Mở ra chương mới quan hệ Việt Nam - Thái Lan sau chuyến thăm của Chủ tịch nước

XEM VIDEO: Toàn cảnh chuyến thăm của Thái Lan của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc , phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vừa kết thúc thành công chuyến thăm chính thức Thái Lan và tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả chuyến thăm.

20 hoạt động trong chưa đầy 48 tiếng

 Bộ trưởng Ngoại giao cho biết, đây là chuyến thăm Thái Lan đầu tiên của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị mới, là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Thái Lan kể từ sau Đại hội Đảng XIII và từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, là dấu mốc trong quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường giữa Việt Nam và Thái Lan, tạo xung lực mới thúc đẩy hợp tác giữa hai nước; truyền đi thông điệp về quyết tâm của lãnh đạo hai bên đưa quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường Việt Nam – Thái Lan phát triển ngày càng mạnh mẽ, toàn diện và hiệu quả hơn.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha ra tận sân bay đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu Việt Nam.

Chủ tịch nước là lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên Thái Lan đón song phương chính thức ngay trước thềm Hội nghị cấp cao APEC. Các nhà lãnh đạo Thái Lan đánh giá cao ý nghĩa quan trọng của chuyến thăm nhằm tạo tiền đề thuận lợi nâng tầm hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới trên cả bình diện song phương và đa phương trong bối cảnh hai nước đang tiến tới kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược vào năm 2023. 

Với lịch trình làm việc dày đặc gồm gần 20 hoạt động trong chưa đầy 48 tiếng, Chủ tịch nước đã có các hoạt động với lãnh đạo Thái Lan và các đối tác để trao đổi các nội dung hợp tác cụ thể. 

Phía Thái Lan đón tiếp Chủ tịch nước và đoàn đại biểu Việt Nam rất trọng thị, chu đáo với 21 loạt đại bác chào mừng đoàn. Thủ tướng Thái Lan và phu nhân cùng một số bộ trưởng ra sân bay đón.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, chuyến thăm đã đạt được những kết quả rất toàn diện, thực chất và cụ thể. Lãnh đạo hai nước đã thống nhất cao về những phương hướng thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu của mỗi bên.

Hai bên đã ra Tuyên bố chung với thông điệp “Kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Thái Lan: mở ra chương mới của mối quan hệ Đối tác Chiến lược mạnh mẽ hơn nữa vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung”. 5 văn kiện hợp tác được ký kết trước sự chứng kiến của lãnh đạo hai nước.

Lễ đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc được tổ chức trang trọng tại tòa nhà Chính phủ Thái Lan

Hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng, nhất là kinh tế, thương mại, đầu tư được tiếp thêm động lực mới, mở ra cơ hội mới. Lãnh đạo hai nước đã nhất trí tăng cường kết nối kinh tế, nhất là trên 3 lĩnh vực đó là, kết nối chuỗi cung ứng, kết nối doanh nghiệp và các địa phương hai nước, kết nối các chiến lược tăng trưởng bền vững

Hai bên cam kết phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 25 tỷ USD vào năm 2025 theo hướng cân bằng hơn thông qua các biện pháp tạo thuận lợi tiếp cận thị trường và giảm các hạn chế thương mại đối với hàng hóa của nhau. 

"Kết quả chuyến thăm một lần nữa khẳng định Việt Nam và Thái Lan là đối tác chiến lược, tin cậy trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế, khu vực, nhất là tại Liên Hợp Quốc, APEC, ASEAN và các diễn đàn hợp tác tiểu vùng Mekong", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Ngoại giao khẳng định, kết quả chuyến thăm mang lại lợi ích thiết thực cho hai nước, đóng góp tích cực vào xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, vì hòa bình, ổn định và hợp tác cùng phát triển trong khu vực và trên thế giới.

XEM VIDEO: Lễ tiễn Chủ tịch nước và phu nhân kết thúc chuyến thăm

Đặt những viên gạch đầu tiên kết nối APEC với đối tác, diễn đàn khu vực

Về Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 29, Bộ trưởng cho hay, hội nghị lần này có ý nghĩa quan trọng, với những kết quả nổi bật trên 4 phương diện. Đây là hội nghị trực tiếp đầu tiên của các nhà lãnh đạo APEC sau 4 năm gián đoạn, qua đó tạo động lực để APEC tiếp tục là diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực. Việc lãnh đạo cấp cao của 21 nền kinh tế nhóm họp, ra Tuyên bố chung đã truyền tải thông điệp mạnh mẽ về hợp tác, đối thoại và chủ nghĩa đa phương.  

Các nhà lãnh đạo dành nhiều thời gian để trao đổi những vấn đề chiến lược, có ý nghĩa then chốt đối với sự phát triển của châu Á – Thái Bình Dương trong giai đoạn mới. Thông qua Tuyên bố chung về Mô hình kinh tế sinh học – tuần hoàn và xanh – đề ra một chiến lược tăng trưởng mới sau đại dịch. 

Hội nghị lần này đã đặt những viên gạch đầu tiên cho việc kết nối APEC với các đối tác và các diễn đàn khu vực khác. Bộ trưởng Ngoại giao cho biết, đây là lần đầu tiên một lãnh đạo châu Âu và Trung Đông tham dự hội nghị APEC. Cuộc đối thoại cũng là dịp quan trọng để tìm kiếm các cơ hội mới, phát huy hơn nữa thế mạnh của mỗi diễn đàn, mỗi nền kinh tế. 

Chủ tịch nước phát biểu tại phiên thảo luận về “Tương lai thương mại và đầu tư, các cơ hội và thách thức đối với hợp tác khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.

Sự tham gia đông đảo và tích cực của cộng đồng doanh nghiệp cho thấy có sự gắn kết, kết nối rất chặt chẽ trong chương trình nghị sự và nội dung thảo luận ở cả kênh chính phủ và kênh doanh nghiệp, giúp tạo sự cộng hưởng và nâng cao hiệu quả hợp tác APEC. 

Nhấn mạnh đóng góp của Việt Nam tại hội nghị cấp cao năm nay, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham gia tích cực, chủ động, đóng góp một cách xây dựng vào tất cả các hoạt động của hội nghị.

Ngoài các phiên họp hẹp của hội nghị, Chủ tịch nước đã tham gia đối thoại với các khách mời, với cộng đồng doanh nghiệp và có bài phát biểu dẫn đề tại Diễn đàn thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2022. Bên cạnh đó, Chủ tịch nước và lãnh đạo các bộ, ngành đã có nhiều cuộc tiếp xúc, gặp gỡ với lãnh đạo các nền kinh tế và các tập đoàn hàng đầu thế giới. 

Lãnh đạo các nền kinh tế APEC tham dự hội nghị cấp cao.

Đại diện các bộ, ngành của Việt Nam đã tham gia tích cực phối hợp với chủ nhà Thái Lan và các thành viên trong quá trình chuẩn bị cho hội nghị cũng như quá trình xây dựng văn kiện để đem lại kết quả tốt nhất cho Hội nghị.

Đoàn Việt Nam đã chia sẻ những ý tưởng, quan điểm mới về xu thế phát triển, định hướng của APEC trong giai đoạn đầy thách thức hiện nay. Những đề xuất của Việt Nam nhận được sự hưởng ứng, đánh giá cao và được thể hiện trong văn kiện bởi có có tính đến lợi ích của tất cả các thành phần trong xã hội, các nền kinh tế, cũng như cân bằng giữa lợi ích ngắn hạn và dài hạn. "Chúng ta cũng chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và những chính sách quan trọng đang triển khai", Bộ trưởng nêu. 

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khác biệt quan điểm giữa các thành viên ngày càng sâu sắc, Việt Nam đã cùng các thành viên chủ động tạo thêm kênh trao đổi, để thu hẹp khác biệt, tìm kiếm tiếng nói chung, duy trì đồng thuận. Bộ trưởng khẳng định, đây là điểm có ý nghĩa quan trọng đóng góp cho thành công của hội nghị.

XEM VIDEO: Thủ tướng Thái Lan bàn giao vị trí Chủ tịch Năm APEC cho Mỹ

Adblock test (Why?)

Previous
Next Post »
Thanks for your comment