-Các tỉnh tại ĐBSCL đã họp khẩn để ứng phó với áp thấp nhiệt đới đang hướng vào, có thể gây ra mưa to, gió lớn kèm theo lốc xoáy, vòi rồng.
Cách đất liền 160km
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, hồi 16h ngày 1/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở vào khoảng 7,8 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông, cách đất liền các tỉnh Bạc Liêu-Cà Mau khoảng 160km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.
Tình hình mới nhất về áp thấp nhiệt đới |
Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km.
Đến 16h ngày 2/11, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 8,3 độ Vĩ Bắc; 103,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam tỉnh Cà Mau-Kiên Giang. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Do ảnh hưởng của ATNĐ kết hợp với không khí lạnh, ở vùng biển Tây Nam quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau (bao gồm các huyện đảo Phú Quý, Côn Đảo), vùng biển Cà Mau đến Kiên Giang (bao gồm cả đảo Thổ Chu) có mưa rào và giông kèm khả năng lốc xoáy, vòi rồng; gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh.
Ven biển từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau đề phòng nước dâng do ATNĐ và không khí lạnh từ 0,3-0,4m, kết hợp với kỳ triều cường cao khiến mực nước biển có thể lên tới 4-4,5m.
Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên) trong khoảng 5-10 độ vĩ Bắc, 102,5-108,0 độ kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu ATNĐ, đêm nay (1/11) ở ven biển các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang có gió giật mạnh cấp 6-7.
Từ hôm nay (01/11) đến hết ngày 02/11, ở Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100-150mm, có nơi trên 200mm. Do ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh, các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung Bộ trong đêm nay tiếp tục có mưa vừa, mưa to và dông.
Họp khẩn, cấm tàu thuyền ra khơi
Tại Cà Mau, để đảm bảo an toàn cho học sinh mầm non và tiểu học do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ sáng mai các học sinh của các huyện vùng ven biển Ngọc Hiển, Năm Căn, Phú Tân, Đầm Dơi, Trần Văn Thời, U Minh sẽ được nghỉ học.
Các tỉnh ĐBSCL đã cấm tất các tàu thuyền ra khơi do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: Báo Đất Mũi |
Tại các huyện và thị xã ven biển ở Kiên Giang như: Phú Quốc, Kiên Hải, huyện Kiên Lương, An Minh và thị xã Hà Tiên, lực lượng chức năng đã thông báo diễn biến tình hình của áp thấp nhiệt đới cho người dân, đặc biệt là bà con sống ở khu vực rừng phòng hộ ven biển, sẵn sàng di dời khi cần thiết; triển khai biện pháp gia cố, chằng chống nhà cửa, lồng bè cá…
Tại huyện Kiên Lương, sáng nay chính quyền địa phương không cho tàu thuyền ra khơi, đồng thời đề nghị Chi cục thuỷ lợi tỉnh cho mở các cống ngăn mặn để tàu thuyền vào tránh trú bão.
Tại Phú Quốc, sáng nay chỉ có gió nhẹ. Hiện nay, ngành chức năng đã cấm tàu thuyền ra khơi và kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh bão, áp thấp, đảm bảo an toàn.
Tại Sóc Trăng, ông Nguyễn Đức Quang - Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và lãnh đạo tỉnh đã đi kiểm tra thực tế tình hình chuẩn bị ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần bờ và áp thấp nhiệt đới gần biển Đông. Đoàn đã đến khảo sát cảng cá Trần Đề, nơi có nhiều tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản có trọng tải lớn.
Ông Nguyễn Đức Quang kiểm tra tình hình chuẩn bị ứng phó áp thấp nhiệt đới tại Sóc Trăng. Ảnh: Báo Sóc Trăng |
Tại đây các chủ tàu cho biết đã nhận được thông tin về áp thấp nhiệt đới từ Bộ đội Biên phòng tỉnh và các phương tiện truyền thông nên nhanh chóng di chuyển về cảng trú, tránh.
Ông Nguyễn Đức Quang yêu cầu, Sóc Trăng đặc biệt quan tâm đến người dân sống ven đê biển và xem xét cẩn thận nhà dân tại khu vực trên có chịu nổi sức gió giật cấp 7, 8 hay không để có biện pháp di dời.
Đề phòng áp thấp nhiệt đới thành thành bão khi đó mưa lớn, nước biển dâng thì xem kỹ các công trình đê biển, đê sông nhằm đảm bảo an toàn tính mạng người dân, kể cả việc sản xuất nông nghiệp của bà con.
Sóc Trăng đã chỉ đạo các địa phương rà soát lại những vùng xung yếu trọng điểm nếu bão xảy ra sẽ ảnh hưởng; tăng cường thông tin tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm và biết được tình hình, diễn biến của áp thấp nhiệt đới, nhất là vào ban đêm.
Tại Trà Vinh, ngành chức năng cho biết, tỉnh có 1.216 tàu thuyền đánh cá với 4.865 ngư dân hành nghề. Thời điểm này tất cả tàu thuyền và ngư dân đã được đưa vào bờ an toàn. Tỉnh đã có thông báo cấm tàu thuyền ra khơi.
Bến Tre, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã có công điện gửi các Sở ban ngành tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố về việc khẩn trương triển khai các phương án, biện pháp phòng tránh, ứng phó với áp thấp nhiệt đới.
Trước diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới, Bến Tre nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi kể từ sáng nay cho đến khi có thông báo mới. Đồng thời triển khai thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng” trong công tác phòng tránh, ứng phó.
Bão số 12 vào Nam Bộ, tránh lặp thảm họa hàng nghìn người chết
Áp thấp nhiệt đới hôm nay sẽ mạnh lên thành bão, đi vào biển Đông trở thành bão số 12, có nguy cơ tác động trực tiếp Nam Bộ.
Thời tiết 1/11: Bão nối áp thấp vào biển Đông, khả năng có vòi rồng
Thời tiết Nam Trung Bộ vào đến Nam Bộ chuyển biến cực kỳ xấu khi xuất hiện cùng lúc cả bão và áp thấp nhiệt đới.
20 năm sau bão Linda, Cà Mau đón áp thấp nhiệt đới
Đúng 20 năm sau bão Linda khiến hàng trăm người chết, Cà Mau có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng do áp thấp nhiệt đới.
Hoài Thanh
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon