiên ở địa bàn.

Lao động trẻ em

Trước đó đã có những trường hợp công an địa phương ngăn chặn, giao trả về cho gia đình khi đang tìm cách đến các thành phố lớn làm thuê.

Chuyên viên này nhận định, do kinh tế gia đình khó khăn, nhận thức của phụ huynh còn hạn chế, không quan tâm sát sao các con nên nhiều em bị lôi kéo đi lao động khi chưa đủ tuổi quy định.

Cũng theo bà Thu, một số người tuyển dụng cho các công ty không có trình độ, không nắm rõ luật. Họ thường không thông qua chính quyền mà hoạt động một cách lén lút.

Trên đường từ huyện Con Cuông về Hà Nội, chúng tôi bắt gặp một tốp nam thanh niên 10 người khoác ba lô lên xe. Nhìn ngoại hình của họ, không khó để đoán được họ đến từ những khu vực xa xôi, heo hút nhất của địa phương. 3-4 người trong số đó khiến nhiều người có thể dám chắc họ chưa đến 18 tuổi, thậm chí là chưa đủ 15-16.

Đi được một đoạn, khi lơ xe đi thu tiền khách thì họ không trả tiền ngay như bình thường. Như đã quen biết nhau từ trước, lơ xe gọi cho một người đàn ông và thống nhất rằng tiền xe và tiền ăn trưa cho 10 người này sẽ được trả sau với giá 220 nghìn đồng/ người. Người ở bên kia đầu dây dặn lơ xe đưa nhóm người vào tận nơi.

Lao động trẻ em

15 giờ chiều, khi xe dừng nghỉ chân, nhóm người được đưa vào trạm nghỉ ngồi ăn trưa chung mâm. Khi đến địa phận tỉnh Ninh Bình, họ được thả xuống trước một nhà máy xi măng và có người ra đón.

Hỏi chuyện người phụ nữ đi cùng nhóm người - cũng có vẻ là người sành sỏi nhất, chị cho biết họ đi làm thuê ở đây. Thấy người lạ, chị liên tục khẳng định những thanh niên này đều 18-19 tuổi trở lên.

Khi chúng tôi nói với lơ xe rằng muốn giới thiệu cho mấy đứa cháu ở quê đang tìm việc làm, lơ xe này nhanh nhẹn chia sẻ, anh ta đã chở vài nhóm có trẻ em như thế này rồi. ‘Nhiều đứa chỉ 13-14 tuổi thôi, nhưng làm giả giấy tờ được hết’.

Gọi cho số điện thoại mà anh ta giới thiệu là phụ trách tuyển dụng cho nơi nhận nhóm thanh niên kia, chúng tôi được trả lời là chỉ nhận lao động đủ 18 tuổi. Người này cũng thừa nhận nhóm thanh niên có một số em chưa đủ tuổi và anh ta đã trả về quê. 

Liên quan đến vấn đề này, ông Lô Văn Thao, Phó trưởng Công an huyện Kỳ Sơn, cho biết: Khi lên xe khách, các em chỉ biết ‘đi làm công ty’ nhưng công ty gì và ở đâu thì lại không biết.

Keng Đu là xã biên giới, kinh tế khó khăn, người dân không có thu nhập gì đáng kể nên bắt buộc phải sang các địa phương khác làm thuê.

Một số trường hợp, các anh chị trong nhà đi làm trước, kiếm được tiền, thấy công ty cần người lại quay về rủ rê các em đi làm mà không hiểu đây là việc làm là trái pháp luật.

Anh Lương Phò Sơn, Trưởng bản Khe Linh lo ngại, việc trẻ em đi lao động sớm gây ảnh hưởng tới sự phát triển về thể chất và tâm lý của các em. Tuy nhiên, việc đưa trẻ trở lại trường không hề đơn giản.

‘Các em nói ‘đi học, chữ không vào đầu’, nhà đông con nên chỉ muốn theo cha mẹ lên rẫy hoặc đi làm kiếm tiền. Kết thúc bậc tiểu học, một số em lại ngại vượt đèo, vượt dốc ra trung tâm xã để tiếp tục học’.

Anh nói, mắt nhìn về cuối con dốc, nơi đất đá lởm chởm nối từ Khe Linh ra trung tâm của xã, đó là nơi những đứa trẻ Khe Linh phải vượt qua để tiếp tục đến trường…

Lao động trẻ em

Ngọc Trang - Nguyễn Thảo

Thiết kế: Diễm Anh

Previous
Next Post »
Thanks for your comment