Ngày 31/10/1984, cả đất nước Ấn Độ rúng động trước thông tin nữ Thủ tướng Indira Gandhi bị hai lính cận vệ ám sát ngay tại tư dinh ở thủ đô New Delhi.
Kim Jong Un đội tuyết thị sát công trình
Venice 'chìm' trong triều cường cao bất thường
Ông Trump sẽ mất hàng loạt 'tướng'?
Vào ngày định mệnh cách đây đúng 34 năm, vào lúc khoảng 9h20, bà Indira đi bộ từ phòng riêng, xuyên qua khuôn viên tư dinh để sang phủ thủ tướng gặp nam diễn viên người Anh Peter Ustinov, người đã đặt hẹn phỏng vấn bà cho một bộ phim tài liệu của truyền hình Ireland.
Video mô phỏng khoảnh khắc bà Indira bị ám sát.
Khi bước qua chiếc cổng nhỏ, bà Indira mỉm cười, gật đầu chào Satwant Singh và Beant Singh, hai lính cận vệ đang đứng gác ở đó. Đột nhiên, hai tên lính gác rút súng bắn nữ nguyên thủ ở cự ly gần. Cụ thể, Beant dùng súng lục bắn 3 phát đạn vào bụng bà Indira, trong khi Satwant nã cả băng đạn từ súng tiểu liên vào người thủ tướng.
Đội vệ binh có mặt ngay sau đó, bắn chết Beant và bắt sống Satwant. Song, họ không kịp ngăn được thảm kịch tồi tệ nhất xảy ra. Dù nữ thủ tướng được tức tốc đưa vào viện cấp cứu, nhưng bà đã không qua khỏi do các vết thương quá nặng. Bà Indira qua đời vào lúc 13h20 ngày 31/10/1984, thọ 67 tuổi.
Vụ ám sát táo tợn cùng cái chết đột ngột của bà Indira gây chấn động cả đất nước Ấn Độ cũng như cộng đồng quốc tế. Đông đảo dư luận bày tỏ sự tiếc thương vô hạn dành cho nữ thủ tướng đầu tiên và cũng là duy nhất của Ấn Độ từ trước tới nay.
Bà Indira khi còn trẻ. Ảnh: Life |
Theo các tài liệu, bà Indira sinh năm 1917, trong một gia tộc danh giá ở miền Bắc Ấn Độ. Ông nội của bà là Modilal Nehru, một luật sư giàu có, nổi tiếng ở Allahabad, bang Uttar Pradesh và từng được Vua Anh mời tới diện kiến. Ông Modilal là một trong số những thành viên quan trọng nhất của Đảng Quốc đại Ấn Độ trong thời kỳ tiền Gandhi và cũng là người soạn thảo bản Báo cáo Nehru về thể chế chính trị tương lai của Ấn Độ, đối nghịch với thể chế của Anh.
Cha của bà, Jawaharlal Nehru, là một luật sư, một lãnh đạo uy tín của phong trào giành độc lập cho Ấn Độ và về sau trở thành thủ tướng đầu tiên trong lịch sử nước này. Là con gái độc nhất của ông Jawaharlan và lớn lên trong sự chăm sóc chủ yếu của người mẹ ốm yếu, sống xa gia đình bên nội, nên ngay từ khi còn nhỏ bà Gandhi đã rất cá tính, mạnh mẽ và độc lập. Bà cũng hay bất hòa với các chị em ruột của cha, đặc biệt là cô Vijayalakshmi Pandit, nữ chủ tịch đầu tiên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào năm 1965.
Bà Indira từng theo học các trường Đại học Visva-Bharati ở Ấn Độ và Đại học Oxford danh tiếng ở Anh. Năm 1938, bà gia nhập Đảng Quốc đại và trở thành một nhà hoạt động nổi bật trong phong trào đòi độc lập cho Ấn Độ.
Bà Indira và chồng - Feroze Gandhi trong ngày cưới năm 1942. Ảnh: NDTV |
Bà Indira gặp, rồi kết hôn với Feroze Gandhi, một người cũng tham giam đấu tranh vì độc lập dân tộc, vào năm 1942. Đôi vợ chồng trẻ ban đầu định cư ở Allahabad và sinh được hai con trai. Song, cuộc hôn nhân của họ gặp trục trặc khi bà Indira chuyển đến New Dehli để làm trợ lý cho cha, người nắm cương vị thủ tướng Ấn Độ từ năm 1947 và phải sống cô độc trong một môi trường đầy áp lực (mẹ Indira mất từ khi bà mới 17 tuổi).
Bà Indira sống ly thân, rồi ly hôn với ông Feroze vào năm 1951. Song, hai người tái hợp vào năm 1958 và sống hạnh phúc với nhau cho đến khi ông Feroze qua đời tháng 11/1960 trong một chuyến công cán nước ngoài cùng vợ.
Bà Indira là trợ lý đắc lực và luôn ở cạnh cha khi ông giữ chức Thủ tướng Ấn Độ. Ảnh: NDTV |
Là con nhà nòi và ái nữ của thủ tướng nên bà Indira nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân khi tham gia chính trường. Sau khi cha mất vào năm 1960, bà Indira trở thành người thừa kế di sản của ông.
Bà Indira là chính khách giữ cương vị thủ tướng Ấn Độ lâu nhất, từ năm 1966 đến năm 1977 và từ năm 1980 đến thời điểm bị ám sát năm 1984. Bà được đánh giá có công lao to lớn nhất trong việc chèo lái đất nước Ấn Độ vượt qua thời kì khủng hoảng, chống lại được những mối đe dọa từ Mỹ và Trung Quốc.
Ảnh: Hindustan Times |
Dưới thời bà Indira cầm quyền, quốc phòng Ấn Độ phát triển mạnh, với nhiều thành tựu đáng kể trong nghiên cứu vũ khí hạt nhân. Chính phủ của bà cũng dẫn dắt Ấn Độ trải qua cuộc chiến với Pakistan năm 1971, dẫn đến sự ra đời của nhà nước Bangladesh ở phía đông quốc gia láng giềng.
Ngoài ra, bà Indira còn nổi tiếng vì các chiến dịch mạnh tay chống phong trào ly khai của các tín đồ đạo Sikh. Đặc biệt, việc chính phủ của bà cho phép quân đội tấn công Đền Vàng, nơi thờ cúng linh thiêng của người Sikh ở Punjab vào tháng 6/1984 nhằm tiêu diệt một thủ lĩnh tôn giáo cực đoan tại địa phương, đã khiến cho các tín đồ theo đạo này vô cùng phẫn nộ. Các quyết định gây tranh cãi khiến nữ thủ tướng Ấn Độ nhiều lần bị dọa giết để trả thù. Chúng cũng là nguyên nhân khiến bà bị ám sát 4 tháng sau đó.
Các cuộc điều tra sau này hé lộ, hai lính cận vệ ra tay ám sát bà Indira vào ngày 31/10/1984 đều là tín đồ đạo Sikh. Chúng đã cố tình đổi ca trực để có thể canh gác cùng nhau trong ngày này.
Ảnh: Time |
Đáng chú ý, sau sự cố Đền vàng hồi tháng 6, các cố vấn từng khuyên thủ tướng loại bỏ hết các thành viên đội cận vệ là người Sikh vì lí do an ninh. Tuy nhiên, bà Indira từ chối, vì nhiều người trong số họ là vệ sĩ lâu năm của bà. Ngay sát thủ Beant cũng là cận vệ đã đi theo bà 10 năm và rất được bà yêu quý.
Các cố vấn cũng kiến nghị thủ tướng mặc áo chống đạn mỗi khi ra ngoài, ngồi trên xe chống đạn và có đội ngũ bác sĩ, y tế luôn túc trực gần mình. Song, bà Indira không tuân thủ nghiêm ngặt những đề xuất này. Bà miễn cưỡng mặc áo chống đạn, nhưng nhiều lần tự cởi ra vì không thoải mái.
Vào ngày định mệnh, khi chuẩn bị đến buổi phỏng vấn của Ustinov, bà Indira cũng không mặc áo chống đạn vì tin việc đó sẽ khiến bản thân trông béo hơn. Bên cạnh đó, cuộc gặp diễn ra trong khuôn viên tư dinh và phủ thủ tướng được canh phòng cẩn mật nên bà Indira cho rằng mình vô cùng an toàn.
Tuy nhiên, tai họa đã ập đến. Sau khi Thủ tướng Indira mất, bà được hỏa táng và bảo quản tro cốt tại quần thể Đài tưởng niệm Raj Ghat ở New Delhi, bên cạnh lãnh tụ Mahatma Gandhi. Sát thủ Satwant bị đưa ra xét xử vì tội ám sát lãnh đạo chính phủ, rồi bị xử tử bằng hình thức treo cổ tại nhà tù Tihar ở New Delhi vào ngày 6/1/1989.
Thủ tướng Indira phát biểu trước đám đông dân chúng. Ảnh: NDTV |
Sử sách có ghi, một ngày trước khi bị ám sát, bà Indira từng tuyên bố trước công chúng: "Nếu tôi chết ngày hôm nay, từng giọt máu của tôi sẽ tiếp thêm sinh lực cho quốc gia và dân tộc Ấn Độ vĩ đại".
Đúng như kỳ vọng, những tư tưởng của bà Indira vẫn có ảnh hưởng đến chính trường Ấn Độ sau này. Trong cuộc thăm dò ý kiến năm 1999 của BBC, nữ thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ đã được bình chọn là người phụ nữ vĩ đại nhất thế giới trong 1.000 năm qua.
Tuấn Anh
Ngày này năm xưa: Nghẹt thở giải cứu con tin Nga
Ngày 26/10/2002, đặc nhiệm Nga tấn công vào nhà hát Dubrovca ở Moscow nhằm giải cứu gần 1.000 con tin.
Ngày này năm xưa: Cuộc đối đầu kịch tính Xô - Mỹ ở Cuba
Cách đây đúng 56 năm, thế giới suýt phải đối diện với một cuộc chiến tranh hạt nhân, bắt nguồn sự đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô.
Ngày này năm xưa: Mối tình gây tranh cãi của huyền thoại âm nhạc Anh
Ngày 18/10/1968, John Lennon, thành viên ban nhạc lừng danh The Beatles và người tình Yoko Ono bị bắt giữ tại căn hộ ở London vì sở hữu trái phép chất ma túy.
Ngày này năm xưa: Bi kịch vũ nữ thoát y làm điệp viên
Ngày 15/10/1917, vũ nữ thoát y lừng danh người Hà Lan Mata Hari bị xử tử tại một vùng ngoại ô Paris, Pháp vì tội làm gián điệp cho Đức.
Ngày này năm xưa: Vụ bạo loạn thảm khốc trên tàu chiến Mỹ
Ngày 11/10/1972 xảy ra vụ đụng độ tồi tệ nhất lịch sử Hải quân Mỹ, giữa thủy thủ da đen và thủy thủ da trắng trên chiến hạm USS Kitty Hawk ngoài khơi Việt Nam.
Ngày này năm xưa: Tổng thống chao đảo sự nghiệp vì lụy tình
Ngày 8/10/1998, Hạ viện Mỹ phê chuẩn việc xúc tiến luận tội Tổng thống Bill Clinton, mở đầu hàng loạt rắc rối làm chao đảo sự nghiệp của ông chủ Nhà Trắng lụy tình.
Ngày này năm xưa: Vụ chính biến rúng động nước Nga
Vụ "chính biến 1993" rúng động Nga chấm dứt khi phe của Phó tổng thống Rutskoi đầu hàng Tổng thống Yeltsin.
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon