- Những người thực hiện Đêm hoa lệ nhưng đã dũng cảm dùng sức trẻ để dấn thân và tìm lại vẻ đẹp của quá khứ trên vùng đất này.
MC Trác Thúy Miêu mở màn Đêm hoa lệ:
Tối 30/11, buổi công diễn “Đêm hoa lệ” – Chương trình văn nghệ nhằm tôn vinh những giá trị bản sắc của Sài Gòn thông qua một thể thức kịch ước lệ dẫn dắt người xem tương tác với bối cảnh trong quá khứ, từ thời khẩn hoang đầu thế kỷ 20 đến thời kỳ hoàng kim của văn nghệ sân khấu vào thập niên 1950 – 19 60.
Tiết mục hát bội trong Đêm hoa lệ:
Khán giả được tham gia vào một chuyến du lịch nghệ thuật đi ngược thời gian và thưởng thức tận mắt những trích đoạn kinh điển của sân khấu cải lương, hát bội, ca kịch, nhạc bolero… Không chỉ thế, đó là không gian của đời sống Sài Gòn, từ bình dân đến thượng lưu, từ vỉa hè đến vũ trường của một thành phố hoa lệ.
Những người ngưỡng mộ văn hoá Sài Gòn xưa - nay đã có thể bước vào thế giới đầy hoài niệm của Đêm Hoa Lệ và tương tác với diễn viên để thấy một Sài Gòn không ranh giới giữa sân khấu và khán đài, giữa người giàu kẻ nghèo, giữa hoa và lệ.
Sự kiện có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ tên tuổi: NSND Bạch Tuyết, vợ chồng nghệ sỹ Thành Hội - Ái Như, diễn viên Diễm My 6x – 9x, Kathy Uyên, Hứa Vỹ Văn, Cựu người mẫu Thuỷ Hương, Hoa hậu Thuỳ Dung, Giám đốc nghệ thuật – nhà thiết kế Sĩ Hoàng, biên kịch – nhà báo Trác Thúy Miêu cùng hơn 50 diễn viên trẻ tại nhà hát Chợ Lớn.
Đi qua bao biến cố, thăng trầm cùng thời gian, Sài Gòn nằm nép mình và có lẽ chỉ còn trong hoài niệm của một thế hệ người dân. Những hình ảnh ấy, đôi khi là kí ức mơ hồ về bùng binh Cây liễu, về Thương xá Tax, về những đôi nam thanh nữ tú cùng đưa nhau đi bát phố, xem Cine vào mỗi dịp cuối tuần hay những chiếc xích lô, những gánh hàng rong người ta dễ dàng bắt gặp đâu đó trong một con hẻm, khu phố nhỏ. Thế nhưng, ở một góc riêng nào đó, ít nhất với một số người, họ vẫn giữ cho mình một không gian về Sài Gòn xưa.
Thông qua đêm diễn này, công chúng sẽ một lần nữa được nhìn ngắm lại bức chân dung về bản sắc Sài Gòn từ xưa đến nay. Sự hoài niệm về một Sài Gòn hoa lệ, mộng mơ nhưng cũng đầy phóng khoáng, hào sảng, sẵn sàng nghênh đón cư dân từ khắp mọi nơi đổ về.
Việc gắn kết giữa cái cũ và cái mới, giữa những giá trị tinh thần được lưu giữ từ chính những người con Sài Gòn đã mang đến một đêm diễn trọn vẹn cảm xúc. Nhiều khán giả lớn tuổi đã rưng rưng nước mắt khi được thấy lại hình ảnh của mình cách đây hàng thập kỷ. Một số người trẻ dẫu chưa một lần được chạm mặt Sài Gòn của quá khứ cũng không tránh khỏi cảm giác bồi hồi khi thưởng thức.
Đúng 20h, buổi diễn bắt đầu với lời mở màn của nhà báo Trác Thúy Miêu – Người phụ trách mảng biên kịch vở diễn. Trong bộ áo dài chít eo cùng mái tóc được chải chuốt cầu kỳ quen thuộc gợi nhớ phong cách các quý cô Sài Gòn xưa, chị phát biểu: “Người ta đang lên án những kẻ đang cùng nhau đi ngược chiều, đi thụt lùi, đi tìm những cái gì cũ kỹ, và đặt câu hỏi tại sao không tiến về phía trước. Ấy vậy mà Sài Gòn vốn dĩ rất nhỏ, cứ tranh nhau người trước kẻ sau tiến lên phía trước thì biết tiến đi đâu
Xin hãy xem buổi gặp gỡ hôm nay là một cuộc hẹn hò mà chúng tôi đã bày biện ra cùng quý vị, cho những người lòng còn tơ tưởng đến hình ảnh người đàn bà đẹp mang tên Sài Gòn. Dẫu cho người đàn bà ấy hôm nay ít nhiều tiều tụy, phong sương nhưng có lẽ chính nàng lại đẹp nhất trong những tỳ vết ấy. Từ câu chuyện đẹp của người đàn bà mang tên Sài Gòn để chúng ta cùng tự trả lời cho mình những câu hỏi…"
Khoảnh khắc NSND Bạch Tuyết hóa thân trong vai diễn kinh điển và rồi sau đó lặng lẽ lui vào hậu đài trước lời bình của Trác Thúy Miêu gây nhói lòng cho không ít người. Một thực tế cho thấy thế hệ nghệ sỹ vàng son như bà đang dần mai một, trong khi bộ môn nghệ thuật Cải lương hiện nay cũng đang mai một từng ngày.
Nghệ sĩ Bạch Tuyết hóa thân Thái hậu Dương Vân Nga:
Mạch chương trình được chia thành 6 cảnh chính với mục đích tái hiện lại không khí nghệ thuật của Sài Gòn một thuở. Hình ảnh các nghệ nhân từ gánh hát diễn tuồng trong khung cảnh mộc mạc của buổi hát đình, sự vỡ òa sung sướng khi một lần nữa được nhìn thấy NSND Bạch Tuyết xuất hiện với vai diễn làm nên tên tuổi của bà Thái Hậu Dương Vân Nga cho đến những quán xá vỉa hè - Nơi được nhìn nhận là một trong những thứ hiếm hoi của Sài Gòn còn hiện hữu giữa đời sống hiện nay,... Tất cả tiết mục đều diễn ra tự nhiên, không phô trương mà nhẹ nhàng, như chính nhịp sống người Sài Gòn xưa.
Nhắc đến Sài Gòn là nhắc đến Bolero. Sự hồi sinh kì diệu của dòng nhạc này trong vài năm trở lại đây bên cạnh sự hưởng ứng cũng còn gây ra không ít ý kiến tranh cãi. Tuy nhiên, tạm gác lại những điều không hay, Bolero đã vang lên và hòa nhịp trong không gian vừa đủ của Nhà hát Chợ lớn trước sự đồng điệu của nhiều trái tim khán giả. Giọng ca của Tùng Anh cùng nghệ sỹ đệm đàn đã có tiết mục trọn vẹn với sự phụ diễn của gần 20 diễn viên trong vai diễn chủ quán, người bán báo, bán hoa dạo và công nhân,…
Trong khung cảnh một quán cóc vỉa hè, dưới ánh đèn vàng vọt hắt xuống khoảng sân bé nhỏ, những con người từ đủ mọi tầng lớp cùng hòa giọng theo ca sỹ liên khúc Thói đời – Ai cho tôi tình yêu ( NS Trúc Phương) và Mưa đêm tỉnh nhỏ ( NS Hà Phương). Bolero là thế, bất kể là ai, bất kể làm nghề gì, họ vẫn có thể ngân nga và chìm đắm trong những giai điệu tha thiết, trải khắp từ vỉa hè đến những nơi sang trọng.
Ở một lát cắt khác, Sài Gòn vốn nổi tiếng là chốn phồn hoa, nơi tập trung những tụ điểm vui chơi, giải trí sầm uất nhất cả nước. Điểm đặc trưng này cũng là chủ đề được thể hiện qua “Vũ trường đêm màu hồng”. Các diễn viên trong các bộ âu phục, áo dài, áo đầm, sườn xám sang trọng cùng đắm chìm với cảm xúc bản “Ánh trăng nói hộ lòng tôi” do Tú Linh thể hiện, và sau đó là “Hãy ngước mặt nhìn đời” của Lê Hựu Hà phần nào mô phỏng không khí náo nhiệt, sôi động về đêm của các phòng trà, hộp đêm nổi tiếng của Chợ Lớn trước đây.
Với thông điệp trao gửi đến từ các diễn viên và ekip thực hiện chương trình, lần lượt các diễn viên trong những thiết kế áo dài mới nhất cùng trình diễn và khép lại chương trình.
Hiện nay, sự mất mát hay phai nhạt là điều được gợi nhắc đến nhiều nhất khi đề cập về Sài Gòn. Tuy nhiên, nếu bản thân mỗi người, những con đường, hàng cây, tòa nhà cổ hay cái to tát hơn là đời sống tinh thần, nếu được bảo bọc, được ngợi ca và phát triển thì điều ấy hẳn sẽ còn rất xa. Và ít nhất, buổi công diễn "Đêm hoa lệ" đã làm được điều đó.
Những người thực hiện chương trình còn rất trẻ, nhưng cũng chính họ đã dũng cảm dùng sức trẻ của mình để dấn thân và tìm lại những vẻ đẹp của quá khứ trên vùng đất này, dẫu cho những ký ức với họ đối với một thời đã qua không được tròn đầy.
Bên cạnh việc khơi gợi tiềm thức và tình cảm của người dân thành phố với nền văn minh bản địa, Đêm Hoa Lệ tại nhà hát Chợ Lớn còn là điểm đến hỗ trợ hoạt động du lịch thành phố, nơi khán giả ngoại quốc tham gia các tour khám phá Chợ Lớn có thể cảm thụ câu chuyện về nền văn minh quá khứ của Việt Nam nói chung và Sài Gòn – Chợ Lớn nói riêng.
Các nghệ sĩ trong giây phút kết thúc buổi diễn. |
Đêm Hoa Lệ sẽ được công diễn rộng rãi tới công chúng hàng tuần tại nhà hát Chợ Lớn, với mong muốn truyền tải những thông điệp ý nghĩa qua các kịch bản có giá trị văn học, nghệ thuật và mang đậm dấu ấn vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn.
Tuấn Chiêu
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon