Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất trên diện rộng

Cụ thể, trong 6 giờ qua (từ 11 giờ đến 17 giờ ngày 25/6), ở khu vực các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên đã có mưa vừa, mưa to như: Minh Khai 2 80,3mm, Thất Khê 69mm (Lạng Sơn), Thị Trấn Chợ Chu 64,4mm, Cây Thị 59,1mm (Thái Nguyên).

Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo trong 6 giờ tới, tại khu vực các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 20-40mm, có nơi trên 60mm.

Chính vì thế, nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại địa phương trên, đặc biệt là các huyện Bình Gia, Hữu Lũng, Chi Lăng (Lạng Sơn); Định Hóa, Đồng Hỷ, Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên).

Theo báo cáo nhanh của tại huyện Cao Lộc (Lạng Sơn), có 5 ngôi nhà bị sạt lở; nhiều đoạn đường bị sạt lở đất đá; gần 100 ha lúa, ngô, dưa hấu bị ngập úng.

Lực lượng chức năng khắc phục sạt lở đường giao thông tại xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn. Ảnh: Tân An.

Tại địa bàn thành phố Lạng Sơn, mưa lớn đã khiến cho nhiều tuyến đường bị ngập úng, trong đó có một số tuyến ngập úng sâu, thoát chậm tại khu vực cầu chui Mỹ Sơn, đường Ngô Quyền; đường Bà Triệu; thôn Bản Viển, xã Hoàng Đồng…gây ảnh hưởng đến giao thông, hỏng hóc phương tiện giao thông; một số khu vực nước dâng cao vào nhà dân gây thiệt hại về tài sản.

Nước lũ dâng cao gây cản trở giao thông khu vực thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Tân An.

Tại huyện Văn Quan có 2 nhà (1 nhà ở, 1 nhà bếp) bị đổ, sập; 11 nhà bị sạt lở; khối lượng đất đá sạt lở trên các tuyến đường giao thông là 2.300 m3; hơn 150 ha lúa, ngô, rau màu bị ngập úng.

Cùng với các huyện, thành phố kể trên, hiện các huyện khác trên địa bàn cũng bị ảnh hưởng của mưa lũ gây thiệt hại về tài sản. Hiện chưa ghi nhận thiệt hại về người.

Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lạng Sơn, chiều 25/6, mực nước ở các sông trên địa bàn tỉnh tiếp tục lên nhanh. Cụ thể trên sông Kỳ Cùng, mực nước lúc 15 giờ ngày 25/6 tại trạm thủy văn Lạng Sơn là 251,05 m, thấp hơn báo động 1 là 0,95 m; trên sông Trung mực nước là 18,55m, trên báo động 2 0,55 m.

Dự báo trong 12-24 giờ tới, mực nước trên sông Trung tại trạm Hữu Lũng tiếp tục lên và đạt đỉnh 19,1 m, trên báo động 3 là 0,1 m.

Dự báo đêm nay (25/6) đến đêm mai (26/6), các huyện, thành phố trong tỉnh tiếp tục có mưa vừa, mưa to và dông với lượng mưa từ 40-80 mm, có nơi trên 80 mm; xác suất xảy ra mưa lớn từ 70-90%. Trước diễn biến mưa lũ còn diễn biến phức tạp, các huyện, thành phố cần chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống mưa lũ hiệu quả. Đồng thời các hộ dân cần nêu cao cảnh giác, chủ động di chuyển chỗ ở, di dời tài sản, đồ đạc đến nơi an toàn khi mà những ngày gần đây đã xuất hiện tình trạng sạt lở, đổ, sập nhà.

Tại Đà Nẵng và Bình Thuận, trong 6 giờ qua (từ 11h ngày 25/6 đến 17h ngày 25/6), đã có mưa to đến rất to như: Phan Lâm 92,7mm (Bình Thuận); Tân Thuận 88,3mm, Bà Nà 85,8mm (Đà Nẵng).

Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo trong 6 giờ tới, tại các tỉnh Đà Nẵng, Bình Thuận tiếp tục có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 30-50mm, có nơi trên 80mm.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các địa phương trên, đặc biệt là các huyện Hòa Vang (Đà Nẵng);  Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh (Bình Thuận).

Theo bản tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 25-27/6, khu vực miền núi phía Bắc tiếp tục có mưa to, có nơi mưa rất to, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về PCTT và Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN đề nghị Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các tỉnh miền núi phía Bắc theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân để chủ động phòng tránh. Huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định đời sống.

Đồng thời, khẩn trương triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Adblock test (Why?)

Previous
Next Post »
Thanks for your comment